Lĩnh vực bán lẻ châu Âu chật vật vượt qua đại dịch COVID-19

Sự bùng phát trở lại các ca nhiễm mới COVID-19 với tốc độ lây nhiễm ở châu Âu cao nhất thế giới hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế đang phục hồi của Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
Một cửa hàng của H&M tại Berlin, Đức. (Nguồn: AP)
Một cửa hàng của H&M tại Berlin, Đức. (Nguồn: AP)

Ngành bán lẻ là một trong những động cơ thúc đẩy tăng trưởng và việc làm, đồng thời đóng vai trò quan trọng cho tương lai và sự thịnh vượng của nền kinh tế châu Âu. Tuy nhiên, lĩnh vực bán lẻ của châu Âu chứng kiến sự thay đổi lớn kể từ khi xảy ra đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Cơ quan xếp hạng tín nhiệm quốc tế Fitch Ratings đánh giá đại dịch lần này gây ra những ảnh hưởng lâu dài đến các phân khúc khác nhau trong ngành bán lẻ châu Âu. Sự bùng phát trở lại các ca nhiễm mới COVID-19 với tốc độ lây nhiễm ở châu Âu cao nhất thế giới hiện là mối đe dọa lớn nhất đối với nền kinh tế đang phục hồi của Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Viện Nghiên cứu việc làm (IES) cảnh báo đại dịch COVID-19 tiềm ẩn nguy cơ "xóa sổ" hàng triệu việc làm. Tỷ lệ thất nghiệp gia tăng khiến cho câu hỏi cấp bách hiện nay là liệu lĩnh vực bán lẻ vốn có tầm quan trọng hàng đầu của các nền kinh tế châu Âu có đủ sức chống đỡ hay không?

Nguy cơ cuộc khủng hoảng việc làm mới

Kể từ đầu quý 3/2020, hoạt động trong tất cả các danh mục ngành bán lẻ đã dần bình thường hóa khi các biện pháp phong tỏa được nới lỏng, mặc dù tốc độ phục hồi khác nhau. Tháng 7/2020, tổng doanh số bán lẻ của châu Âu chỉ giảm 0,8% so với tháng 6/2020. Tổng khối lượng bán hàng hiện bằng 98,8% khối lượng đạt được vào tháng 2/2020 trước khi bùng nổ cuộc khủng hoảng COVID-19.

Tuy nhiên, nguy cơ làn sóng COVID-19 thứ hai đang tới gần và một lần nữa có thể gây tổn hại nghiêm trọng cho thị trường việc làm và nền kinh tế khu vực này. Quỹ Tiền tệ Quốc tế ngày 24/9 đã cảnh báo triển vọng phục hồi sau dịch bệnh rất bất trắc vì không thể dự báo hướng phát triển của đại dịch. Hoạt động kinh doanh trên toàn cầu bị đình trệ khiến hàng trăm triệu việc làm biến mất và các nền kinh tế lớn ở châu Âu đối mặt với suy thoái ở mức hai con số.

Liên minh châu Âu (EU) đã đưa ra báo động rằng đại dịch COVID-19 đang trở nên tồi tệ hơn so với mức đỉnh tháng 3/2020 ở một số quốc gia thành viên, báo hiệu châu Âu sẽ phải đối mặt với một "mùa Đông đại dịch COVID-19" hết sức khắc nghiệt. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), số ca mắc mới hàng tuần tại châu Âu bắt đầu xu hướng tăng từ giữa tháng Bảy. Số ca mắc COVID-19 tăng cũng đang phủ bóng đen lên triển vọng phục hồi kinh tế khu vực.

[Nền kinh tế Eurozone đang có nguy cơ đối mặt suy thoái kép]

Trong dự báo được 3 viện nghiên cứu ở Đức, Thụy Sỹ và Italy đưa ra ngày 29/9, tăng trưởng kinh tế Eurozone được cho là sẽ bị chững lại trong quý 4/2020, sau khi phục hồi mạnh trong quý 3/2020. Hoạt động kinh tế của Eurozone đã đình trệ trong tháng 9/2020 do sự bùng phát trở lại của virus SARS-CoV-2.

Theo công ty IHS Markit, Chỉ số quản lý mua hàng (PMI) trong tháng 9/2020 giảm xuống còn 50,1 điểm, từ mức 51,9 điểm trong tháng 8. IHS Markit cho biết Đức - nền kinh tế lớn nhất Eurozone, tiếp tục dẫn đầu đà phục hồi, dù với tốc độ chậm hơn trước đó.

Trong khi đó, Pháp đã chứng kiến hoat động kinh doanh "xấu đi" lần đầu tiên trong tháng thứ 4. Các nước còn lại trong Eurozone, trong đó có Tây Ban Nha và Italy, cũng suy giảm nhanh hơn, chưa kể việc cắt giảm nhân sự đang diễn ra trên khắp châu lục.

Lĩnh vực bán lẻ châu Âu chật vật vượt qua đại dịch COVID-19 ảnh 1Một cửa hàng bán lẻ tại Paris, Pháp. (Nguồn: AFP)

Theo số liệu chính thức của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat), tỷ lệ thất nghiệp tại 19 quốc gia thuộc Eurozone đã tăng lên 8,1% trong tháng 8/2020, từ mức tương ứng 7,9% của tháng 7/2020. Như vậy, tính riêng trong tháng Tám vừa qua, Eurozone có khoảng 13,2 triệu người thất nghiệp và số người mất việc làm tăng 251.000 người.

Ngành bán lẻ chủ yếu phục vụ nhu cầu cuối cùng, và do đó chiếm một vị trí quan trọng trong chuỗi giá trị vừa là nhà cung cấp cho các hộ gia đình vừa là đầu ra cho các ngành khác. Ngành này cũng thường bổ sung cho các hoạt động trong các lĩnh vực khác, ví dụ như du lịch.

Ngoài ra, lĩnh vực bán lẻ rất thâm dụng lao động, vì vậy bất kỳ sự gián đoạn nào cũng gây ra hậu quả về việc làm. Khu vực này cũng dựa vào lao động làm việc bán thời gian, làm việc theo yêu cầu và hợp đồng lương thấp, không được hưởng lợi từ các biện pháp bảo trợ xã hội truyền thống, điều càng làm tăng thêm hậu quả xã hội của cuộc khủng hoảng trong lĩnh vực này.

Các chuyên gia kinh tế dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở châu Âu sẽ tăng mạnh hơn nữa trong những tháng tới, khi các chương trình hỗ trợ tiền lương hết hạn, trong khi sự gia tăng đột biến số ca mắc COVID-19 ở nhiều quốc gia đã dẫn đến việc một số nước quyết định tái áp đặt các lệnh hạn chế đi lại, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến các hoạt động xã hội và các doanh nghiệp.

Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) vừa cảnh báo châu Âu nói chung và Eurozone nói riêng đang đứng trước nguy cơ rơi vào cuộc khủng hoảng việc làm mới, khi số lao động thất nghiệp tại khu vực này có thể lên đến 22 triệu người trong 4 năm tới, thêm 4,4 triệu người thất nghiệp so với con số 17,4 triệu hiện nay.

Các chuyên gia của ILO cũng cảnh báo, tình trạng thất nghiệp trong giới trẻ, có thể lên tới 22% số người trong độ tuổi lao động bị thất nghiệp tại một số nước Eurozone, hoặc 30% tại Italy, Bồ Đào Nha, Slovakia, và thậm chí còn lên tới 50% tại Tây Ban Nha và Hy Lạp. Ngay cả thị trường lao động ở các nền kinh tế mạnh hơn trong Eurozone như Đức, Bỉ, Áo, Luxembourg… cũng có thể lâm vào suy thoái.

Khác biệt trong cách tiếp cận tiêu dùng

Lĩnh vực bán lẻ hoạt động như một cửa ngõ tiếp cận người tiêu dùng đã bị đại dịch COVID-19 phá vỡ đáng kể với sự khác biệt lớn giữa các cửa hàng thực và cửa hàng trực tuyến, cửa hàng thiết yếu so với cửa hàng không thiết yếu và các nhà bán lẻ nhỏ so với các tập đoàn lớn.

Theo hãng phân tích Springboard, tại các điểm bán lẻ ở trung tâm London và các thành phố lớn hơn của Vương quốc Anh, lượng khách từ ngày 14/6 đến ngày 12/7 thấp hơn từ 69,2% đến 75% so với cùng kỳ năm ngoái. Còn theo Liên đoàn Bán lẻ Đức, lượng khách đặt chân vào các đường phố mua sắm chính của Đức ở Hamburg, Cologne và Berlin trong tháng 6/2020 thấp hơn 50% so với cùng kỳ năm trước.

Springboard ước tính rằng trong tuần bắt đầu từ ngày 6/7, tỷ lệ đặt chân tổng thể tại các nhà bán lẻ trên khắp lục địa châu Âu vẫn thấp hơn khoảng 1/5 so với cùng tuần một năm trước và thấp hơn 40% ở Anh.

Thời trang và giày dép là những mặt hàng kinh doanh bán lẻ bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Việc kinh doanh ở trung tâm thành phố bị thua lỗ đã khiến các nhà bán lẻ lớn rút lui, trong khi một số chuỗi bán lẻ nhỏ hơn đang gặp khó khăn trước đại dịch đã sụp đổ. Nhà bán lẻ thời trang lớn thứ hai thế giới H&M của Thụy Điển vừa thông báo kế hoạch cắt giảm 250 cửa hàng trên toàn cầu do doanh số bán hàng sụt giảm.

Lĩnh vực bán lẻ châu Âu chật vật vượt qua đại dịch COVID-19 ảnh 2Dịch COVID-19 khiến hoạt động kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng. (Nguồn: Bloomberg)

Công ty sở hữu thương hiệu thời trang Zara, Inditex, cũng tuyên bố từ nay đến năm 2022 sẽ đóng cửa tới gần một nửa số cửa hàng của hãng này trên toàn thế giới, tương đương với khoảng 1.200 cửa hàng. Kering, tập đoàn hàng xa xỉ quốc tế có trụ sở tại Paris, với công ty con Gucci - một biểu tượng thời trang được sở hữu bởi Italy và Pháp, cũng phải ngậm ngùi đóng cửa các cửa hiệu ở Bắc Mỹ.

Đại dịch đã ảnh hưởng đến hoạt động của các nhà bán lẻ, thúc đẩy doanh thu của các nhà khai thác thực phẩm và gây ra sự sụt giảm mạnh doanh thu của những mặt hàng không thiết yếu.

Bên cạnh đó, một số lượng lớn người tiêu dùng đã thử mua sắm trực tuyến lần đầu tiên trong thời kỳ đại dịch, thúc đẩy sự thâm nhập bán hàng thương mại điện tử. Xu hướng này có thể đồng nghĩa với sự thay đổi đáng kể trong mô hình kinh doanh của các nhà bán lẻ lớn ở châu Âu.

Chi phí và sự phức tạp của hệ thống thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ tạo lợi thế cho các công ty đã đầu tư mạnh như Tesco, Ahold Delhaize và Carrefour. Tuy nhiên, ngay cả các nhà bán lẻ đã đầu tư vào khả năng trực tuyến cũng đang phải vật lộn để tăng công suất trong thời kỳ khủng hoảng, với các vị trí giao hàng thường được đặt trước vài ngày hoặc vài tuần.

Do đó, sự thành công bền vững của các nền tảng của các nhà bán lẻ sẽ phụ thuộc vào khả năng thích ứng của họ khi doanh số bán hàng kỷ lục thông qua kênh trực tuyến. Sự gia tăng doanh số bán hàng trực tuyến, nếu được duy trì, cuối cùng có thể biến các hoạt động vốn đã hao mòn trước đây trở nên có lãi.

Bán hàng trực tuyến có tỷ trọng chi phí biến đổi lớn nếu chúng không được tự động hóa. Đầu tư vào nhà kho tự động, trung tâm xử lý hàng hóa nhỏ, tăng lượng hàng bán cùng các giải pháp khác là cần thiết để thúc đẩy lợi nhuận của kênh này.

Về dài hạn, các chuỗi siêu thị có nền tảng trực tuyến lâu đời, chẳng hạn như Tesco, được kỳ vọng sẽ giành lại một số thị phần từ các công ty chỉ chú trọng vào việc giảm giá mà thiếu sự hiện diện trực tuyến như Lidl và Aldi. Mặc dù vậy, việc tiếp tục tập trung vào giá thấp và quản lý chi phí vẫn sẽ là một lợi thế cạnh tranh. Các siêu thị và cửa hàng tiện lợi sẽ hoạt động tốt hơn các đại siêu thị, mặc dù sự phân hóa trong hoạt động có thể ít rõ rệt hơn.

Việc thâm nhập thương mại điện tử gia tăng cũng sẽ ảnh hưởng đến triển vọng của các nhà bán lẻ phi thực phẩm. Các cửa hàng bách hóa ở các quốc gia có sự cạnh tranh trực tuyến lớn nhất, chẳng hạn như Vương quốc Anh, sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn từ các lựa chọn thay thế trực tuyến, sự miễn cưỡng của mọi người khi quay lại cửa hàng và sở thích tiêu tiền khôn ngoan hơn của người mua sắm, thông qua kênh giảm giá hoặc cửa hàng trực tuyến nền tảng tiêu dùng, chẳng hạn như eBay.

Các nhà bán lẻ trực tuyến thuần túy có thể có được khách hàng mới với chi phí thấp hơn. Nhưng dẫu sao, việc cắt giảm chi tiêu của người tiêu dùng do thu nhập thấp hơn và mất việc làm trong nhiều lĩnh vực vẫn sẽ là yếu tố chính trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa biết đến điểm dừng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục