Ngôi làng Shirahama hồi sinh giữa vùng thảm họa

Ngôi làng Shirahama là nơi định cư mới của ngư dân thị trấn Kitakami, những người mất hết nhà cửa sau thảm họa kép ngày 11/3/2011.
Nằm trên một quả đồi nhỏ ở thành phố Ishimomaki thuộc tỉnh Miyagi, gần tâm chấn của trận động đất kinh hoàng ngày 11/3/2011 ở Nhật Bản, là một ngôi làng nhỏ mang tên Shirahama. Từ dưới chân đồi, người ta có thể thấy thấp thoáng phía sau những rặng cây khô héo là những căn nhà kiên cố được làm bằng gỗ, mang phong cách truyền thống của Nhật Bản. Các ngôi nhà này có cửa sổ nhìn ra phía bờ biển Thái Bình Dương và chỉ cách cảng Ozashi vài km. Trong một khung cảnh nên thơ như vậy, ít ai ngờ rằng đây chính là nơi định cư mới của các ngư dân của thị trấn Kitakami, những người đã bị mất hết nhà cửa sau thảm họa động đất và sóng thần ngày 11/3 năm ngoái. Kitakami là thị trấn có truyền thống nuôi trồng và đánh bắt thủy sản, với 13 bãi biển đẹp, và chỉ cách trung tâm thành phố Ishinoma khoảng 30 phút đi bằng ôtô. Làng Shirahama nằm ở gần một bãi biển như vậy. Trước thảm họa 11/3, làng có 38 hộ dân, với khoảng 120 đầu người, trong đó phần lớn đều làm việc cho một hợp tác xã thủy sản. Thảm họa kép năm ngoái đã tàn phá tất cả các ngôi nhà ở làng này, cướp đi sinh mạng của 6 người thuộc 3 hộ gia đình và phá hủy 10 chiếc tàu đánh cá. Rất may là 20 tàu khác của các ngư dân ở đây đã được đưa đi tránh sóng thần kịp thời. Ngay sau thảm họa, các ngư dân ở đây đã tập trung về Shirahama để giúp đỡ nhau và cùng nhau tiếp tục bám biển. Và bây giờ, trong lúc vẫn còn nhiều nạn nhân khác của thảm họa vẫn phải sống trong các ngôi nhà tạm cũng như các trung tâm sơ tán, cuộc sống của các ngư dân này đang dần ổn định nhờ vào dự án K-Engine của Trường Đại học Kogakuin. Dự án này được hình thành vào tháng 4/2011, chỉ một tháng sau thảm họa kép năm ngoái, theo sáng kiến của giáo sư Osamu Goto thuộc Khoa Thiết kế Kiến trúc của Trường Đại học Kogakuin. Dẫn phóng viên Vietnam+ tới thăm ngôi làng mới, ông Sekiya Shinichi, người được giáo sư Goto chọn để thiết kế các ngôi nhà ở Shirahama, cho biết mục tiêu của dự án là xây dựng các ngôi nhà để tái định cư các nạn nhân của thảm họa 11/3 mà không sử dụng nguồn vốn hỗ trợ của Chính phủ Nhật Bản. Và không giống như nhiều dự án nhà tạm được hình thành sau thảm họa kép năm ngoái, các ngôi nhà trong dự án này được xây dựng một cách kiên cố để giúp những nạn nhân của thảm họa có thể sớm ổn định cuộc sống. Giáo sư Goto đã từng là một nhà nghiên cứu về di sản văn hóa thuộc Cơ quan về các vấn đề văn hóa và là một chuyên gia về bảo tồn và sữa chữa các di tích lịch sử ở Nhật Bản. Trên cơ sở ý tưởng của giáo sư Goto, Đại học Kogakuin đã thuê của công ty Kumagai Master Thatchers Co. Ltd. (KMTCL) một mảnh đất rộng gần 5.000m2 nằm trên quả đồi ở thị trấn Kitakami để xây dựng “một ngôi làng tuyệt đẹp ở vùng Tohoku,” chỉ cách nơi làm việc của các ngư dân làng Shirahama khoảng 5 phút đi ôtô. Bên cạnh đó, Đại học Kogakuin đã nỗ lực tìm kiếm sự hợp tác của các công ty tư nhân ở thành phố Ishinomaki, trong đó công ty Kumagai Master Thatchers Co. Ltd. của ông Akio Kumagai. Ông Kumagai, Giám đốc KMTCL, là một người bạn lâu năm của giáo sư Goto. Ông đã từng tham gia vào việc phục hồi các báu vật quốc gia và di sản văn hóa ở làng Shirahama. Sau trận động đất kinh hoàng năm ngoái, nhà của ông Kumagai cũng bị tàn phá bởi thảm họa nên ông và Giáo sư Goto đã quyết định cùng nhau tái thiết lại Shirahama. Trò chuyện với chúng tôi, ông Kumagai nói: “Khi giáo sư Goto đưa ra ý tưởng về việc xây dựng các ngôi nhà kiên cố cho những nạn nhân của thảm họa, tôi đã ngay lập tức hưởng ứng và tham gia vào dự án này. Nhiều doanh nghiệp đang muốn kiếm tiền từ các dự án xây dựng nhà tạm như cung cấp nguyên vật liệu. Chi phí xây dựng một căn nhà tạm lên tới 5 triệu yen nhưng những ngôi nhà này giống như trung tâm sơ tán, chứ không phải là nhà tạm. Tôi muốn họ dừng ngay điều đó lại.” Vào tháng 6 năm ngoái, nhân dịp kỷ niệm 125 năm ngày thành lập Đại học Kogakuin, các bên tham gia đã khởi công xây dựng những ngôi nhà đầu tiên sử dụng các kỹ thuật xây nhà truyền thống của Nhật Bản. Các ngôi nhà này đều được làm bằng gỗ xẻ, chủ yếu khai thác ở trong nước. Tham gia vào việc xây dựng là các thợ mộc địa phương. Các sinh viên của giáo sư Goto cũng tham gia vào dự án này thông qua việc thu thập và rửa sạch các cột gỗ có thể tái sử dụng và các viên đá Ogatsu, một loại đá tự nhiên thường được sử dụng lợp mái, từ các đống đổ nát. Theo ông Shinichi, trong khi các ngôi nhà tạm được xây dựng với kinh phí khoảng 5 triệu yen/căn và phải dỡ bỏ sau hai năm sử dụng, các ngôi nhà thuộc dự án K-Engine được xây dựng một cách kiên cố và có thể sử dụng trong thời gian dài, với kinh phí vỏn vẹn 9 triệu/căn.
Ngôi làng Shirahama hồi sinh giữa vùng thảm họa ảnh 1
Ngôi làng Shirahama. (Ảnh: Thanh Tùng/Vietnam+)
Tám tháng sau trận động đất kinh hoàng đó, vào tháng 11 năm ngoái, bốn ngôi nhà đầu tiên đã được hoàn thành và những ngư dân đầu tiên của làng Shirahama đã dọn vào sống ở đây. Đến cuối tháng 2/2012, có tổng cộng 10 ngôi nhà đã được dựng lên trên quả đồi thơ mộng đó, trong đó bảy nhà hai tầng có tổng diện tích sàn khoảng 63m2 và ba nhà một tầng có diện tích sàn 43m2. Hiện nay, một nhà 2 tầng có tổng diện tích 102m2 đang được xây dựng ở ngay đầu làng dành cho người già và trẻ mồ côi. Ông Shinichi cho biết các ngôi nhà mới đạt tiêu chuẩn cao hơn về khả năng chống động đất. Hàng tháng, mỗi hộ gia đình sống ở đây phải trả phí quản lý và duy tu nhà cho một tổ chức được Đại học Kogakuin ủy quyền, với số tiền khoảng 20.000 yen/tháng cho nhà một tầng và 27.000 yen/tháng cho nhà hai tầng, chỉ bằng khoảng 1/10 so với chi phí thuê một căn hộ có cùng diện tích ở trung tâm thủ đô Tokyo. Trong số những người may mắn được chuyển đến sống ở làng Shirahama có gia đình ông Katsuya Sasaki. Tiếp chúng tôi trong ngôi nhà vẫn còn thơm mùi gỗ mới, ông Sasaki kể khi trận động đất kinh hoàng đó xảy ra, các cảnh báo về sóng thần liên tiếp được đưa ra. Ông và các ngư dân khác đã đưa thuyền đi tránh sóng thần. Sau đó một ngày, ông quay trở về nhà. Thật may mắn là vợ ông, bà Sawako Sasaki, và mẹ vợ đã thoát chết trước các đợt sóng thần hung dữ đó. Tuy nhiên, ngôi nhà của ông đã bị sập hoàn toàn. Sau khi phải đi sơ tán ở nhiều nơi, cuối cùng, ông đã quyết định chuyển gia đình tới nhà người chị gái để ở tạm. Sau khi nhận được thông tin về dự án của Giáo sư Goto, ông Sasaki đã quyết định nộp đơn đăng ký một căn hộ ở đây. “Tôi đã dọn vào sống ở đây từ đầu tháng 2/2012. Cuộc sống ở đây rất thoải mái. Chúng tôi không phải lo lắng gì về sóng thần vì ngôi nhà này nằm cách mặt nước biển tới 40m”, ông Sasaki tâm sự. “Ngôi nhà này lại nằm rất gần cảng, nơi tôi đang neo đậu con tàu chuyên đánh bắt thủy sản của mình”. Tuy nhiên, không phải nạn nhân nào của thảm họa năm ngoái cũng may mắn như gia đình ông Sasaki. Theo thống kê của Văn phòng Nội các Nhật Bản, cho đến ngày 9/2/2012, vẫn còn 16.901 người khác đang sống ở trong nhà của bạn bè hoặc người thân, 584 người phải sống trong các trung tâm sơ tán, 97 người ở các khách sạn hoặc nhà nghỉ và 324.927 người khác đang sống trong các nhà tạm, nhà ở công cộng hoặc bệnh viện. Ngay tại thị trấn Kitakami, theo ông Shinichi, ngoài gia đình của ông Sasaki, có rất nhiều gia đình khác đang nộp đơn xin vào sống ở làng Shirahama. Họ nộp đơn cho một tổ chức phi lợi nhuận do Đại học Kogakuin ủy quyền. Tổ chức này sẽ xem xét các đơn này “một cách công bằng”, ông Shinichi khẳng định. Rời “ngôi làng tuyệt đẹp ở vùng Tohoku,” tôi thầm mong rằng sẽ có thêm nhiều dự án như K-Engine để giúp các nạn nhân của thảm họa năm ngoái ở Nhật Bản sớm ổn định cuộc sống./.
Thanh Tùng/Tokyo (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục