Mỹ thay đổi chiến lược đối với Trung Quốc

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tới nay không những chưa thể khai thông bế tắc, mà còn có dấu hiệu "tăng nhiệt" với hàng loạt đe dọa tăng quy mô lẫn mức áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ Mỹ.
Mỹ thay đổi chiến lược đối với Trung Quốc ảnh 1Hàng hóa được xếp tại cảng Dương Sơn ở Thượng Hải, Trung Quốc. (Nguồn: EPA/TTXVN)

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung tới nay không những chưa thể khai thông bế tắc, mà còn có dấu hiệu "tăng nhiệt" với hàng loạt đe dọa tăng quy mô lẫn mức áp thuế đối với hàng hóa Trung Quốc từ Washington.

Tại sao vậy? Ngoài nhận định cho rằng đây là cuộc chiến giữa hai cường quốc đứng đầu thế giới, tổng hợp nhận định trên tờ Tin tức Thế giới gần đây cho thấy nó còn được thúc đẩy từ những nguyên nhân ngay trong lòng nước Mỹ.

Thứ nhất, cách nhìn của Mỹ đối với Trung Quốc đã có sự thay đổi căn bản. Cho dù là phe chống Trung Quốc hay phe hữu hảo với Trung Quốc, cho dù là đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa, cho dù là công nhân hay trí thức đều có thay đổi lớn về cách nhìn đối với Trung Quốc, đều chủ trương cứng rắn với Trung Quốc.

Tuyệt đại đa số học giả đều không muốn đứng ra “nói hộ” cho quan hệ Mỹ-Trung. Ngay cả Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross, người luôn chủ trương đối thoại với Trung Quốc, mới đây khi trả lời phỏng vấn hãng tin CNBC cũng tuyên bố phải để Trung Quốc thấy được việc giữ lại các hàng rào thương mại sẽ đau khổ hơn là loại bỏ chúng.

Thứ hai, trong cách nhìn nhận của người Mỹ, phương hướng phát triển của Trung Quốc không phù hợp với kỳ vọng của nước Mỹ và Trung Quốc cố ý sử dụng thủ đoạn quân sự để đạt mục đích chính trị, mục tiêu xây dựng quân đội hàng đầu thế giới của Bắc Kinh không phù hợp với nhu cầu quốc phòng.

Mỹ lo ngại Trung Quốc mưu đồ xây dựng sức mạnh quân sự toàn cầu giống như Mỹ, bắt đầu thách thức hình thái ý thức của Mỹ.

Thứ ba, Mỹ cho rằng Trung Quốc cố ý kéo dài không giải quyết các yêu cầu cấp thiết của Mỹ trong lĩnh vực thương mại. Thất vọng đối với Trung Quốc bao trùm Washington, và Mỹ mất dần kiên nhẫn đối với Trung Quốc.

Người Mỹ cho rằng thể chế kinh tế thị trường tự do không thể nào cạnh tranh được với thể chế kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa của Trung Quốc.

Chính phủ Trung Quốc can dự mạnh vào thị trường đã gây ra bất công và cũng không phù hợp với nguyên tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Mỹ đặc biệt bất mãn với chiến lược “Chế tạo tại Trung Quốc 2025.”

Thứ tư, tranh chấp thương mại Mỹ-Trung hiện nay không đơn thuần là vấn đề thâm hụt thương mại, mà là tranh chấp về mô hình và phương hướng phát triển. Tất cả những gì Trung Quốc đang làm, theo phía Mỹ, là nhằm thay thế vị trí của Mỹ.

Thứ năm, nếu Trung Quốc không thể tiến hành cạnh tranh thị trường hóa theo kỳ vọng của Mỹ, Mỹ có thể thoát ly khỏi quan hệ kinh tế thương mại với Trung Quốc, có thể trở lại Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP, nay là CPTPP), cùng thúc đẩy Hiệp định Tự do thương mại xuyên Đại Tây Dương (TIPP) với châu Âu, khống chế WTO, xây dựng hệ thống và quy định kinh tế thương mại thế giới mới không có sự tham dự của Trung Quốc, xóa hết nỗ lực mấy chục năm gia nhập WTO của Trung Quốc.

Bên cạnh đó, chính sách “một Trung Quốc” của Mỹ có thể thay đổi. Việc Mỹ thông qua Luật Du lịch Đài Loan là một thể hiện rõ về sự thay đổi này, cho thấy sự thông cảm với chính sách “một Trung Quốc” của chính quyền Donald Trump và Quốc hội Mỹ đã xuống thấp nhất trong lịch sử.

[Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung: Washington tăng đòn, đợi "quả"]

Theo tờ Tin tức Thế giới, các kết luận nêu trên cơ bản là khách quan. Sự thay đổi trong thái độ đối với Trung Quốc của Mỹ và phương Tây là có thể hiểu được.

Trung Quốc đang trở thành lực lượng có khả năng làm thay đổi trật tự toàn cầu nhất. Cân bằng thực lực toàn cầu đang thay đổi, sức ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc tiếp tục tăng lên khiến Mỹ và phương Tây lo ngại Trung Quốc sẽ dẫn dắt thay đổi các quy tắc và quy định quốc tế, lật đổi trật tự thế giới hiện nay.

Việc Trung Quốc trở thành lực lượng chủ yếu ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thậm chí là trên thế giới, chắc chắn sẽ mang đến thách thức đối với trật tự quốc tế sau Chiến tranh Thế giới thứ II do Mỹ làm chủ đạo. Tốc độ và quy mô trỗi dậy của Trung Quốc đã khiến phương Tây cảnh giác.

“Giấc mộng Trung Hoa” của nhà lãnh đạo tối cao Trung Quốc Tập Cận Bình càng khiến phương Tây bất an, do đó đã đề ra chiến lược bao vây Trung Quốc.

Mấy năm nay, trong chính sách Trung Quốc, Mỹ ở trong tình trạng lưỡng lự giữa 2 lựa chọn.

Một là tăng cường giao lưu để thay đổi Trung Quốc, để Trung Quốc xích lại gần Mỹ hơn.

Hai là nhận định lựa chọn trên không mang lại kết quả, cần phải thay đổi căn bản, chuyển sang gây sức ép toàn diện đối với Trung Quốc, thậm chí không ngại thoát ly quan hệ với Trung Quốc, vứt bỏ hoàn toàn thị trường Trung Quốc, cuối cùng buộc Trung Quốc phải đầu hàng.

Nếu Trung Quốc không đầu hàng thì phải xem xét sử dụng sức ép quân sự, ngoại giao như đe dọa sử dụng biện pháp quân sự ở Đài Loan, trên bán đảo Triều Tiên và ở xung quanh Trung Quốc.

Diễn biến gần đây có dấu hiệu cho thấy trong chính sách Trung Quốc, giới tinh hoa Mỹ đã chuyển từ ôn hòa sang cứng rắn cực đoan.

Trong khi đó, hiện nay ở Trung Quốc đang tồn tại bất đồng giữa hai phái về việc có áp dụng chiến thuật “đá chọi đá” với Mỹ trong chiến tranh thương mại hay không.

Trong vấn đề này, vai trò và thái độ của Chủ tịch Tập Cận Bình rất quan trọng. Một phe cho rằng Trung Quốc có khả năng đấu với Mỹ, không sợ cùng Mỹ đánh một trận lớn.

Trong khi phe còn lại cho rằng đấu với Mỹ chỉ gánh chịu hậu quả, chủ trương thỏa hiệp với Mỹ, mở rộng thị trường hơn nữa cho Mỹ. Xem xét các động thái của Trung Quốc thì thấy Tập Cận Bình đang thực hiện sách lược cân bằng hai phe.

Một mặt, Bắc Kinh đưa ra những phát biểu "không sợ Mỹ" để trấn an trong nước; mặt khác lại tích cực thuyết phục giới doanh nghiệp Mỹ; định hướng dư luận, không cho chủ nghĩa dân tộc gây náo loạn như từng xảy ra đối với Nhật Bản và Hàn Quốc; giảm bớt điều kiện gia nhập thị trường Trung Quốc./.

 
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục