Loạn thị trường ngà trắng ở 'thủ phủ voi' nổi tiếng nhất Việt Nam

Với những lời có cánh như ngà voi là linh vật mang lại sự bình an, xua đuổi tà khí, thế lực tội phạm đã “đánh” thẳng vào tâm lý người mua, từ đó khiến thị trường ngà voi ở nước ta ngày càng sôi động.
Loạn thị trường ngà trắng ở 'thủ phủ voi' nổi tiếng nhất Việt Nam ảnh 1Tình trạng bán ngà voi và các sản phẩm chế tác từ ngà voi xuất hiện phổ biến tại nhiều thành phố lớn. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Lời tòa soạn

Mặc dù Chính phủ đã cam kết “rà soát, kiểm tra, xử lý nghiêm các hoạt động buôn bán ngà voi, sừng tê giác trái pháp luật; tập trung kiểm tra các làng nghề, cơ sở chế biến, cửa hàng bán đồ lưu niệm tại các địa điểm du lịch, sân bay, bến tàu, cơ sở buôn bán, bào chế thuốc y học cổ truyền...” nhưng trên thực tế, hoạt động buôn bán ngà voi ở Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp.

Theo nhận định của các chuyên gia, giới bảo tồn, nhiều năm nay Việt Nam vẫn là một trong những thị trường buôn bán ngà voi sôi động nhất thế giới. Chỉ tính từ đầu năm 2010 đến cuối năm 2018, ENV đã ghi nhận khoảng 150 vụ việc vi phạm về ngà voi với tổng khối lượng ngà voi bị thu giữ lên đến hơn 53 tấn. Đặc biệt, có đến hơn 30 vụ việc vận chuyển ngà voi bị bắt giữ, khối lượng ngà voi thu giữ lên tới hơn 500kg/vụ, chủ yếu phát hiện tại khu vực cửa khẩu, cảng biển.

Điều đáng nói là, hầu hết các vụ án đều không bắt được đối tượng nhận hàng, dù các đơn hàng gửi từ nước ngoài về qua đường hàng không hoặc đường biển đều có địa chỉ người nhận.

Trước thực trạng nêu trên, những ngày đầu tháng 3/2019, nhóm phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có mặt tại nơi được biết đến là “thủ phủ voi” nổi tiếng nhất Việt Nam là bản Đôn, Khu du lịch sinh thái Buôn Đôn thuộc huyện Buôn Đôn, thành phố Buôn Mê Thuột (Đắk Lắk), Đà Lạt (Lâm Đồng) và chợ Bến Thành (Thành phố Hồ Chí Minh), qua đó phát hiện ra nhiều chiêu thức hoạt động, mua bán trái phép ngà voi đang được mời chào sôi động trên các trang mạng xã hội như zalo, facebook, youtube...

Loạn thị trường ngà trắng ở 'thủ phủ voi' nổi tiếng nhất Việt Nam ảnh 2Bút được chế tác từ ngà voi. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bài 1: ‘Loạn’ thị trường ngà trắng ở thủ phủ voi nổi tiếng nhất Việt Nam

Những ngày đầu tháng Ba, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, nhộn nhịp hơn ngày thường, bởi nơi đây đang tất bật cho tuần lễ hội càphê Tây Nguyên. Trong lễ hội có sự hiện diện của quan chức chính phủ, lãnh đạo các tỉnh, nhiều văn nghệ sỹ nổi tiếng, cùng hàng loạt tiết mục biểu diễn đặc sắc văn hóa Tây Nguyên. Một điều không thể thiếu nữa là sự góp vui của những chú voi.

Với sự hiền lành và thông minh của giống loài, voi ở Đắk Lắk đã thật sự là những “người bạn lớn.” Với đồng bào Tây Nguyên, voi còn như thành viên thân thiết trong gia đình, buôn làng; voi được đặt tên, cung rước và thờ phụng. Tuy nhiên, không ít người vì nguồn lợi trước mắt đã ra tay sát hại để lấy ngà, lông, da, xương bán ra thị trường kiếm lời...

Hành trình ‘săn’ ngà trắng

Chỉ trong ít ngày có mặt tại trung tâm thành phố Buôn Ma Thuột, trong vai khách du lịch, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã dễ dàng hỏi mua được nhiều món đồ trang sức làm từ ngà voi như vòng tay, nhẫn, vòng đeo cổ, các hình tượng phật, 12 con giáp, lược ngà, bút viết… Thậm chí, có chủ cửa hàng còn đưa cả khúc ngà voi nặng hơn 2,2kg ra chào mời khách với giá bán lên tới cả trăm triệu đồng.

Lần theo thông tin từ một số du khách từng mua nhẫn chế tác từ ngà voi, chúng tôi được giới thiệu đến một quán càphê có tên Ve Chai, trên đường Y Ngông, nhưng không thấy quán càphê nào theo địa chỉ đó. Tuy nhiên, khi dò hỏi tìm nơi bán đồ chế tác từ ngà voi, người viết mới được người dân chỉ vào cửa hàng bán đồ sỉ mỹ nghệ làm từ ngà voi, ở địa chỉ 130A Y Ngông.

Ngay sau đó, chúng tôi nhanh chóng “nhập vai” khách đi mua đồ quý, tiếp cận điểm bán. Bên trong cửa hàng với tứ bề camera giám sát có nhiều người đang hồ hởi hỏi mua những món đồ làm từ voi và nhiều loại động vật khác.

Giữa phòng khách, một thanh niên trẻ cặm cụi lấy thước ngoàm đo bán kính của từng chiếc vòng ngà voi trong chiếc túi nilon cỡ lớn. Cuộc trao đổi giữa thanh niên này và người bán hàng tên V. cho thấy anh ta là khách quen đến cửa hàng mua sỉ.

Bên phải của cửa hàng có một kệ kính bán đồ trang sức, vàng bạc, nhưng quầy hàng không mở thẳng theo hướng khách đứng mà lại hướng về phía phòng khác, nửa kín, nửa hở. Trên quầy trang sức rổ lớn rổ nhỏ đầy ắp vòng tay, nhẫn được chủ cửa hàng giới thiệu là sản phẩm được chế tác từ ngà voi.

Khi chúng tôi ngỏ ý muốn xem thứ này, thứ kia để mua làm quà tặng. V. trưng hết “hàng” ra giới thiệu và cam kết như đinh đóng cột là sản phẩm được chế tác từ ngà voi. Như để tạo thêm niềm tin cho khác hàng, V. quả quyết: “Các anh mua nhẫn, vòng ngà voi ở đây, kể cả sau khi đã dùng 3-4 năm mà ai phát hiện ra nó là hàng rởm thì quay lại đây, mỗi vòng em đền 100 triệu đồng, đền thêm cả ôtô, cả quán.”

Như lời V. cam kết, các miếng ngà đeo ở cổ, vòng nhẫn đeo ở tay, các khúc ngà to để khắc con dấu, triện, các mặt ngà lớn trưng bày lưu niệm đều được V. bê ra cho chúng tôi ngắm nghía, lựa chọn.

Thấy chúng tôi vẫn còn lăn tăn chất lượng, V. kết thúc cuộc điện thoại với khách rồi nói: “Mình chuyên bán buôn, bán lẻ, chủ yếu qua mạng. Một ngày, riêng bán qua mạng đã hơn 40 đơn rồi. Chứ khách lẻ đến mua hàng như các anh thì rất ít.” V. cũng tiết lộ, anh ta vừa nói chuyện với một hướng dẫn viên du lịch, “họ hẹn trong ngày hôm nay dẫn một đoàn khách du lịch đến mua hàng.”

Nói xong, V. quát nhân viên dọn dẹp, sắp xếp hàng gọn gàng chờ khách đến…

Loạn thị trường ngà trắng ở 'thủ phủ voi' nổi tiếng nhất Việt Nam ảnh 3Những cá thể voi ở thủ phủ voi Đắk Lắk. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Ngà voi bày bán tràn lan ở Bản Đôn

Cũng ở Đắk Lắk, nơi mà cứ nhắc đến tên bản, với những chú voi huyền thoại, ẩn chứa nhiều câu chuyện về truyền thống săn bắt và thuần dưỡng voi rừng, người dân Việt Nam sẽ nhớ ra ngay là Bản Đôn (xã Krông Ana, huyện Buôn Đôn). Tuy nhiên, Bản Đôn bây giờ đang xấu đi bởi vấn nạn buôn bán ngà voi trái phép. Chưa nói đến chuyện các sản phẩm được làm từ ngà voi thật hay giả (từ xương, nhựa), nhưng rõ ràng việc bán ngà voi ở vùng "bảo tồn voi" là điều thật khó chấp nhận.

Từ thông tin bạn đọc cung cấp, những ngày đầu tháng Ba, chúng tôi có mặt tại Bản Đôn và ghi nhận tình trạng buôn bán ngà voi công khai khi có khách hỏi mua.

Theo đó, khi vào hỏi mua vé để vào Khu du lịch sinh thái Bản Đôn, tại khu Cầu Treo, bà H., một người mặc đồng phục, đeo thẻ, bán vé tham quan cho chúng tôi giới thiệu là nhân viên của khu du lịch, niềm nở khoe rất nhiều sản phẩm như vòng, nhẫn được làm bằng ngà voi. Thậm chí, bà H. còn bật đèn pin của điện thoại ra hướng dẫn khách cách phân biệt ngà voi thật và ngà voi giả.

Bà H. cho biết, hàng giả làm từ xương hoặc nhựa, giá rẻ, chỉ vài chục nghìn một cái nhẫn hay vòng đeo tay, chiếc lớn nhất, giá cũng không quá 100-200 nghìn đồng. Đồ giả đó, không sợ ai kiểm tra, bắt bớ, tịch thu hay xử lý, nên gian hàng của bà H. cũng như các gian hàng khác trong bản đều bày thành từng đống trắng trong tủ kính, có khi để cả rổ trên mặt quầy, mặt bàn cho khách dễ lựa chọn.

“Nhưng hàng thật thì phải giấu rất kín, rất kỹ. Giấu để tránh bị công an, cảnh sát môi trường bắt, tránh bị ăn trộm, vì ‘chợ đen’ họ bán một chiếc vòng tay bằng ngà voi thật có giá vài triệu đến cả chục triệu đồng,” bà H. chia sẻ thêm.

Khi chúng tôi sắm vai khách hàng háo hức muốn mua và đề nghị xem hàng thật, bà H. bảo chồng xách ra túi thổ cẩm, bên trong có những túi nilon chứa đầy vòng và nhẫn. Từng túi được đổ lên bàn cho khách xem, trên bàn làm việc là gói bưu kiện chuẩn bị chuyển qua đường bưu điện cho một khách hàng ở một huyện thuộc tỉnh Đồng Tháp, đủ địa chỉ, số điện thoại của cả người gửi và người nhận.

Như để tạo thêm niềm tin cho khách, vợ chồng bà H. còn cam kết, nếu khách mua mà không đem được hàng lên máy bay, họ sẵn sàng đền bù sản phẩm khác, dù đó là một cài vòng tay ngà voi thật, được bán với giá hơn 5 triệu đồng.

Sở dĩ vợ chồng bà H. cam kết như vậy là bởi họ bán trang sức chế tác từ ngà voi đã nhiều năm và đã chuyển cho khách nhiều lần. Chồng bà H. còn “khoe” từng về quê và mang theo cả nắm vòng ngà voi lên máy bay về bán mà chẳng gặp sự cố gì.

Ngay cả khi đã rời khỏi Bản Đôn, vợ chồng bà H. còn gửi qua zalo cho chúng tôi hình ảnh cả những khúc ngà voi lớn với giá rao bán lên đến vài trăm triệu đồng. “Hàng nào cũng có, to, bé có cả. Đặt hàng là có. Vấn đề là các anh có nhu cầu không và có đồng ý với hàng chúng tôi gửi qua zalo hay không thôi,” bà H. nói.

Không chỉ rao bán sản phẩm chế tác từ ngà voi, bà H. còn khoe với chúng tôi là vừa nhận bán một chiếc ngà dài gần 1,6m, với giá tiền tỷ, khách đã đặt cọc nhưng chưa dám chuyển vì thời điểm này đang là dịp tỉnh Đắk Lắk tổ chức lễ hội càphê, nên việc kiểm tra chặt chẽ hơn.

Đúng như lời bà H. chia sẻ, khi chúng tôi ngỏ ý mua hẳn cả chiếc ngà voi để vận chuyển ra Bắc, các chủ cửa hàng đều thì thầm cùng một nội dung: “Mua nhẫn, vòng, các đồ chế tác rồi thì được. Còn mua miếng ngà, khúc ngà hay cả cái ngà voi thì đều phải chờ ít ngày nữa. Vì đợt này các cơ quan chức năng đang ra quân.”./.

Ngoài 'thủ phủ voi' lớn nhất Việt Nam tại tỉnh Đắk Lắk, trong quá trình nhập vai điều tra về hoạt động buôn bán động vật hoang dã quý hiếm, nhóm phóng viên còn ghi nhận ngà voi và các sản phẩm được chế tác từ ngà voi được bày bán ở một số khu chợ nổi tiếng như Bến Thành, phố An Bình, Trung tâm thương mại An Đông (Thành phố Hồ Chí Minh), hay Thương xá Latulipe, Biệt điện Bảo Đại (thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng).

Tuy nhiên, những điểm bán trên mới chỉ là một phần của “thị trường đen” về buôn bán ngà voi và các sản phẩm đi kèm. Sôi động nhất vẫn là trong các gian hàng ảo trên mạng internet.

Rao bán cả khúc, cả rổ ngà voi trên mạng xã hội

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục