Malaysia đảm bảo việc tìm kiếm máy bay MH370 vẫn là ưu tiên

Malaysia cam kết sẽ tiếp tục mọi nỗ lực hợp lý để mang lại kết luận về thảm kịch không may này, với sự hợp tác và hỗ trợ tiếp tục của Chính phủ Trung Quốc và Australia.
Malaysia đảm bảo việc tìm kiếm máy bay MH370 vẫn là ưu tiên ảnh 1Tổng Giám đốc Cục hàng không dân dụng Malaysia Azharuddin Abdul Rahman tuyên bố vụ máy bay MH370 là một vụ tai nạn. (Nguồn: THX/TTXVN)

Ngày 29/1, Tổng Giám đốc Cục hàng không dân dụng Malaysia (DCA) Azharuddin Abdul Rahman khẳng định với các gia đình hành khách và phi hành đoàn rằng việc tìm kiếm MH370 vẫn là ưu tiên.

Chính phủ cam kết sẽ tiếp tục mọi nỗ lực hợp lý để mang lại kết luận về thảm kịch không may này, với sự hợp tác và hỗ trợ tiếp tục của Chính phủ Trung Quốc và Australia.

Chính phủ Malaysia cũng đảm bảo rằng hãng hàng không Malaysia Airlines sẽ thực thi trách nhiệm của mình liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của các thân nhân hành khách theo quy định của các văn kiện quốc tế và pháp luật các nước có liên quan, trong đó có cả thông lệ quốc tế.

Để cung cấp thông tin cập nhật cho thân nhân hành khách, một trang web đặc biệt đã chính thức thành lập theo địa chỉ http://www.mh370.gov.my, nhằm cung cấp thông tin cho thân nhân hành khách về những nỗ lực tìm kiếm và điều tra, quá trình bồi thường, trả lời các thắc mắc của thân nhân cũng như các hình thức hỗ trợ khác.

Tuyên bố cũng xác định vụ máy bay mang số hiệu MH370 mất tích là một “tai nạn” và tất cả 239 hành khách và phi hành đoàn trên chuyến bay được coi như đã thiệt mạng.

Ông Azharuddin Abdul Rahman cho biết, dựa trên các phân tích tất cả các bằng chứng sẵn có và các thông tin thực tế hỗ trợ, dựa trên phân tích các dữ liệu, giới chức Malaysia đã kết luận rằng máy bay hết nhiên liệu tại một khu vực được xác định là Nam Ấn Độ Dương, và cho rằng chiếc máy bay này nằm ở dưới đáy biển gần khu vực được xác định. Đây là một vị trí xa xôi, rất xa các địa điểm có thể hạ cánh, là một khu vực biển có điều kiện bất lợi với độ sâu nổi tiếng lên tới hơn 6.000 mét.

Ông cũng cho biết, sau 327 ngày tìm kiếm (tính đến ngày 28/1/2015) và dựa trên tất cả các dữ liệu đã có cũng như bối cảnh đã đề cập trước đó, khả năng sống sót của hành khách và phi hành đoàn trong khu vực được xác định là rất khó. Vì thế, việc tuyên bố vụ MH370 là một tai nạn phù hợp với các tiêu chuẩn của các Phụ lục 12 và 13 của Công ước Chicago.

Theo tuyên bố ngày 29/1, ngay sau khi chiếc máy bay mất tích một Nhóm đặc trách kỹ thuật cấp cao đã được thành lập để phối hợp về các vấn đề kỹ thuật liên quan đến MH370.

Một chiến dịch tìm kiếm cứu nạn chiếc máy bay đã được tiến hành với việc triển khai 160 trang thiết bị và phương tiện, bao gồm 65 máy bay và 95 tàu cũng như các chuyên gia đến từ 25 quốc gia trên thế giới, trong đó có Australia (4 máy bay, 2 tàu), Campuchia (4 máy bay), Trung Quốc (13 máy bay, 19 tàu), Ấn Độ (4 tàu), Indonesia (11 tàu), Nhật Bản (4 tàu), New Zealand (1 máy bay), Singapore (3 máy bay, 2 tàu), Hàn Quốc (2 máy bay), Thái Lan (1 máy bay, 1 tàu), Các tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (2 máy bay), Mỹ (5 máy bay, 4 tàu) và Việt Nam (2 máy bay, 2 tàu). Các quốc gia khác không thể triển khai phương tiện tham gia tìm kiếm cũng đã hỗ trợ đắc lực trong các lĩnh vực khác.

Giai đoạn thứ nhất của cuộc tìm kiếm kéo dài từ 8/3/2014 đến 28/4/2014 tại khu vực Biển Đông, eo biển Malacca, biển Andaman và Nam Ấn Độ Dương. Giai đoạn chuyển tiếp bắt đầu từ ngày 28/4/2014 cho đến nay tại khu vực Nam Ấn Độ Dương. Tính đến ngày 28/1/2015, diện tích tìm kiếm là hơn 18.600km2.

Chính phủ Malaysia thừa nhận rằng tuyên bố về tai nạn MH370 sẽ là rất khó khăn đối với các gia đình và những người thân của 227 hành khách và 12 phi hành đoàn trên chuyến bay vì họ khó có thể chấp nhận, nhưng quan trọng là các gia đình phải cố gắng tiếp tục cuộc sống bình thường, hoặc như bình thường sau mất mát đột ngột này. Hy vọng rằng việc tuyên bố này sẽ cho phép các gia đình có được sự hỗ trợ cần thiết, đặc biệt thông qua quá trình bồi thường.

Về công tác điều tra an toàn và tội phạm, tuyên bố cho biết, tại thời điểm này thiếu các bằng chứng, đặc biệt là thiết bị ghi dữ liệu chuyến bay. Vì vậy, không có bằng chứng để chứng minh bất cứ suy đoán nào về nguyên nhân của vụ tai nạn. Một báo cáo sơ bộ về tiến độ điều tra an toàn dự kiến sẽ được công bố vào dịp kỷ niệm một năm vụ tai nạn.

Kết thúc thúc tuyên bố, thay mặt Chính phủ Malaysia, ông Azharuddin một lần nữa bày tỏ sự cảm thông sâu sắc đến tất cả những người đã bị ảnh hưởng bởi vụ tai nạn khủng khiếp và khẳng định cam kết không dao động trong việc tiếp tục nỗ lực để tìm kiếm MH370 và mang lại kết luận tới tất cả mọi người, trước hết cho các gia đình hành khách và phi hành đoàn của MH370.

Người đứng đầu cơ quan hàng không dân dụng Malaysia cũng khẳng định rằng tuyên bố này không có nghĩa là đã kết thúc vụ việc MH370. Malaysia sẽ tiến lên phía trước với sự hợp tác và hỗ trợ của Chính phủ Trung Quốc và Australia. Các hành khách và phi hành đoàn của MH370 sẽ luôn được ghi nhớ và vinh danh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục