Myanmar khẳng định sẵn sàng tiếp nhận trở lại toàn bộ người Rohingya

Cố vấn An ninh Quốc gia Myanmar Thaung Tun cho biết nước này sẵn sàng tiếp nhận lại toàn bộ 700.000 người Hồi giáo Rohingya chạy khỏi Myanmar do bạo lực bùng phát nếu những người này lựa chọn trở về.
Myanmar khẳng định sẵn sàng tiếp nhận trở lại toàn bộ người Rohingya ảnh 1Người tị nạn Rohingya tại trại tị nạn gần biên giới Bangladesh ngày 25/4/2018. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 2/6, Cố vấn An ninh Quốc gia Myanmar Thaung Tun cho biết nước này sẵn sàng tiếp nhận lại toàn bộ 700.000 người Hồi giáo Rohingya chạy khỏi Myanmar do bạo lực bùng phát nếu những người này lựa chọn trở về.

Ông Thaung Tun đưa ra phát biểu trên tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 17, diễn đàn an ninh khu vực châu Á-Thái Bình Dương đang diễn ra tại Singapore.

Tại đây, ông Thaung Tun được yêu cầu trả lời về tình hình tại bang Rakhine của Myanmar và liệu cuộc khủng hoảng tại đây có đủ nghiêm trọng để Liên hợp quốc sử dụng tới bộ quy tắc Trách nhiệm Bảo vệ (R2P).

Được Liên hợp quốc thông qua năm 2005, một nguyên tắc chính của R2P là các quốc gia trên thế giới phải bảo vệ người dân khỏi tội diệt chủng, tội ác chiến tranh, các tội ác chống lại loài người.

Cộng đồng thế giới phải có trách nhiệm chung trong khuyến khích và giúp đỡ lẫn nhau thực hiện cam kết này.

Theo Cố vấn An ninh Quốc gia Myanmar, việc áp dụng R2P là không phù hợp do hiện không có chiến tranh diễn ra tại Myanmar, do đó không thể nói đến tội ác chiến tranh. Trong khi đó, không có các bằng chứng thuyết phục về tội ác chống lại nhân loại tại Rakhine.

[Nhiều người tị nạn Rohingya tại Bangladesh tự nguyện hồi hương]

Ông Thaung Tun cho rằng các cáo buộc đối với Myanmar cần có bằng chứng rõ ràng và cụ thể, bởi hiện có nhiều thông tin về tình hình tại Rakhine là "không đầy đủ và thiếu chính xác."

Myanmar xác nhận khu vực miền Bắc Rakhine đang hứng chịu cuộc khủng hoảng nhân đạo và cộng đồng người Hồi giáo tại đây đang chịu nhiều vất vả, nhưng đây là tình hình chung của các cộng đồng Phật giáo, Hindu và các cộng đồng thiểu số khác.

Quan chức này khẳng định quân đội Myanmar có quyền bảo vệ đất nước, nhưng nếu có bằng chứng cho thấy quân đội có hành động phạm pháp, chính phủ sẽ có hành động thích đáng.

Trước đó, gần 700.000 người Hồi giáo Rohingya đã chạy khỏi Myanmar do bạo lực bùng phát hồi tháng 8/2017 tại bang Rakhine, miền Tây Myanmar, sang Bangladesh. Những người này đã phải sống trong các trại tị nạn gần biên giới.

Sau khi Myanmar và Bangladesh nhất trí về thời điểm khởi động tiến trình hồi hương người Rohingya và thiết lập một nhóm chuyên viên nhằm giám sát tiến trình này, Chính phủ Myanmar đã dựng các trại tạm có sức chứa hàng chục nghìn người và dựng một số ngôi nhà để thay thế cho những ngôi làng mà người Rohingya từng sinh sống./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục