Một thời “khoét núi, ngủ hầm" làm nên Chiến thắng Điện Biên

Hàng trăm chiến sỹ đêm đêm đào hầm tiến sát các cứ điểm của địch, chỉ một tiếng động nhỏ là hỏa lực Pháp bắn như mưa, có khi đến sáng chỉ còn vài chục người.
Một thời “khoét núi, ngủ hầm" làm nên Chiến thắng Điện Biên ảnh 1Các chiến sỹ xung kích tiến sát vào các vị trí của địch trên đồi Him Lam và tiêu diệt các vị trí này ngay trong ngày 13/03/1954, ngày mở đầu chiến dịch. (Ảnh Tư liệu TTXVN)

Ở tuổi 85, ông Vũ Thiện Bản, Phó Chủ tịch Hội truyền thống chiến sỹ Điện Biên Phủ thành phố Hải Phòng vẫn rất minh mẫn. Giờ đây mỗi khi nói về chiến thắng Điện Biên Phủ 60 năm trước, ông như sống lại với ký ức những ngày “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt.”

Trong 56 ngày đêm diễn ra chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Vũ Thiện Bản làm ở phòng Tham mưu thuộc Đại đoàn 304, đóng ở phân khu Hồng Cúm.

Ông cho biết, đối với quân đội Pháp, phân khu này có vai trò ngăn chặn mọi sự tấn công của đối phương từ phía Nam tại cứ điểm Điện Biên Phủ, bảo vệ sẵn sàng chi viện cho khu trung tâm khi cần thiết và là cánh cửa để thoát sang Thượng Lào nếu tập đoàn cứ điểm có nguy cơ bị tiêu diệt.

Với quân số lớn, trang bị vũ khí tối tân và cách bố trí binh lực theo hệ thống liên hoàn, phân khu Hồng Cúm là “lá chắn thép” ở phía Nam của tập đoàn cứ điểm.

Về phía quân đội nhân dân Việt Nam, phân khu Hồng Cúm có nhiệm vụ bao vây, kiềm chế pháo binh địch, khống chế sân bay, cắt đường tiếp viện của địch bằng hàng không ở Hồng Cúm, tiêu hao sinh lực địch, tiến tới tiêu diệt toàn bộ phân khu Nam của tập đoàn đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ và chặn đường thoát lui của chúng sang Lào.

Ông Vũ Thiện Bản nhớ lại: “Ngày đó, nhiệm vụ hàng ngày của tôi là nhận lệnh cấp trên, điều động chiến sỹ tham gia chiến dịch và trực tiếp tham gia chiến đấu. Ban ngày tập trung lực lượng tiêu hao sinh lực địch, ban đêm đào hầm tiến sát các cứ điểm. Do hệ thống công sự của Pháp kiên cố, chằng chịt hàng rào thép, bãi mìn, hỏa lực nên đêm khi chúng tôi đào hầm tiến vào các cứ điểm, chỉ cần một tiếng động nhỏ thì hỏa lực của Pháp bắn như mưa. Có những đêm cả trăm anh em ra tham gia đào hầm nhưng đến sáng, chỉ còn khoảng chục người.”

Trước khi tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Vũ Thiện Bản làm liên lạc giải phóng quân, rồi tham gia đánh trận Cầu Xưa (ở An Lư, Thủy Nguyên, Hải Phòng) và bị trọng thương. Sau đó, ông được đơn vị cử đi học ở Trường sỹ quan lục quân Trần Quốc Tuấn và học sỹ quan pháo binh.

Trong chín năm kháng chiến chống thực dân Pháp, ông tham gia rất nhiều chiến dịch từ đồng bằng đến miền núi và cả ở nước bạn Lào như chiến dịch Biên giới Thu đông 1950, tham gia chiến đấu ở chiến trường Trung, Thượng Lào và kết thúc là chiến dịch Điện Biên Phủ.

Ông tâm sự: “Ngày đó, thanh niên chúng tôi một lòng một dạ theo Đảng, theo Bác, theo cách mạng. Ai cũng tâm niệm không đánh thắng giặc không về. Từ năm 1950 đến khi kết thúc chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi không về thăm nhà. Trong các cuộc chiến, chúng ta chiến thắng vì nhiều yếu tố nhưng tinh thần kiên cường, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc của tất cả các cán bộ, chiến sỹ góp phần làm nên chiến thắng đó.”

Hiện là Phó Chủ tịch Hội truyền thống Chiến sỹ Điện Biên Phủ thành phố Hải Phòng, nói về Hội, ông cho biết: "Lúc đầu thành lập Hội, hầu hết các chiến sỹ tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ đã ở tuổi trên dưới 70, sức khỏe giảm sút, phần lớn sống ở nông thôn, nhưng chúng tôi đã cùng chung sức, chia sẻ, giúp đỡ nhau trong nghĩa tình đồng đội để vượt qua khó khăn và xây dựng hội đoàn kết, vững mạnh như ngày hôm nay."

Hiện tại Hội có 1.109 hội viên, sống ở 14 quận, huyện của Hải Phòng. Hàng năm Hội tổ chức thăm hỏi hội viên, tặng quà các gia đình hội viên hoàn cảnh khó khăn, đã đưa 600 người thăm lại chiến trường xưa.

Hội cũng đã tặng toàn thể hội viên Kỷ niệm chương 50 năm và 60 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; tặng 2 tập sách “Truyền thống chiến sỹ Điện Biên Phủ Hải Phòng” do các chiến sỹ tham gia những trận đánh trong chiến dịch viết lại.

Trong cuộc sống hàng ngày, các hội viên Hội truyền thống Chiến sỹ Điện Biên Phủ Hải Phòng tiếp tục phát huy bản chất cao đẹp của bộ đội cụ Hồ, truyền thống vẻ vang của chiến sỹ Điện Biên năm xưa./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục