New Zealand tiếp tục hoãn mở cửa biên giới với Australia

Kế hoạch đi lại “nội khối” giữa New Zealand và Australia sẽ bị hoãn ít nhất vài tháng tới do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát ở bang Victoria của Australia.
New Zealand tiếp tục hoãn mở cửa biên giới với Australia ảnh 1Người dân xếp hàng chờ mua hàng hóa tại siêu thị ở Melbourne, Australia trước khi lệnh giới nghiêm do COVID-19 được ban bố. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 3/8, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern cho biết kế hoạch đi lại “nội khối” giữa New Zealand và Australia sẽ bị hoãn ít nhất vài tháng tới do tình hình dịch bệnh COVID-19 đang bùng phát ở bang Victoria của Australia.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Đại Dương, phát biểu với truyền thông New Zealand, Thủ tướng Ardern nói rõ kế hoạch trên chỉ có thể thực hiện khi Australia có 28 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới trong cộng đồng.

Chính phủ New Zealand trước đây đã từng đề cập khả năng cho phép đi lại giữa nước này với các bang và vùng lãnh thổ riêng biệt của Australia, nhưng với điều kiện các hạn chế đi lại giữa các bang của Australia được thực thi nghiêm ngặt.

[Australia siết chặt các quy định phòng chống COVID-19 tại Victoria]

New Zealand đã trải qua hơn 90 ngày không xuất hiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Cho đến nay đảo quốc Nam Thái Bình Dương với 5 triệu dân này ghi nhận tổng cộng hơn 1.200 ca mắc, và hiện chỉ còn 27 ca dương tính đều là các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài và đang ở trong các khu cách ly.

Còn tại Australia, Bộ trưởng Ngân khố nước này Josh Frydenberg, ngày 3/8, tuyên bố bang Victoria, địa phương có dân số đông thứ hai, hiện ở trong tình trạng căng thẳng do đại dịch COVID-19 và Australia sẽ tăng cường bổ sung hỗ trợ để giúp bang này nhanh chóng thoát khỏi nguy cơ lún sâu hơn vào một cuộc khủng hoảng kinh tế do dịch bệnh này.

Theo phóng viên TTXVN tại Sydney, cụ thể chương trình trợ cấp tiền lương cho người lao động 1.500 AUD (tương đương 1.080 USD) mỗi hai tuần, JopKeeper - đã được Chính phủ Australia triển khai từ tháng Tư, sẽ được mở rộng quy mô và thời gian áp dụng đến hết tháng Chín, bất kể các lệnh phong tỏa có thể được dỡ bỏ sớm hơn.

Ngoài ra, biện pháp duy trì trả lương cho nhân công bắt buộc phải nghỉ làm do đại dịch và một số biện pháp hỗ trợ đặc biệt khác dành riêng cho bang Victoria cũng sẽ được Australia xem xét tới.

New Zealand tiếp tục hoãn mở cửa biên giới với Australia ảnh 2Cảnh sát và binh sỹ tuần tra trên đường phố tại Melbourne, Australia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cùng ngày, Bộ trưởng Quan hệ Công nghiệp Australia Christian Porter cho biết đang tham khảo ý kiến với đại diện các công đoàn và nghiệp đoàn công nghiệp, các nhóm doanh nghiệp để tìm kiếm thêm giải pháp nhằm hỗ trợ tối đa cho bang Victoria.

Tình trạng dịch COVID-19 tại bang Victoria hiện vẫn rất phức tạp, chiếm phần lớn trong số các ca nhiễm mới ở Australia. Ngày 3/8, bang này ghi nhận con số 429 ca nhiễm mới virus SARS-CoV-2, giảm gần 200 ca so với một ngày trước đó, song nước này vẫn có 18.000 ca mắc COVID-19 với 208 ca tử vong.

Nhằm kiểm soát hơn nữa tình hình dịch bệnh, ngày 2/8, Thủ hiến bang Victoria Daniel Andrew đã chính thức ban hành lệnh phong tỏa cấp độ 4 (tình trạng thảm họa - cấp độ cao nhất trong thang 4 cấp độ của lệnh hạn chế quốc gia) áp dụng cho thành phố Melbourne, duy trì tới hết ngày 13/9.

Theo quy định tại cấp độ này, người dân sẽ không được phép đi xa khỏi nhà quá 5km; toàn bộ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu và trường học sẽ bị đóng cửa; lệnh giới nghiêm từ 20 giờ hôm trước đến 5 giờ sáng hôm sau cũng sẽ được áp dụng... Trong khi đó, các thành phố và khu vực khác của bang Victoria tiếp tục duy trì lệnh phong tỏa cấp độ 3.

Vào tháng trước, Bộ trưởng Ngân khố đã tiết lộ nền kinh tế Australia sẽ bị mất ít nhất 3 tỷ AUD (2,1 tỷ USD) trong quý 3/2020, do đại dịch gây ảnh hưởng, trong bối cảnh bang Victoria, nền kinh tế địa phương lớn thứ hai của Australia chiếm tới 1/4 GDP của cả nước, bị phong tỏa ở cấp độ 3 trong khoảng 6 tuần theo kế hoạch áp dụng từ đầu tháng Bảy.

Tuy nhiên, việc tăng cấp độ phong tỏa lên mức 4 tại thành phố Melbourne cũng như lệnh đóng cửa một số ngành công nghiệp trên địa bàn bang Victoria dự kiến sẽ là một đòn giáng mạnh vào nền kinh tế Australia và khiến thiệt hại kinh tế quốc gia sẽ còn lớn hơn nhiều so với dự báo của ông Frydenberg.

Đánh giá về tình hình chung, Giám đốc điều hành Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) Ross McEwan cho biết ảnh hưởng kinh tế do các lệnh phong tỏa tại bang Victoria sẽ vô cùng nghiêm trọng và tác động mạnh đến các gia đình, doanh nghiệp và nền kinh tế quốc gia, nhưng đó là điều cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng trong bối cảnh đại dịch.

Theo giới chuyên gia, việc không kiểm soát được dịch bệnh sẽ còn nguy hiểm hơn rất nhiều cho sức khỏe người dân và nền kinh tế. Nếu không nhanh chóng khống chế được dịch bệnh, về lâu dài, tổn hại đối với nền kinh tế bang Victoria và cả Australia sẽ còn lớn hơn gấp nhiều lần so với việc áp dụng lệnh phong tỏa trong ngắn hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục