Lý do sâu xa của việc Israel và UAE bình thường hóa quan hệ

UAE và Israel có lịch sử hợp tác lâu dài trong việc chống lại ảnh hưởng của Iran, nhưng động thái mới nhất cho thấy sự hợp tác được tăng cường trong các vấn đề gồm cả liên minh Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar.
Lý do sâu xa của việc Israel và UAE bình thường hóa quan hệ ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: videohive.net)

Theo trang nationalinterest.org, đời sống chính trị trong nước của Thổ Nhĩ Kỳ, Qatar và Mỹ cũng quan trọng như nước Cộng hòa Hồi giáo trong quyết định bình thường hóa quan hệ của các cường quốc Trung Đông.

Ngày 13/8, cả 3 nước đều thông báo Israel sẽ thiết lập quan hệ ngoại giao với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và đình chỉ kế hoạch do Mỹ hậu thuẫn nhằm sáp nhập một phần lãnh thổ của Palestine.

UAE và Israel có lịch sử hợp tác lâu dài trong việc chống lại ảnh hưởng của Iran, nhưng động thái mới nhất cho thấy sự hợp tác được tăng cường trong các vấn đề khác, bao gồm cả liên minh đang phát triển giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar.

Và điều này diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump đang tìm kiếm một bước đột phá ngoại giao trước cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.

Tuyên bố chung giữa Mỹ, Israel và UAE nêu rõ: “Bước đột phá ngoại giao lịch sử này sẽ thúc đẩy hòa bình ở khu vực Trung Đông và là minh chứng cho tầm nhìn và ngoại giao táo bạo của 3 nhà lãnh đạo cũng như sự can đảm của UAE và Israel để vạch ra một lộ trình mới, qua đó sẽ mở ra tiềm năng to lớn trong khu vực.”

Theo tuyên bố chung này, hai bên sẽ thiết lập “Chương trình nghị sự chiến lược cho Trung Đông” cùng với Mỹ.

Cho đến nay chỉ có 2 quốc gia Arab khác có quan hệ chính thức với Israel là Ai Cập và Jordan. UAE là quốc gia Vùng Vịnh đầu tiên bình thường hóa quan hệ với Israel. Mark Fitzpatrick, chuyên gia nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) đồng thời là cựu quan chức ngoại giao Mỹ, bình luận: “Việc chính thức hóa mối quan hệ không chính thức là một bước đi khôn ngoan của cả hai bên. Điều đó nhận được sự hoan nghênh trên khắp chính trường Mỹ và giúp củng cố quan hệ đối tác trên thực tế của họ trước Iran.”

[Israel mời Thái tử UAE tới thăm Jerusalem sau thỏa thuận thế kỷ]

Mối đe dọa từ Iran từ lâu đã trở nên nổi bật trong quan hệ UAE-Israel. Cả hai đều phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015 và đang thúc đẩy Liên hợp quốc áp đặt lệnh cấm vận vũ khí đối với nước Cộng hòa Hồi giáo này.

Tuy nhiên, động thái này cũng diễn ra chỉ một tuần sau khi các ngoại trưởng Iran và UAE tổ chức một cuộc họp công khai hiếm hoi, báo hiệu rằng quan hệ UAE-Iran đang bắt đầu ấm lên.

Hussein Ibish, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện các quốc gia Arab vùng Vịnh, băn khoăn: “Tại sao chuyện này lại xảy ra vào lúc này? Nó không liên quan gì đến Iran." "Từ có thể tóm tắt tốt nhất cho việc này là Thổ Nhĩ Kỳ."

Thổ Nhĩ Kỳ, Israel, Qatar và UAE đều từng là nằm trong cùng một khối thân Mỹ ở Trung Đông. Mối quan hệ của họ trở nên xấu đi khi nổ ra sự kiện “Mùa xuân Arab,” khi đó Thổ Nhĩ Kỳ và Qatar ủng hộ các cuộc nổi dậy của các phong trào dân túy như Tổ chức Anh em Hồi giáo, trong khi UAE ủng hộ các chế độ đã được thành lập.

Ibish đặt câu hỏi: “Tại sao lại là UAE mà không phải bất kỳ quốc gia Vùng Vịnh nào khác? Israel và UAE có chung nhận thức về mối đe dọa theo cách riêng. Họ nhất trí trong vấn đề Iran, nhưng sau đó họ cũng nhất trí về Thổ Nhĩ Kỳ, Tổ chức Anh em Hồi giáo và Qatar.”

Thỏa thuận giữa UAE và Israel được đưa ra khi Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường các nỗ lực trong khu vực trên một số mặt trận khác nhau. Những tháng gần đây, các lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành các cuộc tấn công ồ ạt nhằm vào các tay súng người Kurd ở Syria và Iraq, can thiệp chống lại Tướng Khalifa Haftar, Tổng tư lệnh quân đội Libya (vốn được UAE hậu thuẫn), ủng hộ Azerbaijan trong tranh chấp lãnh thổ với Armenia và đối đầu với Hải quân Hy Lạp ở vùng biển tranh chấp.

Chỉ trong tuần này, các quan chức Israel đã chính thức tuyên bố ủng hộ Hy Lạp trong cuộc tranh chấp ở Đông Địa Trung Hải. Tuy nhiên, Israel không hoàn toàn tham gia chống các hoạt động của Qatar ở khu vực bởi Qatar đang trợ giúp tài chính cho khu định cư của người Palestine không được công nhận ở Gaza để đổi lấy việc duy trì hòa bình ở biên giới Israel-Gaza. Đài truyền hình nhà nước Israel hôm 12/8 đưa tin các quan chức Israel đang yêu cầu Qatar gia hạn các khoản thanh toán cho đảng cầm quyền Hamas ở Gaza, khi các tay súng này bắt đầu thả các quả bóng bay có gắn thiết bị nổ qua biên giới.

Chuyên gia Ibish nói: “Cần ai đó làm việc này. Nếu chế độ Hamas ở Gaza sụp đổ mà không có sự thay thế được, điều đó còn tồi tệ hơn.” Theo ông, ngay cả các đồng minh thân cận của UAE như Ai Cập cũng lo ngại rằng các nhóm khủng bố như tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) và Al-Qaeda có thể lấp đầy khoảng trống quyền lực.

Thỏa thuận giữa Israel và UAE hiện nay cho phép UAE nổi lên như một nhà đấu tranh cho các quyền của người Palestine, vì rõ ràng họ đã làm trì hoãn kế hoạch của Israel nhằm sáp nhập các phần của Bờ Tây đang tranh chấp. Ông Fitzpatrick nói: “UAE có thể tự hào là quốc gia Arab duy nhất đã thành công trong việc hạn chế sự bành trướng của Israel, ngay cả khi Israel không muốn thôn tính Bờ Tây.”

Kế hoạch hòa bình giữa Israel và Palestine của Trump đáng lẽ sẽ cho phép Israel sáp nhập các khu định cư Do Thái trên lãnh thổ Palestine. Nhưng giới lãnh đạo Palestine đã lên án kế hoạch này là một trò giả tạo và quốc gia láng giềng Jordan cảnh báo rằng việc sáp nhập sẽ phá hoại hiệp ước hòa bình giữa Israel và Jordan.

Dù vậy, Israel vẫn tuyên bố xúc tiến kế hoạch, tuyên bố họ sẽ bắt đầu sáp nhập lãnh thổ vào ngày 1/7. Tuy nhiên, hiện Chính phủ Israel đang bị sa lầy bởi đại dịch COVID-19 và khả năng tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn, và ngày 1/7 đã trôi qua mà không có thông báo nào.

Tuyên bố chung Mỹ-Israel-UAE ghi nhận chính sách ngoại giao của UAE vì đã ngừng kế hoạch sáp nhập này. Tuyên bố nêu rõ: “Sau bước đột phá ngoại giao này và theo yêu cầu của Tổng thống Donald Trump với sự ủng hộ của UAE, Israel sẽ hoãn tuyên bố chủ quyền đối với ‘các vùng lãnh thổ của người Palestine đang tranh chấp’ và ‘tập trung nỗ lực vào việc mở rộng quan hệ với các quốc gia khác trong thế giới Arab và Hồi giáo.’”

Tuyên bố nói thêm rằng “các bên sẽ tiếp tục nỗ lực... để đạt được một giải pháp công bằng, toàn diện và lâu dài cho cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.”

Tuy nhiên, tuyên bố trên vẫn để ngỏ cánh cửa cho việc thôn tính sau này. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho biết ông “vẫn quyết tâm” sáp nhập các vùng lãnh thổ tranh chấp.

Trong khi đó, các nhà lãnh đạo Palestine không hào hứng với thỏa thuận giữa Israel và UAE, và Chính quyền Palestine bán tự trị gọi đó là “sự phản bội đối với Jerusalem.”

Cố vấn chính sách của Diễn đàn Chính sách Israel, Shira Efron nói: “Chính quyền Palestine rất, rất yếu. Thỏa thuận này có thể sẽ làm suy yếu chính quyền này hơn nữa, bởi vì đó là một thất bại trong chiến lược của họ (chính quyền Palestine).”

Tại một cuộc họp trực tuyến hôm 12/8 do Diễn đàn Chính sách Israel tổ chức, cố vấn Shira Efron giải thích rằng việc bình thường hóa quan hệ với các quốc gia Arab đã là một “động lực” rất mạnh mẽ để Israel “tiến tới hòa bình với người Palestine,” và đòn bẩy này hiện đã bị người Palestine “tước bỏ.”

Diễn đàn Chính sách Israel đã lưu ý trong một tuyên bố kèm theo sự kiện rằng “việc bắt đầu quá trình bình thường hóa với UAE không giống như đạt được hòa bình khu vực hoặc một thỏa thuận về quy chế vĩnh viễn để giải quyết cuộc xung đột Israel-Palestine.”

Nhưng bước tiến trên đã giúp Israel và UAE lấy lòng cả hai đảng ở Washington - đảng Cộng hòa đang tìm cách cứu vãn kế hoạch hòa bình của Trump, và đảng Dân chủ không hài lòng với các kế hoạch sáp nhập lãnh thổ Palestine trước đó của Israel.

Ngoại trưởng Mike Pompeo nói với báo giới: “Chúng tôi hy vọng điều này tạo ra một nền tảng tốt để xây dựng nền hòa bình theo kế hoạch hòa bình mà Tổng thống đã đề xuất, và tôi muốn cảm ơn tất cả các bên tham gia - UAE, Israel và tất cả đội ngũ của phía Mỹ - đã biến điều này thành hiện thực.”

Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Jim Risch (đảng Cộng hòa, bang Idaho) gọi thông báo giữa Israel và UAE là một “thỏa thuận lịch sử” với “tiềm năng cải thiện đáng kể các mối quan hệ trên khắp Trung Đông.”

Ông tuyên bố: “Tôi mong đợi sự hợp tác nhiều hơn nữa giữa 2 đối tác quan trọng của Mỹ khi chúng ta giải quyết những thách thức chung và những mối đe dọa chung trong khu vực.”

Còn Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Eliot Engel (đảng Dân chủ, bang New York) cũng có lời khen ngợi tương tự. Ông nói: “Đây là một bước đi đôi bên cùng có lợi, sẽ góp phần tăng cường sức mạnh cho cả hai quốc gia. Tôi hy vọng bước đột phá mới này sẽ mang lại dũng khí cho các quốc gia khác tiến tới bình thường hóa và mang cơ hội hòa bình đến cho người Palestine”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục