LHQ nhấn mạnh tình trạng bất bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm

Nữ giới có ít cơ hội tiếp cận việc làm hơn, có xu hướng phải chấp nhận việc làm chất lượng thấp nhiều hơn, và phải đối diện nhiều rào cản trong bổ nhiệm chức vụ quản lý.
LHQ nhấn mạnh tình trạng bất bình đẳng giới trong lĩnh vực việc làm ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: constructionspecifier.com)

Theo báo cáo do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) công bố trước thềm Ngày Quốc tế phụ nữ 8/3, tuy thế giới đã đạt được một số tiến bộ trong việc thu hẹp tình trạng bất bình đẳng giới trong 20 năm qua, song nữ giới vẫn có ít cơ hội tiếp cận việc làm hơn, có xu hướng phải chấp nhận những việc làm chất lượng thấp nhiều hơn, và phải đối diện với nhiều rào cản trong bổ nhiệm vào các chức vụ quản lý.

Phóng viên TTXVN tại Liên hợp quốc dẫn báo cáo "Triển vọng Xã hội và việc làm của thế giới: Những xu hướng cho phụ nữ năm 2018 - khái quát" cho thấy tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động toàn cầu là 48,5% trong năm 2018, thấp hơn 26,5% so với tỷ lệ của nam giới.

Báo cáo cũng cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ trên toàn thế giới là 6% trong năm 2018, cao hơn khoảng 0,8% so với tỷ lệ của nam giới. Tính trung bình, cứ 10 nam giới có việc làm thì chỉ có 6 phụ nữ được tuyển dụng.

[Chỉ khi phụ nữ được đối xử bình đẳng, họ mới tự do là chính mình!]

Phó Tổng Giám đốc ILO, bà Deborah Greenfield cho biết mặc dù thế giới đã được một số tiến bộ và đưa ra những cam kết cải thiện tình trạng bất bình đẳng giới, song cơ hội phát triển của phụ nữ trong công việc vẫn còn thua xa các đồng nghiệp nam giới.

Theo bà, các quốc gia cần nỗ lực hơn nữa để chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới trong mọi vấn đề từ cơ hội có việc làm, trả lương đến cách đối đãi và sự thăng tiến. Để làm được như vậy, cần phải có những chính sách đặc thù cho phụ nữ, và tính đến những nhu cầu đặc thù khi người phụ nữ phải gánh trách nhiệm gia đình và chăm sóc người khác.

Ở những khu vực như các nước Arab và Bắc Phi, tỷ lệ phụ nữ không có việc làm vẫn cao gấp đôi tỷ lệ ở nam giới, trong khi những quan niệm xã hội phổ biến tiếp tục ngăn cản phụ nữ có được những việc làm được trả lương. Ngược lại, phụ nữ ở Đông Âu và Bắc Mỹ có tỷ lệ thất nghiệp thấp hơn so với nam giới.

Phụ nữ cũng phải đối diện với sự chênh lệch đáng kể về chất lượng công việc. Số phụ nữ làm việc kinh doanh gia đình cao gấp đôi số nam giới. Điều này có nghĩa là phụ nữ đóng góp vào hoạt động kinh doanh gia đình theo định hướng thị trường, song họ thường xuyên phải chịu những điều kiện lao động nhiều rủi ro do không có hợp đồng bằng văn bản, thỏa thuận tập thể và sự tôn trọng đối với luật lao động. Kết quả là, tại các quốc gia đang phát triển, phụ nữ vẫn chiếm đa số lực lượng lao động không chính thức.

Báo cáo trên lưu ý trên phạm vi toàn cầu, số nam giới đảm nhận vai trò chủ lao động cao gấp 4 lần nữ giới trong năm 2018. Phụ nữ tiếp tục phải chịu những rào cản trong việc tiếp cận các vị trí quản lý.

ILO kết luận giải quyết tình trạng phân biệt đối xử giới tính trong lĩnh vực việc làm vẫn phải là ưu tiên hàng đầu nếu như thế giới muốn tới năm 2030 đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho mọi phụ nữ và bé gái./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục