Lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

Lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi

Theo chuyên gia, nếu chỉ sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì vẫn chưa đủ mà cần có sự hài hòa với những luật khác như pháp luật về dân sự, quảng cáo, thương mại.
Lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi ảnh 1Đại diện doanh nghiệp đóng góp ý kiến tại Hội thảo lấy ý kiến Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mỹ Phương/TTXVN)

Nhằm bảo đảm tính hợp lý, khả thi, bảo đảm quyền và lợi ích của doanh nghiệp trong xây dựng dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) gọi tắt là Dự thảo, ngày 25/3, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh (VCCI HCM) phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tại hội thảo, ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, dự thảo sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung lớn của Luật hiện hành như hợp đồng mẫu, điều kiện giao dịch chung; hợp đồng bán hàng đa cấp; nghĩa vụ của đơn vị có giao dịch bán hàng từ xa gồm sàn thương mại điện tử, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ bán hàng trên mạng…; quyền và nghĩa vụ của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng. Dự kiến khi ban hành, Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) sẽ tác động đến nhiều tổ chức, đơn vị trong lĩnh vực này.

Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã được thông qua Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XII ngày 17/11/2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2011.

Trong hơn 10 năm thực thi (2011-2022), quy định tại Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và văn bản hướng dẫn Luật đã góp phần thay đổi mạnh mẽ; kiến tạo các khung khổ, nền tảng cơ bản vững chắc để tiếp tục tạo dựng sự phát triển của việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại Việt Nam.

Tuy nhiên, hiện bối cảnh trong nước và quốc tế đang có nhiều thay đổi, quá trình hội nhập quốc tế của Việt Nam ngày càng sâu rộng. Bên cạnh đó, sự phát triển kinh tế, xã hội cũng như sự xuất hiện của dịch COVID-19 đã làm xuất hiện và thúc đẩy sự phát triển của nhiều hình thức kinh doanh, tiêu dùng mới, nhất là các giao dịch trên môi trường điện tử, giao dịch xuyên biên giới, dịch vụ chia sẻ trên nền tảng công nghệ số...

Chính vì vậy, việc thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập, một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn. Đặc biệt, trong đó có nhiều quy định quan trọng liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng điều chỉnh, giao dịch giữa tổ chức, cá nhân kinh doanh và người tiêu dùng, các giao dịch có sự tham gia của nhiều bên hoặc có yếu tố nước ngoài....

Đánh giá về những bất cập trong thực tiễn thi hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, ông Cao Xuân Quảng, Trưởng phòng Bảo vệ người tiêu dùng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) cho hay, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh đối với người tiêu dùng chưa được quy định hoặc có quy định nhưng theo hướng riêng rẽ, chưa có sự kết nối để tạo hiệu quả điều chỉnh thống nhất.

Bên cạnh đó, các yêu cầu, việc phân loại tính chất mức độ khuyết tật của hàng hóa và việc kiểm soát chưa được quy định phù hợp đã tạo khó khăn cho quá trình thực thi của cả cơ quan quản lý nhà nước và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

Ngoài ra, các quy định liên quan đến hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung chưa thực sự chặt chẽ; phương thức giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh chưa được quy định phù hợp và đầy đủ khiến cho nhiều khiếu nại không được giải quyết...

Do vậy, việc xây dựng Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sửa đổi nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về việc hoàn thiện thể chế bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

[Người tiêu dùng sẽ được bảo vệ tốt hơn trước cách hành vi tiếp thị]

Theo Luật sư Phan Thị Việt Thu, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng Thành phố Hồ Chí Minh, dự thảo Luật sửa đổi lần này, với nội dung gồm 7 chương, 80 điều, tức là tăng thêm 1 chương và 29 điều khoản hoàn toàn mới; trong đó, chỉ giữ lại 13 điều khoản của Luật hiện hành, 38 điều khoản đã được sửa đổi, bổ sung đầy đủ hơn.

Dự Luật đưa ra nhiều quy định mới đáp ứng được những bất cập, khuyết điểm thực tế tồn tại trong lĩnh vực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số vấn đề cần thảo luận thêm.

Đó là nên có sự bổ sung trong quy định giao dịch giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh phải bảo đảm sự bình đẳng. Về chính sách, thêm khoản 6, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng bền vững.

Luật sư Phan Thị Việt Thu chỉ ra rằng, dự thảo Luật sửa đổi thay đổi khái niệm "hàng hóa" bằng "sản phẩm," trong khi về mặt ngữ nghĩa, cụm từ "hàng hóa, dịch vụ" có ý nghĩa chính xác hơn là "sản phẩm, dịch vụ."

Bởi vì hàng hóa là sản vật dùng để bán nói chung, còn sản phẩm gọi chung cái do con người lao động tạo ra, gồm nhiều thứ từ vật chất đến tinh thần như sản phẩm trí tuệ, hay được tạo ra như một kết quả tự nhiên như sản phẩm nông nghiệp.

Ở góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nón Sơn chia sẻ, trên thực tế có nhiều đơn vị sản xuất hàng giả từ tổ hợp nhỏ lẻ đến quy mô có nhà máy, khuôn mẫu, công nhân sản xuất... Nhưng khi bị phát hiện, các đơn vị này chỉ bị phạt hành chính và sau đó lại tiếp tục những hoạt động sản xuất hàng giả.

Trong khi đó, cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp chỉ mới phòng chứ chưa chống triệt để được nạn hàng giả, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ.

Để giải quyết thực trạng trên, cơ quan quản lý nhà nước cần có sự phối hợp đồng bộ trong thực thi pháp luật, xây dựng và phát huy hiệu quả của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Kinh tế Việt Nam đang chuyển hướng mạnh sang xu hướng mới. Đó là kinh tế số, khuyến khích tiêu dùng nội địa, nên nhiều quan hệ pháp luật cũng buộc phải thay đổi cho phù hợp với thực tiễn quan hệ kinh tế.

Việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng nằm trong xu hướng này. Bởi, khi quan hệ kinh tế thay đổi, các chủ thể trong quan hệ kinh tế cũng thay đổi theo, nhất là quyền và nghĩa vụ pháp lý.

Tuy vậy, theo một số chuyên gia, nếu chỉ sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì cũng chưa thể đảm bảo việc bảo vệ tốt quyền lợi của người tiêu dùng mà cần có sự hài hòa với những luật khác như pháp luật về dân sự, quảng cáo, thương mại...

Người tiêu dùng, về lý thuyết là người có quyền lực rất mạnh nhưng trong thực tiễn do nhiều nguyên nhân khác nhau nên thiếu kiến thức, kinh nghiệm về sản phẩm hàng hóa.

Mặt khác, luật pháp và thực thi pháp luật chưa đảm bảo kiểm tra, giám soát chặt chẽ, nên quyền lực người tiêu dùng luôn ở vị thế yếu, nhất là tại một số nước có nền kinh tế thị trường chưa hoàn thiện như Việt Nam.

Cùng với việc sửa đổi Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, chính sự thông thái của người tiêu dùng mới mang lại quyền lợi cho chính mình và cả doanh nghiệp. Đồng thời, cộng đồng doanh nghiệp luôn phải nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm trong cạnh tranh và phục vụ tốt người tiêu dùng, nếu không muốn bị loại khỏi thị trường./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục