Năng lượng tái tạo giúp ổn định kinh tế và giải quyết lạm phát

Theo Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christian Lagarde, việc chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn sẽ giúp giảm nguy cơ giá năng lượng tăng vọt.
Năng lượng tái tạo giúp ổn định kinh tế và giải quyết lạm phát ảnh 1Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christine Lagarde. (Nguồn: Bloomberg)

Việc đẩy nhanh tốc độ chuyển sang năng lượng tái tạo có thể giúp hạn chế đà tăng giá năng lượng.

Đây là nhận định của Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) Christian Lagarde đưa ra trong một bài đăng ngày 7/11, trong bối cảnh nhiều hộ gia đình tại châu Âu đang chật vật để chi trả các hóa đơn điện tăng vọt.

Trong một bài đăng trên blog cá nhân sau khi Hội nghị lần thứ 27 các bên tham gia công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) khai mạc tại thành phố Sharm El-Sheikh (Ai Cập), bà Lagarde chỉ ra rằng: “Giá năng lượng tăng cao cho thấy chúng ta phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch như thế nào và dễ bị ảnh hưởng ra sao.”

[Ngành năng lượng tái tạo toàn cầu có thể tạo ra 32,8 triệu việc làm]

Theo bà, việc chuyển sang các nguồn năng lượng sạch hơn sẽ giúp giảm nguy cơ giá năng lượng tăng vọt.

Chủ tịch ECB nêu rõ việc chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo, như điện gió hoặc điện Mặt Trời, cũng sẽ giúp đưa đến tỷ lệ lạm phát thấp và ổn định hơn cũng như cải thiện nền kinh tế.

Giá nhiên liệu hóa thạch đã tăng vọt kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra từ cuối tháng 2 năm nay. Điều này đặc biệt tác động xấu đến châu Âu, khu vực vốn nhập khẩu lượng lớn khí đốt qua các đường ống từ Nga trong nhiều năm qua.

Tỷ lệ lạm phát của khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong tháng 10 vừa qua đã tăng 10,7% - mức cao nhất từ trước đến nay và vượt mức mục tiêu 2% của ECB.

Mới đây, Chủ tịch ECB Lagarde cho rằng tác động của xung đột Nga-Ukraine và giá năng lượng tăng cao sẽ khiến kinh tế Eurozone suy thoái nhẹ vào khoảng cuối năm nay và đầu năm sau.

Đầu tháng 11 này, ECB đã khuyến cáo sẽ áp dụng các biện pháp mạnh đối với các ngân hàng tại Eurozone từ cuối năm 2024, nếu các ngân hàng này không nỗ lực hơn nữa nhằm nhận diện và kiểm soát những rủi ro liên quan về biến đổi khí hậu đối với các khách hàng của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục