Nên bỏ Quỹ bình ổn để xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường?

Theo Bộ Tài chính, gắn với quy định về đưa xăng dầu vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá mặt hàng này được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường.
Nên bỏ Quỹ bình ổn để xăng dầu vận hành theo cơ chế thị trường? ảnh 1Mua bán xăng dầu tại cửa hàng kinh doanh xăng dầu Petrolimex trên đường Trần Quang Khải, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Giá (sửa đổi), trong đó có kiến nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.

Tại dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Bộ Tài chính đề xuất danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá sẽ được giao thẩm quyền cho Chính phủ quy định chi tiết trên cơ sở các nguyên tắc chặt chẽ được quy định tại Luật. Đồng thời, tăng cường phân công, phân cấp, rõ trách nhiệm trong việc triển khai bình ổn giá trên phạm vi cả nước và trên địa bàn.

Theo Bộ Tài chính, bình ổn giá được xác định là một biện pháp nhằm ứng phó với những biến động bất thường của giá cả trong những bối cảnh kinh tế xã hội nhất định. Bám sát nội dung chính sách đã xây dựng, dự án Luật Giá (sửa đổi) đã quy định chi tiết hơn các nguyên tắc bình ổn giá tại Điều 16 và cụ thể hóa các trường hợp áp dụng bình ổn giá bao gồm "trường hợp giá của hàng hóa, dịch vụ tăng quá cao hoặc giảm quá thấp trong một khoảng thời gian ảnh hưởng đến kinh tế-xã hội, sản xuất kinh doanh, mặt bằng giá thị trường hoặc trong trường hợp dịch bệnh, thiên tai hoặc khi tuyên bố tình trạng khẩn cấp theo quy định tại Luật tình trạng khẩn cấp."

Đối với các biện pháp bình ổn giá cơ bản được kế thừa như Luật hiện hành, tuy nhiên, Bộ Tài chính đã đưa ra một số điều chỉnh theo nội dung chính sách. Cụ thể, bỏ các quy định về lập và sử dụng quỹ bình ổn giá. Hiện nay, chỉ tồn tại quỹ bình ổn giá xăng dầu, tuy nhiên gắn với quy định về đưa mặt hàng này vào diện quản lý theo giá tham chiếu thì đã có thể xem xét bỏ quỹ bình ổn giá để giá xăng dầu được vận động hoàn toàn theo cơ chế thị trường và tôn trọng các nguyên tắc thị trường.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn cho biết sẽ kiên trì thực hiện nguyên tắc thị trường, trong 7 giải pháp bình ổn giá xăng, dầu thì lập quỹ bình ổn giá là một giải pháp, việc thực hiện trích lập quỹ bình ổn giá là khi có biến động về giá...

Tuy nhiên, theo Thứ trưởng, có nhiều ý kiến cho rằng, khi có biến động giá mới lập quỹ thì sẽ có độ trễ, không đảm bảo nguyên tắc thị trường. Vì vậy, trong việc lấy ý kiến sửa đổi Luật Giá, Bộ Tài chính xin ý kiến các bên liên quan về phương thức bình ổn giá, trong đó sẽ bỏ quy định về lập quỹ bình ổn giá, từ đó sẽ xem xét lại quỹ bình ổn giá xăng, dầu.

[Bộ Công Thương nói gì về đề xuất bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?]

Quỹ bình ổn giá xăng dầu được lập tại doanh nghiệp khi được Bộ Công Thương cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện làm thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu theo quy định tại Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm trích lập, chi sử dụng, báo cáo, công khai về Quỹ bình ổn giá xăng dầu và quản lý Quỹ bình ổn giá xăng dầu theo quy định.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu có trách nhiệm lựa chọn, mở tài khoản theo dõi riêng về Quỹ bình ổn giá xăng dầu tại ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam (ngân hàng); có trách nhiệm thông báo bằng văn bản tên, địa chỉ, thông tin liên lạc của ngân hàng nơi thương nhân đầu mối mở tài khoản Quỹ bình ổn giá xăng dầu đến Bộ Tài chính (Cục Quản lý giá), Bộ Công Thương (Vụ Thị trường trong nước) và công bố thông tin theo quy định.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu được trích lập bằng một khoản tiền cụ thể là 300 đồng/lít đối với các loại xăng, các loại dầu diesel, dầu hỏa và 300 đồng/kg đối với các loại dầu mazut ở nhiệt độ thực tế tiêu thụ tại thị trường nội địa và được xác định là một yếu tố cấu thành giá cơ sở và giá bán của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu. Việc trích lập Quỹ bình ổn giá xăng dầu được thực hiện đồng thời với kỳ điều hành giá cơ sở.

Quỹ bình ổn giá xăng dầu là Quỹ tài chính không nằm trong cân đối ngân sách nhà nước; toàn bộ nguồn trích lập, chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu để tham gia điều tiết, hỗ trợ cho mục tiêu bình ổn giá xăng dầu trong nước theo điều hành giá xăng dầu của Bộ Công Thương.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu bán lẻ trong nước đã được điều chỉnh 18 lần, cụ thể có 13 lần tăng và 5 lần giảm. Sau kỳ điều hành vừa qua, các mặt hàng xăng đã xuống dưới 30.000 đồng/lít, tương đương mức giá vào thời điểm giữa tháng 3. Giá bán lẻ xăng dầu tăng cao gây tác động tiêu cực đến nền kinh tế do chi phí nguyên vật liệu, chi phí vận tải tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục