Lô hàng dầu diesel của Nga tới Colombia chuyển hướng sang Cuba

Tàu Transsib Bridge rời cảng Nakhodka ở vùng Viễn Đông của Nga, đi vào khu vực neo đậu thuộc cảng Cartagena, nằm bên bờ biển phía Bắc Colombia, chuyển hướng lên phía Bắc để tới cảng Matanzas của Cuba.
Lô hàng dầu diesel của Nga tới Colombia chuyển hướng sang Cuba ảnh 1(Nguồn: fleetmon.com)

Một con tàu chở 300.000 thùng dầu diesel từ một cảng của Nga tới Colombia đã chuyển hướng đến Cuba trong ngày 2/9.

Phóng viên TTXVN tại La Habana dẫn dữ liệu theo dõi hải trình của Refinitiv Eikon cho thấy tàu Transsib Bridge, mang cờ Liberia, đã rời cảng Nakhodka ở vùng Viễn Đông của Nga và đi vào khu vực neo đậu thuộc cảng Cartagena, nằm bên bờ biển phía Bắc Colombia, lúc sáng sớm 2/9 (theo giờ địa phương), song không dỡ hàng ở đó mà chuyển hướng lên phía Bắc để tới cảng Matanzas của Cuba.

Doanh nghiệp quốc doanh Ecopetrol, nhà nhập khẩu nhiên liệu lớn nhất Colombia, khẳng định công ty này không phải là đơn vị mua dầu lô dầu diesel nói trên do đang áp dụng chính sách hạn chế các lô hàng dầu mỏ có xuất xứ từ Nga. Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Colombia tuyên bố Bogota đang làm rõ thông tin liên quan.

Trước đó, một quan chức giấu tên của Bộ Năng lượng và Khai thác Mỏ Colombia cho biết không có hạn chế nào về xuất xứ của các chuyến hàng (dầu mỏ) tới quốc gia Nam Mỹ này.

[Giá nhiên liệu tiếp tục tăng cao sau biện pháp trừng phạt dầu thô Nga]

Cuba đã tăng cường nhập khẩu dầu mỏ từ Venezuela, Nga và các nước khác trong năm nay để bù đắp tình trạng thiếu hụt nhiên liệu, đặc biệt là sau đám cháy kinh hoàng tại kho dầu chiến lược ở Vịnh Matanzas.

Bên cạnh đó, xu hướng tăng mức tiêu thụ dầu diesel tại Mỹ Latinh do hoạt động vận tải hàng hóa và hành khách phục hồi sau đại dịch COVID-19 cũng khiến nhu cầu nhập khẩu loại nhiên liệu này tăng cao.

Cùng với Cuba, Brazil vẫn tiếp tục mua dầu mỏ của Nga bất chấp các biện pháp trừng phạt do Mỹ và phương Tây áp đặt.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố rằng nước này sẽ không áp đặt lệnh cấm đối với các lô hàng có xuất xứ từ Nga, thay vào đó sẽ cố gắng đẩy mạnh nhập khẩu nếu giá cả thuận lợi./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục