Mỹ phớt lờ việc cấp thêm bằng chứng vũ khí hóa học ở Syria

Mỹ đã phớt lờ đề nghị của Nga về việc cung cấp thêm bằng chứng về việc Chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học.
Mỹ phớt lờ việc cấp thêm bằng chứng vũ khí hóa học ở Syria ảnh 1Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin. (Nguồn: THX/TTXVN)

Mỹ đã phớt lờ đề nghị của Nga về việc cung cấp thêm bằng chứng về việc Chính phủ Syria đã sử dụng vũ khí hóa học trong cuộc nội chiến kéo dài gần ba năm qua tại quốc gia Trung Đông này.

Lời cáo buộc này được đưa ra tại một cuộc họp kín của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về báo cáo cuối cùng của ông Ake Sellstrom - trưởng nhóm thanh sát viên vũ khí hóa học của Liên hợp quốc tại Syria.

Phát biểu với các phóng viên sau cuộc họp ngày 16/12 ở trụ sở Liên hợp quốc tại thành phố New York, Mỹ, Đại sứ Nga tại Liên hợp quốc Vitaly Churkin nêu rõ Washington đã phớt lờ đề nghị của Moskva về cung cấp thêm thông tin chứng tỏ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại người dân.

Theo nhà ngoại giao, các cáo buộc cho rằng Damascus sử dụng vũ khí hóa học, trong đó có vụ tấn công bằng khí độc thần kinh nhằm vào một khu dân cư hôm 21/8 vừa qua khiến hàng trăm người thiệt mạng, là không thuyết phục.

Dẫn chứng về phạm vi hoạt động và năng lực của lực lượng tình báo Mỹ, Đại sứ Churkin nhận định việc Washington không nắm đủ thông tin nhằm làm rõ vai trò của Damascus trong các vụ tấn công này là hết sức khó hiểu.

Tái khẳng định lập trường của Nga ủng hộ Syria, Đại sứ Churkin nhấn mạnh Damacus không có lý do thỏa đáng để sử dụng vũ khí hóa học vì hành động tấn công bằng vũ khí hóa học tại khu dân cư Đông Gouta nói trên chỉ dẫn đến hậu quả là sự đáp trả quân sự đối với chính phủ nước này.

Moskva coi vụ bạo lực trên là hành động khiêu khích nghiêm trọng của lực lượng đối lập đang tìm cách lật đổ Tổng thống al-Assad, đồng thời tìm kiếm sự can thiệp quân sự nước ngoài vào Syria.

Ông Churkin nêu rõ phe đối lập đứng đằng sau các vụ việc này, trong đó có sự kiện xảy ra tại thành phố Aleppo trung tuần tháng Ba vừa qua.

Đáp lại, Đại sứ Mỹ Samatha Power tuyên bố chính quyền của Tổng thống Barack Obama không có bằng chứng về việc phe đối lập Syria đã từng hoặc đang sử dụng vũ khí hóa học. Trái ngược với lập trường của Moskva, Washington tin rằng Damacus đã sử dụng vũ lực đối với người dân của mình.

Những tuyên bố trên được đưa ra chỉ ít ngày sau khi nhóm thanh sát viên Liên hợp quốc tại Syria công bố bản báo cáo, cho biết vũ khí hóa học đã được sử dụng ít nhất năm lần trong cuộc nội chiến tại Syria và đã có một số trường hợp trẻ em là nạn nhân của các cuộc tàn sát.

Tuy nhiên, văn kiện này chưa khẳng định trách nhiệm của các bên liên quan đến việc sử dụng loại vũ khí chết người này.

Trước đó, Tổng thống al-Assad đã thừa nhận lực lượng chính phủ có trang bị vũ khí hóa học và cam kết chuyển giao số vũ khí này cho các chuyên gia quốc tế, song ông Assad khẳng định quân đội Syria không tấn công người dân như lời cáo buộc của các nước phương Tây.

Trong một diễn biến khác cùng ngày, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon cùng ngày khẳng định giao tranh tại Syria phải chấm dứt trước khi bắt đầu các cuộc thương lượng chính trị về việc thành lập chính phủ chuyển tiếp nhằm khôi phục hòa bình tại quốc gia Trung Đông này tại Geneva (Thụy Sĩ) tới đây.

Dự kiến, các đại diện cho chính phủ của Tổng thống al-Assad và lực lượng đối lập đang tìm cách lật đổ nhà lãnh đạo này sẽ họp với Đặc phái viên Liên hợp quốc-Liên đoàn Arập về Syria Lakhdar Brahimi vào ngày 22/1 tới tại Geneva để thảo luận các biện pháp chấm dứt cuộc nội chiến đã kéo dài ở Syria.

Tấn công bằng vũ khí hóa học không chỉ là nguyên nhân dẫn tới sự bất đồng giữa các nước phương Tây và Nga mà còn từng dấy lên nguy cơ về sự can thiệp quân sự nước ngoài vào quốc gia Trung Đông này.

Hồi tháng Chín vừa qua, Hội đồng Bảo an đã thông qua một nghị quyết yêu cầu Syria tuân thủ kế hoạch do Nga và Mỹ soạn thảo, theo đó quy định tất cả vũ khí hóa học của nước này phải được đặt dưới sự kiểm soát quốc tế vào giữa năm 2014.

Tiến trình giải giáp sẽ đặt dưới sự giám sát của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW).

Theo đánh giá của Liên hợp quốc, cho đến nay tiến trình tiêu hủy vũ khí hóa học ở Syria do các chuyên gian OPCW và Liên hợp quốc thực hiện diễn ra khá suôn sẻ.

Gần đây nhất, phía Washington đã nhận tiêu hủy một phần vũ khí hóa học trong kho vũ khí của chính quyền Syria và dự kiến quá trình này sẽ được thực hiện trên một con tàu ở ngoài Địa Trung Hải./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục