Mỹ nghe lén Pháp

Obama và Hollande điện đàm vụ Mỹ nghe lén Pháp

Trong cuộc điện đàm với Obama, Tổng thống Pháp Hollande đã lên án việc Mỹ do thám khi nghe trộm hàng chục triệu cuộc điện thoại.
Vụ việc Cơ quan An ninh quốc gia (NSA) của Mỹ tiến hành hàng loạt vụ nghe lén điện thoại ở Pháp và Mexico bị phanh phui đang đẩy Chính phủ Mỹ rơi vào một vụ bê bối mới, có nguy cơ sẽ châm ngòi cho một cuộc chiến ngoại giao giữa Washington với những quốc gia vốn được coi là đồng minh thân cận này.

Sau một loạt phản ứng tức giận của Pháp, ngày 21/10, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã điện đàm với Tổng thống Pháp Francois Hollande.

Thông báo của Nhà Trắng cho biết Tổng thống Obama đã nói rõ với Tổng thống Hollande rằng trước đó Washington đã bắt đầu kiểm tra lại phương thức thu thập thông tin tình báo nhằm cân đối một cách phù hợp giữa mối quan ngại chính đáng về an ninh của công dân Mỹ cũng như các đồng minh với các quan ngại về quyền riêng tư.

Trong một tuyên bố nhằm xoa dịu Pháp, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, hiện đang ở Paris, tuyên bố Pháp là một trong những đồng minh thân cận nhất của Mỹ.

Theo Văn phòng Tổng thống Pháp, trong cuộc điện đàm, Tổng thống Hollande đã bày tỏ sự phản đối sâu sắc cho rằng đây là hành động không thể chấp nhận được giữa những người bạn và đồng minh vì đã xâm phạm quyền riêng tư của công dân Pháp. Ông Hollande đã "yêu cầu Washington giải thích đầy đủ và cung cấp toàn bộ thông tin" liên quan đến vụ việc này.

Cả Văn phòng Tổng thống Pháp và Nhà Trắng xác nhận hai nhà lãnh đạo nhất trí "phối hợp để làm rõ vấn đề và quy mô chính xác của các hoạt động do thám" của Mỹ. Hai bên nhấn mạnh các hoạt động do thám cần phải đặt trong một "khuôn khổ song phương", đồng thời nhất trí rằng các cơ quan tình báo của Mỹ và Pháp sẽ "cùng làm việc để đạt được điều này".

Tuy nhiên, ngoài những tuyên bố chung chung như trên, Mỹ hầu như chưa có sự giải thích thỏa đáng nào để giải đáp các câu hỏi của Mexico và Pháp. Trên thực tế, Nhà Trắng vẫn tìm cách bảo vệ quan điểm của mình.

Ngoại trưởng Kerry cho rằng bảo đảm an ninh cho người dân trong thế giới ngày nay là một vấn đề phức tạp và đầy thử thách. Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng Caitlin Hayden tuyên bố tất cả các quốc gia trên thế giới đều tiến hành các hoạt động gián điệp và chính sách Mỹ nói rõ việc thu thập thông tin tình báo nước ngoài theo cách thức mà tất cả các quốc gia trên thế giới thực hiện.

Phó phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Marie Harf từ chối xác nhận các vấn đề liên quan đến chi tiết cách thức thu thập thông tin tình báo với lý do "các hoạt động tình báo thuộc lĩnh vực bảo mật".

Trước tình hình này, dư luận quốc tế, đặc biệt là những quốc gia đã bị nêu trong danh sách do thám của Mỹ tiếp tục bày tỏ sự bất bình. Trong chuyến thăm Đan Mạch, Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault cho rằng "thật kinh ngạc khi một nước đồng minh như Mỹ vào lúc này lại đi xa đến mức do thám thông tin liên lạc cá nhân, điều không có lý do nào để biện minh về mặt chiến lược hay quốc phòng".

Cùng ngày, cựu Tổng thống Mexico Felipe Calderon tuyên bố việc tình báo Mỹ thâm nhập vào hệ thống thư điện tử trong thời điểm ông đã giữ cương vị tổng thống Mexico là hành động sỉ nhục hiến pháp quốc gia này.

Ông Calderon cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ các nỗ lực của Bộ Ngoại giao Mexico trong việc yêu cầu Mỹ đưa ra lời giải thích rõ ràng cho hành động trên. Ông Cadeldron đảm nhiệm cương vị tổng thống Mexico trong sáu năm đến 2012, trong một nhiệm kỳ được đánh giá là có mối quan hệ an ninh chặt chẽ chưa từng có với Mỹ, để truy quét các băng nhóm tội phạm ma túy.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã hoãn chuyến thăm Mỹ để phản đối việc NSA do thám các hoạt động thông tin liên lạc của bà.

Vừa mới tạm giải quyết được một cuộc chiến trên lĩnh vực đối nội, nước Mỹ giờ đây lại đối đấu với một thử thách mới trên mặt trận đối ngoại./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục