Mỹ đang xây dựng một NATO phiên bản Arab để đối phó Iran?

Chuyên gia nhận định chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Pompeo tới 8 nước Trung Đông là nhằm xây dựng một "phiên bản Arab" của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm đối trọng với Iran.
Mỹ đang xây dựng một NATO phiên bản Arab để đối phó Iran? ảnh 1Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo phát biểu với báo giới khi lên đường công du Trung Đông ngày 7/1/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Tân hoa xã, việc Ngoại trưởng Mike Pompeo và Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton của Mỹ bắt đầu thực hiện các chuyến công du riêng rẽ dịp Năm mới tới 10 quốc gia Trung Đông được các chuyên gia xem là động thái mới nhất nhằm đối trọng với Iran và trấn an các đồng minh khu vực của Washington trong bối cảnh những nước này ngày càng vỡ mộng với chính sách Trung Đông thất thường của Mỹ.

Các chuyến công du này diễn ra sau khi Mỹ công bố kế hoạch bất ngờ rút quân khỏi Syria.

Mặc dù chính quyền Tổng thống Donald Trump sau đó phủ nhận đã công bố lộ trình thực hiện kế hoạch rút quân này, nhưng các thông điệp lẫn lộn đã tạo ra làn sóng hoài nghi mới trong các đối tác khu vực về cam kết của Mỹ.

Phát biểu với báo giới sau cuộc gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu hôm 6/1, ông Bolton cho biết, kế hoạch rút quân này sẽ được thực hiện theo cách đảm bảo tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng bị đánh bại đến mức không thể hồi sinh.

Theo ông, các đồng minh người Kurd của Mỹ phải được bảo vệ cũng như việc bảo vệ Israel và "những người bạn khác của chúng tôi" trong khu vực phải được đảm bảo.

[Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Mỹ giao hoặc phá hủy 22 căn cứ quân sự ở Syria]

Tarek Fahmy, giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Mỹ ở Cairo phân tích, việc Tổng thống Trump công bố rút quân chỉ nhằm giữ lời hứa của ông đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống, trong khi thông tin chi tiết vẫn chưa được thảo luận với các đồng minh của Mỹ.

Một trong những ưu tiên trong các chuyến công du của hai ông Pompeo và Bolton là thảo luận về những chi tiết đó.

Chuyên gia Fahmy phỏng đoán rằng khoảng 2.000 binh sỹ Mỹ đồn trú tại Syria có thể được triển khai đến căn cứ quân sự tại Iraq, nói cách khác là tái triển khai thay vì rút quân.

Giáo sư Stephen Walt tại Đại học Harvard nhận định, Mỹ cuối cùng sẽ không rời khỏi khu vực này, dù việc rút quân có diễn ra.

Ông cho rằng Mỹ đang cung cấp viện trợ và thiết bị quân sự cho các đồng minh cùng với hơn 40.000 binh sỹ được triển khai ở khu vực này.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, trong chuyến thăm Ai Cập, ông Pompeo sẽ có bài phát biểu về cam kết của Mỹ đối với "hòa bình, thịnh vượng, ổn định và an ninh ở Trung Đông."

Washington đang kích các nước Arab vùng Vịnh đấu với Iran, kẻ thù không đội trời chung của họ tại Trung Đông.

Mục tiêu chuyến công du của ông Pompeo tới 8 nước (gồm Jordan, Ai Cập, Bahrain, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất, Qatar, Saudi Arabia, Oman và Kuwait) là xây dựng một "phiên bản Arab" của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhằm đối trọng với Iran.

Nhà nghiên cứu cấp cao Yezid Sayigh tại Quỹ Carnegie vì hòa bình quốc tế nhận định, mối quan hệ đồng minh chặt chẽ của các nước Arab khó có thể duy trì nếu không có điểm tương đồng về quốc phòng. Hơn nữa, việc Mỹ đứng về phía Israel sẽ làm suy yếu liên minh này.

Nhà nghiên cứu Andrew Miller cũng thuộc quỹ trên cho rằng, ý tưởng này có thể chỉ mang lại xung đột và bất ổn cho khu vực mà thôi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục