Năm 2019: Tăng trưởng tín dụng 14%, nợ xấu dưới 2%

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc sớm xử lý tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước
Năm 2019: Tăng trưởng tín dụng 14%, nợ xấu dưới 2% ảnh 1Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng phát biểu tại hội nghị. (Ảnh: T.H/Vietnam+)

Tại hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2019, lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước và các ngân hàng thương mại đã kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ về việc sớm xử lý tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, vì đây là vấn đề đặt ra cần thiết trong giai đoạn này.

Đã mua ròng thêm 6 tỷ USD

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, trong năm 2018 Ngân hàng Nhà nước đã điều hành đồng bộ, linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, góp phần kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%. Đến cuối năm 2018, tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 12,5% so với năm 2017.

[Nhìn lại những sự kiện ngành ngân hàng đáng chú ý năm 2018]

Tỷ giá và thị trường ngoại tệ được điều hành thông suốt, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua được lượng lớn ngoại tệ để bổ sung vào kho dự trữ ngoại hối. Cụ thể năm qua Ngân hàng Nhà nước đã mua ròng trên 6 tỷ USD để tăng dự trữ ngoại hối, riêng hai ngày gần đây là 7 và 8/1 tiếp tục mua vào lượng ngoại tệ với số lượng lớn. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định. Tỷ giá trung tâm tăng 1,7-1,8%. Tỷ giá giao dịch liên ngân hàng tăng 2,16%. Thực tế, đồng tiền Việt Nam giữ ổn định trong khi các đồng tiền khác trên thế giới bị mất giá.

Về lãi suất, mặt bằng lãi suất được duy trì ổn định trong bối cảnh lãi suất thị trường quốc tế gia tăng.

Bên cạnh những thành tích rõ nét trên, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thừa nhận ngành ngân hàng còn nhiều tồn tại, yếu kém cần khắc phục triệt để trong năm 2019.

Đó là phải nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác thanh tra giám sát, đặc biệt là giám sát từ xa đảm bảo chất lượng hoạt động của toàn hệ thống và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng phải nỗ lực đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Vì Nghị quyết của Chính phủ giao cuối năm 2019, nợ nội bảng xuống 2%, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ bán cho Công ty quản lý nợ của các tổ chức tín dụng xuống dưới 5%. Đây là thách thức rất lớn.

Năm 2019, định hướng tín dụng tăng 14%. "Tăng trưởng tín dụng 14% có điều chỉnh linh hoạt theo tình hình vĩ mô, những tổ chức tín dụng nào áp dụng chuẩn Basel 2 thì sẽ được xem xét tăng trưởng cao hơn, ở đây tôi xin nói rõ như vậy," Thống đốc nói.

Bên cạnh đó, Thống đốc cũng cho biết, tổng phương tiện thanh toán tăng 13%; đảm bảo xử lý nợ xấu, đẩy mạnh xử lý theo cơ chế thị trường, kiểm soát nợ xấu phát sinh, đưa nợ xấu xuống dưới 2%; tăng cường công tác thanh toán không dùng tiền mặt, đảm bảo an toàn trong thanh toán, an ninh thanh toán.

Ngân hàng Nhà nước kiến nghị về việc sớm xử lý tăng vốn cho các ngân hàng thương mại Nhà nước, đây là vấn đề đặt ra cần thiết trong giai đoạn này; kiến nghị Bộ Tư pháp và các bộ ngành phối hợp xử lý các tồn tại trong xử lý nợ xấu.

Năm 2019: Tăng trưởng tín dụng 14%, nợ xấu dưới 2% ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tập trung tăng vốn điều lệ

Tại Hội nghị, ông Trịnh Ngọc Khánh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng Agribank Trịnh Ngọc Khánh đã chia sẻ hoạt động của ngân hàng. Năm 2018, Agribank tăng trưởng tổng tài sản lên tới 1,2 triệu tỷ đồng.

Tuy nhiên, Chủ tịch Agribank cũng thẳng thắn ngân hàng vẫn còn những vụ án bị xử lý, vẫn còn hiện tượng đồn ồ ạt rút tiền vì tin đồn ngân hàng phá sản; hiện Agribank đã trích lập dự phòng rủi ro hơn 20.000 tỷ đồng hoàn toàn đủ để mua lại nợ xấu. "Chúng tôi cũng đã tuyên chiến với tín dụng đen, Agribank đẩy mạnh cho vay tổ nhóm, xem xét mở rộng thấu chi," ông Khánh nhấn mạnh.

Còn Chủ tịch Hội đồng quản trị Vietcombank, ông Nghiêm Xuân Thành cũng chia sẻ, hiệu quả kinh doanh của ngân hàng cũng đạt rất tốt khi năm 2018 đã đạt được lợi nhuận kỷ lục là hơn 18.000 tỷ đồng, tăng 63% so với 2017. Lợi nhuận đạt cao trong bối cảnh tín dụng của ngân hàng tăng không hết "room" Ngân hàng Nhà nước giao, song nhờ chiến lược sử dụng vốn tốt - hiện Vietcombank có giá đầu vào thấp nhất thị trường.

"Lợi nhuận cao cũng nhờ việc giảm chi phí dự phòng rủi ro do kiểm soát tốt về chất lượng nợ xấu. Mức dự phòng bao nợ xấu của Vietcombank lên đến 190%. Ngoài ra, ngân hàng cũng chuyển sang các nguồn phi tín dụng, đạt hơn 30% trong tổng doanh thu năm qua, khi lợi nhuận không còn phụ thuộc lớn vào tín dụng truyền thống," ông Thành cho biết.

Kiến nghị với Chính phủ về chính sách thời gian tới, Chủ tịch Vietcombank đề nghị được giữ lại cổ tức để trả bằng cổ phiếu nhằm tăng vốn để đảm bảo hệ số CAR; cho phép các ngân hàng thương mại Nhà nước được tăng vốn từ nguồn quỹ hỗ trợ doanh nghiệp; nới tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài, trong khi vẫn kiên định với tỷ lệ nắm giữ tối thiểu ở mức 65% đối với Nhà nước. Do Vietcombank còn room để phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài nên tiếp tục được phát hành cho nhà đầu tư.

Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Lê Đức Thọ cũng đề xuất mong ngân hàng sớm được tăng vốn điều lệ trong thời điểm này vì đây là vấn đề đặc biệt cấp bách.

"Sắp tới nhu cầu vốn tăng mạnh, nếu không được tăng vốn sẽ ảnh hưởng đến nhiều vấn đề," ông Thọ kiến nghị.

Cũng tại hội nghị, các đại biểu trong nước và quốc tế đã tiếp tục đánh giá cao hoạt động ngành ngân hàng trong năm qua, đặc biệt với việc nâng cao uy tín ngành và xử lý hàng loạt vấn đề thách thức./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục