Lý giải về 'cơn sốt sneaker' đang càn quét Trung Quốc

Lý giải về 'cơn sốt sneaker' đang càn quét thị trường Trung Quốc

Với kênh đầu tư này, món hàng được trao đổi sẽ là những đôi giày bóng rổ mang thương hiệu Nike, Adidas hay Puma mà những "sneakerhead" hàng đầu luôn sẵn sàng “chiến đấu” để có được.
Lý giải về 'cơn sốt sneaker' đang càn quét thị trường Trung Quốc ảnh 1Món hàng được trao đổi sẽ là những đôi giày bóng rổ mang thương hiệu Nike, Adidas hay Puma.

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu phải đối mặt với nhiều yếu tố bất định, tại Trung Quốc đang xuất hiện một kênh đầu tư mới vô cùng thú vị.

Với kênh đầu tư này, món hàng được trao đổi sẽ là những đôi giày bóng rổ mang thương hiệu Nike, Adidas hay Puma mà những "sneakerhead" hàng đầu luôn sẵn sàng “chiến đấu” để có được, thay vì các lựa chọn truyền thống như cổ phiếu, bất động sản hay các loại tiền điện tử.

Hiện tượng “bong bóng sneaker”

Sneakerhead là những người có kiến thức về giày thể thao (sneaker), chuyên sưu tầm, trao đổi hoặc bày tỏ sự ngưỡng mộ dành cho chúng như là một sở thích. Đây không còn là một xu hướng mới mẻ.

Thậm chí trong một vài năm trở lại đây, trên thế giới đã xuất hiện hiện tượng “bong bóng sneaker” do các sneakerhead tạo ra đối với những đôi giày thể thao cao cấp, thường là sản phẩm của những phiên bản giới hạn có sự kết hợp của các tên tuổi lớn trong ngành trang phục thể thao và thời trang, rapper hoặc các vận động viên.

Hu Huaiyuan, người đã di chuyển quãng đường dài 300 km đến Thượng Hải chỉ để có cơ hội mua đôi giày Nike Air Jordans mới nhất, cho biết: "Thị trường sneaker giờ đây không còn chỉ là một trò chơi dành cho những người đam mê nữa mà giới đầu cơ đã coi đây là một kênh kinh doanh chính thức.”

[Những đôi giày thể thao có giá bán lại cao nhất thế giới]

Hu Huaiyuan đã giành quyền mua đôi Nike Air Jordans chính hãng với giá 1.299 NDT (tương đương 186 USD) từ nhà sản xuất để rồi sau đó nhanh chóng bán lại nó với mức giá đắt gấp đôi trên thị trường trao đổi thứ cấp.

Lý giải về 'cơn sốt sneaker' đang càn quét thị trường Trung Quốc ảnh 2Giày thể thao được các nhà đầu tư trẻ tuổi tìm kiếm.

Lý giải về hiện tượng “sốt sneaker”, các chuyên gia cho rằng có hai yếu tố chính. Một là do từ lâu bóng rổ luôn là môn thể thao được theo dõi nhiều nhất tại Trung Quốc, nơi những ngôi sao bóng rổ chuyên nghiệp của Mỹ như Michael Jordan được tôn thờ trong nhiều năm.

Bên cạnh đó, sự xuất hiện của xu hướng văn hóa streetwear (thời trang đường phố) cũng mở ra một thị trường rộng lớn và đang phát triển tại đây.

Thứ hai, với việc Trung Quốc đưa ra hạn chế nhất định trên các thị trường chứng khoán, những món hàng thân thuộc như giày thể thao lại nổi lên là một kênh đầu tư được giới trẻ ưa chuộng để tìm kiếm lợi nhuận nhanh chóng.

Một kênh đầu tư kiếm lời mới

Tại Trung Quốc, nền tảng giao dịch sneaker hàng đầu hiện là Poizon. Mỗi năm, Poizon thực hiện giao dịch tổng giá trị khoảng 15 tỷ NDT, theo công ty tư vấn công nghệ Trung Quốc iiMedia Research. Con số này nhiều gấp ba lần khối lượng của StockX, một nền tảng tương tự của Mỹ.

Trong khi đó, việc các nền tảng như Poizon đang thu hút hàng trăm triệu USD đầu tư từ các quỹ đầu tư mạo hiểm trong và ngoài nước đang khiến các đối thủ trên toàn cầu chú ý.

Trong khi đối thủ của StockX là GOAT đã cho ra mắt một chương trình giống với ứng dụng trên nền tảng nhắn tin hàng đầu Trung Quốc là WeChat vào tháng 7/2019, Giám đốc điều hành StockX cho biết họ cũng đang xây dựng các kế hoạch để thâm nhập vào thị trường của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã đưa ra một cảnh báo vào tháng trước về những rủi ro tài chính của việc đầu cơ sneaker quá mức.

Tuy nhiên, dường như những cảnh báo này chưa thể làm nản chí những người như Liu Xingfeng, một sinh viên 23 tuổi người Trung Quốc, có thói quen thu thập giày thể thao như một sở thích trong nhiều năm trước khi quyết định mở một kênh buôn bán sneaker riêng trong năm nay.

Lý giải về 'cơn sốt sneaker' đang càn quét thị trường Trung Quốc ảnh 3Theo iiMedia, thị trường giày thể thao thứ cấp của Trung Quốc đã vượt 1 tỷ USD trong năm nay.

Tính đến nay, mạng lưới kinh doanh của Liu Xingfeng đã mở rộng sang Mỹ và Nhật Bản. Các mặt hàng của Liu thường chỉ tập trung vào những mẫu được săn lùng nhiều nhất như Air Jordans hay Adidas Yeezy - sản phẩm giày thể thao có sự hợp tác thiết kế của rapper người Mỹ Kanye West. Liu ước tính lợi nhuận ròng hàng tháng của anh có thể lên tới 50.000 NDT mỗi tháng.

Theo nghiên cứu của công ty khai thác dữ liệu iiMedia, thị trường giày thể thao thứ cấp của Trung Quốc đã vượt 1 tỷ USD trong năm nay và là một trong những thành phần tăng trưởng nhanh nhất trên toàn cầu.

Zhang Yi, nhà phân tích trưởng của iiMedia Research, cho biết: “Thị trường chứng khoán đầy rủi ro và thị trường bất động sản "bong bóng", vì vậy các nhà đầu tư đang chuyển sang đầu cơ trong lĩnh vực tiêu dùng"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục