Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về thủy sản, phát triển quy mô lớn

Theo Quyết định số 643/QĐ-TTg, đến năm 2030, quản lý Nhà nước về thủy sản được tổ chức theo các mô hình tiên tiến, phù hợp với nghề cá quy mô lớn, công nghiệp, hiện đại
Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về thủy sản, phát triển quy mô lớn ảnh 1Tàu cá của ngư dân các tỉnh đang khai thác tại ngư trường Trường Sa. (Ảnh: Nguyễn Văn Nhật/TTXVN)

Ngày 5/6, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang ký Quyết định số 643/QĐ-TTg phê duyệt ''Đề án Nâng cao Năng lực Quản lý Nhà nước về Thủy sản'' nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững ngành thủy sản trong bối cảnh hội nhập quốc tế, góp phần đạt được các mục tiêu của ''Chiến lược Phát triển Thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045''.

''Đề án Nâng cao Năng lực Quản lý Nhà nước về Thủy sản''  (Đề án) đặt mục tiêu đến năm 2025 hệ thống cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành thủy sản từ Trung ương đến địa phương được kiện toàn, tổ chức, sắp xếp phù hợp với quy định của pháp luật liên quan, yêu cầu và nhu cầu quản lý Nhà nước theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả.

Bên cạnh đó, tăng cường hiệu quả hoạt động của các Ban Quản lý Khu bảo tồn Biển, xây dựng và thực thi quy chế phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước, lực lượng chuyên trách trong kiểm tra, kiểm soát, xử lý vi phạm và thực hiện các nhiệm vụ về bảo tồn, phát triển nguồn lợi thủy sản.

[Nếu không quyết liệt để gỡ “thẻ vàng,” có thể thành "thẻ đỏ"]

Kiểm ngư địa phương được thành lập, kiện toàn theo Luật Thủy sản năm 2017 và Đề án tổng thể phát triển lực lượng kiểm ngư đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đồng thời, công nghệ thông tin và chuyển đổi số được ứng dụng vào các hoạt động quản lý Nhà nước ngành thủy sản để đảm bảo công tác chỉ đạo điều hành được thông suốt, kịp thời, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương.

Theo Đề án, phấn đấu đến năm 2030, quản lý Nhà nước về thủy sản được tổ chức theo các mô hình tiên tiến, phù hợp với nghề cá quy mô lớn, công nghiệp, hiện đại để thúc đẩy phát triển sản xuất bền vững.

Nguồn nhân lực quản lý Nhà nước về thủy sản đáp ứng đủ số lượng, đảm bảo chất lượng; 100% công chức quy hoạch lãnh đạo cục, lãnh đạo phòng và tương đương được cử đi đào tạo lý luận chính trị, ngoại ngữ và chuyên môn nghiệp vụ theo quy định. Công tác luân chuyển, biệt phái công chức quản lý được tăng cường để đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện thực tiễn.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn là cơ quan đầu mối tổ chức thực hiện Đề án./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục