Theo Báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài đăng ký mới từ đầu năm đến thời điểm 20/10 đạt gần 10 tỷ USD, giảm 23,9% về số vốn so với cùng kỳ năm 2013.
Bên cạnh đó, 469 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đã đăng ký cấp vốn bổ sung đạt 3,7 tỷ USD, nâng tổng vốn đăng ký của các dự đạt 13,7 tỷ USD, song vẫn giảm 28,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong mười tháng qua, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút các nhà đầu tư nước ngoài mạnh nhất với số vốn đăng ký đạt 9,7 tỷ USD, chiếm 70,8% tổng vốn đăng ký. Đứng thứ hai là ngành kinh doanh bất động sản đạt 1,2 tỷ triệu USD, chiếm 8,9%, kế theo là ngành xây dựng đạt 1 tỷ USD, chiếm 7,5% và các ngành còn lại đạt 1,7 tỷ USD, chiếm 12,8%.
Đáng chú ý là vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giải ngân trong mười tháng năm nay ước đạt 10,2 tỷ USD, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước.
Tính theo địa phương, cả nước có 47 tỉnh, thành phố có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép mới. Trong mười tháng, Thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với số vốn đăng ký đạt gần 2,7 tỷ USD, chiếm 26,7% tổng vốn đăng ký cấp mới; tiếp đến là Bắc Ninh gần 1,3 tỷ USD, chiếm 12,9% và Hải Phòng đứng thứ ba với 786,3 triệu USD, chiếm 7,9%.
Theo Báo cáo, trong số 55 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư cấp mới tại Việt Nam mười tháng qua, Hàn Quốc vẫn là nhà đầu tư lớn nhất với 2,6 tỷ USD, chiếm 26,3% tổng vốn đăng ký cấp mới. Vị trí thứ hai là Singapore với gần 2,2 tỷ USD, chiếm 22%; tiếp đến là Đặc khu Hành chính Hong Kong với gần 1,5 tỷ USD, chiếm 14,9% và Nhật Bản là 1 tỷ USD, chiếm 10,1%./.