Maroc "đuổi" 80 nhân viên LHQ ra khỏi vùng lãnh thổ Tây Sahara

Hơn 80 nhân viên dân sự cuối cùng thuộc phái bộ Liên hợp quốc tại Tây Sahara đã rời khỏi vùng lãnh thổ này theo yêu cầu của Maroc.
Maroc "đuổi" 80 nhân viên LHQ ra khỏi vùng lãnh thổ Tây Sahara ảnh 1Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo tin từ Rabat, hơn 80 nhân viên dân sự thuộc phái bộ Liên hợp quốc tại Tây Sahara đã rời vùng lãnh thổ này theo yêu cầu của Maroc.

Hãng tin Pháp AFP đưa tin những thành viên dân sự cuối cùng của phái bộ Liên hợp quốc tại Tây Sahara (MINURSO) đã đáp chuyến bay khởi hành lúc 18 giờ ngày 20/3 (giờ địa phương) từ sân bay Laayoune (thành phố chính của vùng lãnh thổ Tây Sahara) đến Casablanca.

Maroc yêu cầu Liên hợp quốc rút các thành viên dân sự của MINURSO sau khi Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon trong một phát biểu mới đây đã sử dụng thuật ngữ "chiếm đóng" khi đề cập vùng lãnh thổ Tây Sahara.

Rabat cho rằng Tổng thư ký không còn giữ thái độ trung lập về vấn đề này. Rabat cũng quyết định cắt khoản đóng góp 3 triệu USD của Maroc cho MINURSO.

Phát biểu trên được Tổng thư ký Ban Ki-moon đưa ra trong chuyến thăm Bắc Phi đầu tháng 3 này nhằm thúc đẩy giải quyết các xung đột trong khu vực, trong đó có xung đột giữa Maroc và Mặt trận Polisario tại vùng lãnh thổ Tây Sahara vốn là thuộc địa của Tây Ban Nha.

Liên hợp quốc đã thúc đẩy một cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho Tây Sahara kể từ năm 1991 sau khi đạt được một lệnh ngừng bắn, chấm dứt xung đột từ khi Maroc đưa quân tới vùng lãnh thổ này năm 1975.

Maroc khẳng định chủ quyền của nước này đối với Tây Sahara là không thể tranh cãi và Rabat chỉ cho phép quyền tự trị tại vùng lãnh thổ này. Trong khi đó, Mặt trận Polisario muốn một cuộc trưng cầu ý dân về độc lập cho Tây Sahara.

Tuần trước, quan chức phụ trách vấn đề chính trị của Liên hợp quốc Jeffrey Feltman cảnh báo lực lượng quân sự của MINURSO sẽ không thể hoạt động nếu không có thành phần dân sự trong phái bộ này.

Dự kiến Tổng thư ký Ban Ki-moon sẽ đưa vấn đề về MINURSO ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong ngày 21/3 sau khi cuộc họp tuần trước đã thất bại trong việc hối thúc Maroc hủy bỏ yêu cầu trên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục