Ngành y tế TP. HCM “cất cánh”: Khi bệnh viện thay da đổi thịt

Sau ba năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã thực sự trở thành “chốt chặn” cửa ngõ phía Tây khi đa số người dân từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ đều lựa chọn bệnh viện này khám chữa bệnh.
Ngành y tế TP. HCM “cất cánh”: Khi bệnh viện thay da đổi thịt ảnh 1Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn. (Ảnh: benhviendakhoasaigon.vn)

Một trong những điểm nhấn của ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh trong những năm gần đây là sự “thay da đổi thịt” cơ sở hạ tầng cũng như phong cách phục vụ người bệnh.

Coi người bệnh là khách hàng, là “nguồn sống” chính là chìa khóa để các bệnh viện “chuyển mình," góp phần làm thay đổi bộ mặt ngành y tế.

Xây mới, nâng cấp nhiều công trình y tế

Trong giai đoạn 2015-2020, Thành phố Hồ Chí Minh có 96 dự án xây mới, cải tạo, mua sắm trang thiết bị, trong đó, 54 dự án đã hoàn thành, 42 dự án đang thi công.

Nhiều bệnh viện và các trung tâm y tế với cơ sở hạ tầng mới, khang trang đã đi vào hoạt động như Dự án xây dựng Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, nhiều công trình bệnh viện mới được khởi công như Bệnh viện Truyền máu Huyết học, Trung tâm Xét nghiệm Y khoa (thuộc Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch)…

Đáng chú ý nhất là công trình Bệnh viện Nhi đồng Thành phố theo tiêu chuẩn quốc tế như một “luồng gió mới” của ngành y tế Thành phố kể từ năm 1975 đến nay. Công trình này được đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, cơ sở vật chất khang trang như “khách sạn năm sao” khiến nhiều người trầm trồ.

Lần đầu tiên đưa con đến khám bệnh tại Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, anh Nguyễn Trường Giang (33 tuổi, trú tại huyện Cần Giuộc, Long An) ngỡ mình đi lạc vào một khách sạn cao cấp.

Anh chia sẻ: “Lần đầu tiên tôi thấy một bệnh viện đẹp như vậy, có khu vui chơi cho trẻ em, có đàn piano cùng tiếng nhạc du dương, cung cách phục vụ của nhân viên y tế cũng vô cùng đặc biệt. Con tôi đến đây khám bệnh xong không muốn về."

Sau ba năm đi vào hoạt động, Bệnh viện Nhi đồng Thành phố đã thực sự trở thành “chốt chặn” cửa ngõ phía Tây khi đa số người dân từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ đều lựa chọn bệnh viện này để khám chữa bệnh. Trong tháng Tám vừa qua, với việc thực hiện thành công ca đại phẫu thuật tách rời cặp song sinh dính liền phức tạp Trúc Nhi-Diệu Nhi đã một lần nữa khẳng định “đẳng cấp” của một bệnh viện dù non trẻ nhưng hứa hẹn sẽ trở thành một trong ba trụ cột tuyến cuối chuyên khoa nhi của Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và khu vực phía Nam nói chung.

Ngành y tế TP. HCM “cất cánh”: Khi bệnh viện thay da đổi thịt ảnh 2Cặp song sinh Trúc Nhi-Diệu Nhi chụp ảnh với các y bác sỹ trong ngày xuất viện. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Bệnh viện Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh cơ sở 2 chính thức đưa vào hoạt động vào ngày 2/10 vừa qua cũng là một “dấu son” của ngành y tế Thành phố. Với quy mô 1.000 giường bệnh và các trang thiết bị hiện đại, cơ sở 2 Bệnh viện Ung bướu được kỳ vọng sẽ “xóa sổ” tình trạng “3-4 người bệnh cùng chen chúc trên một giường bệnh” tồn tại triền miên nhiều năm qua tại bệnh viện chuyên khoa ung bướu tuyến cuối thành phố này.

Xã hội hóa, tự chủ bệnh viện làm thay đổi bộ mặt ngành y tế

Sự tham gia của các đơn vị tư nhân đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cấp cơ sở, đầu tư trang thiết bị y tế tại các bệnh viện công lập khi mà ngân sách Thành phố chưa đáp ứng yêu cầu phát triển chuyên môn kỹ thuật cho các bệnh viện.

Cụ thể, chỉ trong năm 2019, Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp thuận hình thức đầu tư đối tác công-tư đối với tám dự án y tế với tổng vốn đầu tư tư nhân vào các dự án này lên tới 26.000 tỷ đồng.

Có thể kể đến như Dự án xây dựng Khu dịch vụ số 1 - Bệnh viện Nhi Đồng 1 quy mô 800 tỷ đồng, được ký kết với Ngân hàng Vietcombank; Công ty Đầu tư tài chính nhà nước Thành phố Hồ Chí Minh (HFIC) và Công ty Cổ phần Đầu tư Tư vấn Dịch vụ y tế Y Đạo xây dựng Khu khám và điều trị kỹ thuật cao trong khuôn viên Bệnh viện quận 2 với tổng mức đầu tư 320 tỷ đồng... Hay Dự án xây dựng Trung tâm Y tế quận 7 có quy mô vốn đầu tư 99 tỷ đồng hợp tác với Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng An Gia Hưng.

[TP.HCM hợp tác với Mỹ, nỗ lực trở thành trung tâm y tế khu vực]

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh còn có 10 dự án y tế khác đang được xúc tiến theo hình thức đầu tư này. Trong đó, một số dự án đã chọn được đối tác đầu tư như Dự án Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn, Bệnh viện quận 5, Khu điều trị 2 của Bệnh viện Nguyễn Tri Phương… Những sự hợp tác công-tư này hứa hẹn sẽ có hàng loạt công trình mới, hiện đại, khang trang đưa vào phục vụ người dân trong thời gian tới.

Cũng theo chủ trương xã hội hóa y tế, năm 2017, Ủy ban Nhân dân quận 3 đã thí điểm kết hợp với Công ty cổ phần Y tế Việt Anh đầu tư nâng cấp Trạm Y tế phường 11 thành một phòng khám được trang bị đầy đủ các thiết bị y tế gồm các máy móc sinh hóa, huyết học, vi sinh, sinh học phân tử; xét nghiệm viêm gan B, viêm gan C...

Sau Trạm Y tế phường 11, một số trạm y tế trên địa bàn đã được khoác lên “tấm áo mới” với sự đầu tư của doanh nghiệp này. Đến nay dù chưa mang lại hiệu quả như kỳ vọng, song sự hợp tác công-tư này đã mang lại bộ mặt mới cho các trạm y tế tại khu vực trung tâm Thành phố vốn “ảm đạm” từ nhiều năm qua.

Cùng với xã hội hóa y tế, chủ trương tự chủ bệnh viện được xem là “đòn bẩy” giúp các bệnh viện thay đổi bộ mặt của mình. Tính đến tháng 9/2020, Thành phố đã có 45/55 bệnh viện công lập thực hiện tự chủ toàn phần về chi thường xuyên, tiết kiệm trên 1.150 tỷ đồng cho ngân sách.

Ngành y tế TP. HCM “cất cánh”: Khi bệnh viện thay da đổi thịt ảnh 3Các bác sỹ khoa Hồi sức Tim mạch - Bệnh viện quận Thủ Đức vừa cứu sống bệnh nhân tim đột ngột ngừng đập. (Ảnh: benhvienthuduc.vn)

Với mô hình tự chủ, các bệnh viện có điều kiện tuyển được nhân lực chất lượng cao, đầu tư cơ sở vật chất và trang thiết bị, mở rộng và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ do đó thu nhập cán bộ, viên chức được tăng thêm, có điều kiện hợp tác, liên doanh, liên kết với cơ sở y tế tư nhân, vay vốn đầu tư xây dựng cơ sở mới để chuyển lên mô hình tự chủ tài chính tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư.

Từ chủ trương này, nhiều bệnh viện tại Thành phố Hồ Chí Minh đã vươn lên mạnh mẽ. Đơn cử như trường hợp của Bệnh viện Răng Hàm Mặt Thành phố Hồ Chí Minh, nhờ tự chủ tài chính, đơn vị này đã chủ động đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh của người dân. Từ đó, bệnh viện ngày càng thu hút nhiều người bệnh hơn và mức thu nhập của nhân viên y tế vì thế cũng tăng theo.

Một đơn vị tiên phong khác trong việc thực hiện tự chủ tài chính và không ngừng phát triển một cách mạnh mẽ là Bệnh viện quận Thủ Đức. Với sự kêu gọi đầu tư từ nguồn lực bên ngoài, Bệnh viện đã thành công thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên sâu, thu hút người bệnh. Đây cũng là bệnh viện tuyến quận, huyện đầu tiên trong cả nước thực hiện phẫu thuật tim với kỹ thuật khó. Đơn vị này đang đăng ký trở thành đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư theo định hướng mô hình doanh nghiệp.

Sau khi thực hiện tự chủ tài chính, các bệnh viện đã từng bước nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là khối bệnh viện quận, huyện. Số lượng bệnh nhân tìm đến bệnh viện tuyến quận, huyện ngày càng tăng cao. Cụ thể, Bệnh viện quận Thủ Đức trên 5.000 lượt bệnh nhân khám/ngày, các Bệnh viện quận Tân Phú, Bình Thạnh, Bình Tân, quận 2, quận 11 có từ 2.000-3.000 lượt bệnh nhân khám/ngày.

Tự chủ tài chính bệnh viện chính là "chìa khóa" để các bệnh viện cùng phát triển và cạnh tranh một cách công bằng. Để giữ chân người bệnh, các bệnh viện chỉ còn cách làm hài lòng họ, chính sách tự chủ khiến cho người bệnh ngày càng được các bệnh viện “chăm sóc” chu đáo hơn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục