Bộ Công Thương hoàn thiện chính sách phát triển hạ tầng thương mại

Ngành công thương hoàn thiện chính sách phát triển hạ tầng thương mại

Chiến lược Phát triển thương mại trong nước đặt mục tiêu đến năm 2030, tổng mức lưu chuyển hàng hóa qua các cơ sở bán lẻ hiện đại chiếm từ 38-42% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng.
Ngành công thương hoàn thiện chính sách phát triển hạ tầng thương mại ảnh 1Người dân mua sắm tại siêu thị Hapro Khâm Thiên, Hà Nội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Phát triển hạ tầng thương mại là một trong những giải pháp quan trọng đang được củng cố và dần chuyển biến phù hợp với sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên, thời gian qua với nhiều lý do khách quan lẫn chủ quan nên vẫn chưa đáp ứng nhu cầu thực tế.

Nhằm phát triển các loại hình hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại, thúc đẩy lưu thông hàng hóa, phát triển kinh tế-xã hội theo định hướng của Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045,” Bộ Công Thương đã xây dựng Dự thảo Thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại và nhận được sự quan tâm rất lớn của dư luận.

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy giai đoạn 2010-2021, số lượng siêu thị, trung tâm thương mại tăng nhanh, từ 567 siêu thị, 95 trung tâm thương mại (năm 2010) lên 1.167 siêu thị và 254 trung tâm thương mại (năm 2021).

Trong số đó, số lượng cửa hàng tiện lợi của các chuỗi những năm gần đây tăng lên nhanh chóng. Tính đến nay, số lượng siêu thị đã tăng 89% so với năm 2005, góp phần thúc đẩy lưu thông hàng hóa, theo hướng văn minh hiện đại.

[Bộ Công Thương đề xuất phân loại siêu thị, trung tâm thương mại]

Điều này cho thấy sự phát triển của các trung tâm thương mại, hệ thống chợ truyền thống đã được quy hoạch lại, nâng cấp, cải tạo và xây dựng mới, nhất là các chợ nông thôn. Cùng với đó, hệ thống thương mại truyền thống liên tục được thay áo mới và chuyển đổi sang hình thức kinh doanh văn minh, hiện đại hơn.

Đáng lưu ý, hệ thống cửa hàng tiện lợi đã và đang phát triển mạnh ở Việt Nam dưới dạng một mô hình kinh doanh bán lẻ có quy mô vừa và nhỏ. Đây được xem là phiên bản nâng cấp của mô hình kinh doanh quán tạp hóa nhưng có ưu điểm về bố trí khoa học, tiết kiệm thời gian, không gian và chất lượng dịch vụ tốt hơn.

Tuy nhiên, các chuyên gia cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, mặc dù hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi... tăng nhanh về số lượng nhưng thiếu đồng bộ và tập trung chủ yếu ở khu vực đô thị; khung khổ pháp lý đã không còn theo kịp sự phát triển.

Là những chợ truyền thống được xây mới đã lâu nhưng đến nay Trung tâm thương mại chợ Mơ, chợ hàng Da vẫn hoạt động thưa thớt, nhiều kiốt vẫn bỏ ngỏ khác hẳn sự sôi động của khu chợ truyền thống trước đây.

Chị Phan Thanh Hằng, tiểu thương kinh doanh tại tầng hầm Trung tâm thương mại chợ Mơ, chia sẻ tuy đã xây dựng nhiều năm với đầy đủ trang thiết bị, bảo đảm vệ sinh môi trường và chính sách khuyến khích tiểu thương nhưng hoạt động kinh doanh vẫn đìu hiu.

Sở dĩ vậy bởi tâm lý người tiêu dùng Việt thường ưu tiên sự tiện lợi như ngồi trên xe máy vẫn có thể mua sắm như tại chợ cóc hay chợ truyền thống. Do đó, ngay từ khi có ý định xây dựng chợ, nhiều tiểu thương đã tìm địa điểm mới để bán hàng.

Ông Vũ Vinh Phú - chuyên gia bán lẻ cho rằng hiện nay, chỉ có duy nhất Quyết định số 1371/QĐ-BTM ngày 24/9 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Thương mại (nay là Bộ Công Thương) về việc ban hành Quy chế siêu thị, trung tâm thương mại là văn bản quản lý về hạ tầng thương mại. Thế nhưng, sau 18 năm đã có nhiều điểm lỗi thời và không tích hợp, nhất là các quy định về cửa hàng tiện lợi vốn mới chỉ phát triển mạnh trong khoảng 5 năm gần đây.

Việc chưa có một văn bản pháp quy liên quan đến quản lý loại hình phân phối này khiến cho Việt Nam chưa có được khái niệm, quy chuẩn rõ ràng, chưa có chiến lược để thu hút phát triển loại hình cửa hàng tiện lợi như ở các nước trên thế giới.

Thậm chí, số lượng cửa hàng tiện lợi trên toàn quốc hiện nay vẫn còn chưa được cơ quan quản lý nắm được. Nhiều người tiêu dùng, doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý, địa phương còn có sự nhầm lẫn chưa phân định rõ ràng giữa siêu thị mini và cửa hàng tiện lợi…

Tất cả những yếu tố trên đã khiến cho các cửa hàng tiện lợi ở Việt Nam dù đã phát triển mạnh về số lượng, song việc hình thành phát triển các chuỗi cửa hàng tiện lợi có thương hiệu như ở một số quốc gia chưa thực hiện được.

Đại diện phía doanh nghiệp, bà Vũ Thị Hậu - Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam, cho rằng trong bối cảnh nhu cầu phát triển hạ tầng thương mại văn minh, hiện đại ngày càng phát triển, Bộ Công Thương cần xây dựng một văn bản quy định về vấn đề này và tổ chức lấy ý kiến nhiều bên nhằm tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp vào đầu tư.

Quyết định số 1163/QĐ-TTg ngày 13 tháng 7 năm 2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược “Phát triển thương mại trong nước giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đã đặt ra mục tiêu đến năm 2030, tổng mức lưu chuyển hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trao đổi qua các cơ sở bán lẻ hiện đại chiếm khoảng từ 38- 42% tổng mức bán lẻ và doanh thu dịch vụ tiêu dùng của nền kinh tế, thay cho mức khoảng 25% hiện nay.

Vì vậy, việc phát triển các loại hình hạ tầng thương mại trong thời gian tới được dự báo sẽ bùng nổ nhờ “lực đẩy” từ Chiến lược phát triển thương mại này. Các văn bản pháp quy, do đó cũng cần thiết phải theo kịp sự phát triển chung của thị trường.

Mới đây, thành phố Hà Nội đã đưa ra mục tiêu phấn đấu phát triển 3 trung tâm thương mại, 10 siêu thị, 100 cửa hàng tiện lợi, góp phần đưa thương mại trở thành ngành có giá trị gia tăng lớn, chất lượng cao trong lĩnh vực dịch vụ của Thủ đô.

Thành phố sẽ đẩy mạnh việc thu hút đầu tư các loại hình thương mại gồm chợ, siêu thị, trung tâm thương mại bảo đảm phù hợp với quy hoạch. Đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án xây dựng mới, xây dựng lại, cải tạo chợ, trung tâm thương mại, siêu thị trên địa bàn.

Bà Lê Việt Nga - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương rà soát, triển khai phát triển hạ tầng thương mại theo các quy hoạch, kế hoạch, chiến lược; trong đó chú trọng tới các hạ tầng chợ (chợ đầu mối); trung tâm logistics.

Mặt khác, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan tới phát triển hạ tầng thương mại khi các cơ chế, chính sách hiện nay chưa có tính đột phá để hỗ trợ cho phát triển hạ tầng thương mại nói chung, nhất là các loại hình cần tập trung phát triển trong thời gian tới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục