Người thắng và kẻ thua trong sự kiện 'công chúa Huawei' Mạnh Vãn Châu

Sau khi Mạnh Vãn Châu lên máy bay về nước, hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ là Michael Kovrig và Michael Spavor cũng lên máy bay rời Trung Quốc trở về Canada.
Người thắng và kẻ thua trong sự kiện 'công chúa Huawei' Mạnh Vãn Châu ảnh 1Giám đốc Tài chính của Tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei, bà Mạnh Vãn Châu, tới Tòa án tối cao Columbia ở Vancouver, Canada ngày 27/10/2020. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Liên hợp buổi sáng ngày 27/9, Mạnh Vãn Châu - Giám đốc tài chính của Huawei - đã trở về Thâm Quyến vào tối 25/9 với dáng vẻ chiến thắng, nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người dân Trung Quốc, đánh dấu “sự kiện Mạnh Vãn Châu” kéo dài gần 3 năm về cơ bản đã kết thúc.

Tháng 12/2018, Mạnh Vãn Châu bị cảnh sát Canada bắt giữ khi đang quá cảnh ở Canada.

Phía Canada giải thích Mạnh Vãn Châu đã vi phạm luật pháp Mỹ và Canada bắt giữ Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu của Mỹ trên cơ sở thỏa thuận dẫn độ Mỹ-Canada, đây là vấn đề pháp lý không liên quan đến chính trị. Sau đó, Mỹ yêu cầu dẫn độ Mạnh Vãn Châu về Mỹ để xét xử với tội danh "lừa gạt."

Trong khi đó, phía Trung Quốc nhấn mạnh việc Canada và Mỹ bắt giữ và dẫn độ Mạnh Vãn Châu là một sự kiện bức hại chính trị nhằm vào công dân Trung Quốc, mục đích là trấn áp doanh nghiệp công nghệ cao của Trung Quốc. Trung Quốc yêu cầu Mỹ và Cannada phải trả tự do vô điều kiện cho Mạnh Vãn Châu.

[CFO Huawei được chào đón như người hùng khi trở về Trung Quốc]

Trải qua quá trình đọ sức tư pháp, ngoại giao gần 1.000 ngày, cuối cùng Mạnh Vãn Châu đã trở về bình an.

Về hình thức, Mạnh Vãn Châu được trả tự do thông qua kênh tư pháp của Mỹ, Canada.

Tuy nhiên, trên thực tế, sự kiện Mạnh Vãn Châu được giải quyết là kết quả của cuộc đọ sức chính trị giữa ba nước Mỹ-Canada-Trung Quốc.

Sau khi Mạnh Vãn Châu bị bắt không lâu, Tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump đã công khai liên kết sự kiện Mạnh Vãn Châu và thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, đồng thời tuyên bố nếu cần thiết ông sẽ can thiệp vào vụ án.

Tháng Bảy năm nay, Trung Quốc đã đưa ra hai bản danh sách trong cuộc hội đàm Trung-Mỹ ở Thiên Tân, trong đó bao gồm việc hủy bỏ dẫn độ đối với Mạnh Vãn Châu.

Khi Mạnh Vãn Châu bị bắt giam 1.000 ngày, Đại sứ Trung Quốc tại Canada Tùng Bồi Vũ đã liên lạc với Mạnh Vãn Châu và nhấn mạnh Trung Quốc đang hối thúc Canada sớm đưa ra quyết định chính xác trả tự do và đề nghị Mạnh Vãn Châu “vững tin."

Có thể cho đằng sau việc Tùng Bồi Vũ đề nghị Mạnh Vãn Châu “vững tin” là cuộc đàm phán chính trị giữa Mỹ, Canada và Trung Quốc về Mạnh Vãn Châu đã gần đạt được thỏa thuận.

Ngày 24/9, Mạnh Vãn Châu đã thừa nhận “tuyên bố sự thật” có liên quan trước tòa án New York thông qua một phiên điều trần trực tuyến, và được phía Canada trả tự do vài tiếng sau đó, đồng thời trở về Trung Quốc trên một chuyến bay thuê bao của công ty hàng không quốc tế Trung Quốc đến Canada hai ngày trước.

Sau khi Mạnh Vãn Châu lên máy bay về nước, hai công dân Canada bị Trung Quốc bắt giữ là Michael Kovrig và Michael Spavor cũng lên máy bay rời Trung Quốc trở về Canada.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau đích thân đến sân bay đón hai công dân của mình.

Những sắp xếp trên cho thấy Mạnh Vãn Châu được trả tự do là điều chắc chắn. Việc Mạnh Vãn Châu tham gia buổi điều trần của tòa án New York và ký “thỏa thuận đình chỉ khởi tố” với Bộ Tư pháp Mỹ chỉ là thực hiện trình tự thủ tục tư pháp cần thiết.

Phía Trung Quốc cũng không đưa ra lời giải thích về trình tự thủ tục trả tự do như thế nào cho Michael Kovrig và Michael Spavor - hai công dân mà Canada coi là “con tin” của đối phương.

Cách hành xử này của Trung Quốc đã khẳng định sự kiện Mạnh Vãn Châu chính là sự kiện chính trị và cần phải thông qua trao đổi chính trị “anh thả người tôi mới thả người."

Về vấn đề thắng-thua của cuộc đọ sức này, ngày 26/9, tờ Nhân dân nhật báo của Trung Quốc bình luận rằng Mạnh Vãn Châu về nước là kết quả của sự lãnh đạo kiên cường của Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, là kết quả từ sự nỗ lực không mệt mỏi của chính phủ Trung Quốc, là kết quả từ sự tiếp sức hỗ trợ của nhân dân Trung Quốc, là thắng lợi quan trọng của nhân dân Trung Quốc.

Kết luận này không phải là sự thổi phồng. Dư luận trên các mạng xã hội Trung Quốc đa phần cho rằng việc Mạnh Vãn Châu trở về nước là thắng lợi của Trung Quốc.

Các phương tiện truyền thống chính thống như đài truyền hình trung ương còn phát sóng trực tiếp rầm rộ sự kiện này.

Nói không khoa trương, sự kiện Mạnh Vãn Châu trở về nước ngày 25/9 đã trở thành giảng đường lớn về chủ nghĩa yêu nước thu hút sự tham gia của hàng chục ngàn người.

Hiệu quả này đã đền đáp những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc đưa Mạnh Vãn Châu trở về nước.

Hơn nữa, mặc dù Mạnh Vãn Châu thừa nhận “tuyên bố sự thật” mà Mỹ cáo buộc, nhưng không nhận tội và cũng không nộp tiền phạt. Trung Quốc đã phá vỡ tiền lệ hiếm thấy về quyền tài phán nối dài của Mỹ sau Chiến tranh Lạnh.

Đối với quyết định bất ngờ trả tự do Mạnh Vãn Chu, nghị sỹ đảng Cộng hòa Mỹ Marco Rubio cho rằng đây là một minh chứng nữa cho thấy sự mềm yếu nguy hiểm của chính quyền Joe Biden đối với Trung Quốc.

Một nghị sỹ khác của Đảng Cộng hòa là Bill Hagerty cũng chỉ trích đây là một bước nhượng bộ nữa của Joe Biden đối với Trung Quốc. Dư luận Mỹ cũng không xem việc trả tự do Mạnh Vãn Châu là thắng lợi của nước này. 

Đương nhiên, Mỹ cũng không thua thiệt hoàn toàn trong sự kiện Mạnh Vãn Châu. Sự kiện này giúp Mỹ nắm được một số chứng cứ cho thấy Huawei vi phạm quy định luật pháp “quyền tài phán nối dài” của Mỹ để gia tăng sức ép đối với Huawei.

Tuy nhiên, ngay cả khi không có những chứng cứ này, Mỹ cũng sẽ không khách khí đối với Huawei.

Mỹ không chỉ muốn đẩy Huawei ra khỏi thị trường Mỹ, mà còn tiếp tục trấn áp Huawei trên phạm vi toàn cầu.

Sự kiện Mạnh Vãn Châu chỉ là kết quả, chứ không phải nguyên nhân của việc Mỹ trấn áp Huawei.

Có lẽ Canada là bên thiệt hại lớn nhất trong sự kiện Mạnh Vãn Châu. Sau khi Canada bắt giữ Mạnh Vãn Châu không lâu, Michael Kovrig và Michael Spavor bị Trung Quốc bắt giữ với tội danh gián điệp.

Sau đó, Chính phủ Canada không những phải chịu áp lực vô ích yêu cầu Trung Quốc thả người trong thời gian dài, mà quan hệ hai nước cũng rơi xuống đáy.

Mặc dù việc Mạnh Vãn Châu được thả tự do cũng giúp Michael Kovrig và Michael Spavor được trở về nước, nhưng cuộc đọ sức chính trị lẫn nhau khiến cho tính độc lập tư pháp và những lời giải thích của chính phủ Canada bị nghi ngờ.

Đồng thời, hoàn cảnh éo le trong hơn hai năm qua của Michael Kovrig, Michael Spavor và người thân, cũng giống như Mạnh Vãn Châu và gia đình, đều khiến mọi người đồng cảm.

Sự kiện Mạnh Vãn Châu khép lại giúp Mỹ, Canada và Trung Quốc trút bỏ được một gánh nặng, mang lại cơ hội mới cho việc khởi động lại quan hệ Mỹ-Trung, Canada-Trung Quốc.

Tuy nhiên, trong bối cảnh đối đầu Mỹ-Trung, liệu cơ hội này có tác dụng với hai bên hay không thì vẫn phải xem liệu Mỹ và Trung Quốc có tiếp tục thể hiện thiện chí nhiều hơn với đối phương hay không?./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục