Nhà đầu tư phải tự đánh giá rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp

Bộ Tài chính nhấn mạnh trái phiếu doanh nghiệp là một loại sản phẩm chứng khoán, do đó nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư loại hình trái phiếu này.
Nhà đầu tư phải tự đánh giá rủi ro khi đầu tư trái phiếu doanh nghiệp ảnh 1Trái phiếu doanh nghiệp hoàn toàn khác với sản phẩm tài chính của các ngân hàng thương mại như tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi. (Ảnh minh họa: Vietnam+)

Bộ Tài chính vừa phát đi thông điệp khẳng định trái phiếu doanh nghiệp vẫn là thị trường tiềm năng trước nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong thời gian tới là rất lớn.

Trái phiếu doanh nghiệp là một loại sản phẩm chứng khoán 

Thông tin từ Bộ Tài chính nhấn mạnh quan điểm của Chính phủ là tiếp tục phát triển thị trường hoạt động an toàn, lành mạnh và minh bạch. Trên cơ sở đó, các chủ thể tham gia thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần tuyệt đối tuân thủ quy định pháp luật.

[Ngân hàng kiểm soát rủi ro, giảm nắm giữ trái phiếu doanh nghiệp]

Khung pháp lý về chào bán và giao dịch trái phiếu doanh nghiệp đã được Quốc hội, Chính phủ quan tâm ban hành đầy đủ từ cấp Luật, Nghị định đến các Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính. Cụ thể, Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp quy định hai loại trái phiếu là trái phiếu phát hành ra công chúng và trái phiếu phát hành riêng lẻ.

Hai phương thức phát hành trái phiếu được phân biệt, trái phiếu phát hành ra công chúng được chào bán cho mọi nhà đầu tư và chỉ được chào bán sau khi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép.

Mặt khác, trái phiếu phát hành riêng lẻ chỉ được chào bán và giao dịch giữa các nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, là các nhà đầu tư có kiến thức, kinh nghiệm và tài sản để đầu tư vào sản phẩm có rủi ro cao hơn trái phiếu phát hành ra công chúng.

Hơn nữa, trái phiếu doanh nghiệp hoàn toàn khác với sản phẩm tài chính của các ngân hàng thương mại như tiền gửi tiết kiệm, chứng chỉ tiền gửi.

Phía Bộ Tài chính nhấn mạnh trái phiếu doanh nghiệp là một loại sản phẩm chứng khoán xác nhận nghĩa vụ trả nợ gốc, lãi của doanh nghiệp đối với nhà đầu tư sở hữu trái phiếu.

Thông lệ quốc tế và pháp luật của Việt Nam quy định trái phiếu doanh nghiệp do doanh nghiệp phát hành theo nguyên tắc tự vay, tự trả, tự chịu trách nhiệm.

“Nhà đầu tư có trách nhiệm tự đánh giá mức độ rủi ro trong việc đầu tư trái phiếu, hạn chế về giao dịch trái phiếu được đầu tư và tự chịu trách nhiệm về quyết định đầu tư của mình,” Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Xuất hiện nhiều rủi ro

Thời gian qua, thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển nhanh cùng với đó xuất hiện một số tồn tại và rủi ro. Cụ thể, Bộ Tài chính chỉ ra hiện trạng một số doanh nghiệp phát hành khối lượng lớn trái phiếu với lãi suất cao, trong khi tình hình tài chính doanh nghiệp hạn chế.

Thêm vào đó, một số tổ chức cung cấp dịch vụ không đảm bảo chất lượng dịch vụ đồng thời một bộ phận nhà đầu tư cá nhân chỉ quan tâm đến lãi suất, không đánh giá đầy đủ đặc điểm, bản chất của trái phiếu doanh nghiệp. Không chỉ vậy, một số nhà đầu tư còn cố tình vi phạm pháp luật để trở thành nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.

Vừa qua trên thị trường cũng xảy ra hiện tượng, doanh nghiệp tăng mua lại trái phiếu và các nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do quan ngại doanh nghiệp không trả được nợ.

Trước tình hình này, Bộ Tài chính đề nghị các chủ thể tham gia trên thị trường cần tuân thủ quy định của pháp luật và lưu ý nguyên tắc trái phiếu doanh nghiệp phát hành tự vay, tự trả đồng thời donah nghiệp tự chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng vốn, phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ, đúng hạn lãi, gốc trái phiếu và thực hiện các cam kết với nhà đầu tư.

Theo Bộ Tài chính, các doanh nghiệp phát hành có trách nhiệm phải tự cân đối dòng tiền để đảm bảo các nghĩa vụ đã cam kết với nhà đầu tư khi phát hành trái phiếu.

Do đó, nhà chức trách đưa ra yêu cầu với các trường hợp có khó khăn về tình hình tài chính, doanh nghiệp phải chủ động xây dựng phương án trả nợ cụ thể và làm việc thống nhất với các nhà đầu tư để đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, đảm bảo uy tín của doanh nghiệp

Bên cạnh đó, các tổ chức tư vấn, đại lý phát hành, đại lý lưu ký, chuyển nhượng trái phiếu và các tổ chức cung cấp dịch vụ khác có trách nhiệm phối hợp với doanh nghiệp phát hành và nhà đầu tư để đảm bảo các nghĩa vụ đã ký kết cũng như đảm bảo uy tín khi cung cấp dịch vụ trên thị trường.

Hơn nữa, các nhà đầu tư cần cẩn trọng để phân tích và phân loại các trái phiếu đang sở hữu để có quyết định phù hợp, không nghe tin đồn thất thiệt.

Mặt khác, các nhà đầu tư cũng cần hết sức lưu ý về trách nhiệm và cam kết của các tổ chức cung cấp dịch vụ do các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán phân phối trái phiếu doanh nghiệp và không có nghĩa là các tổ chức này bảo lãnh, bảo đảm cho việc mua trái phiếu.

Bộ Tài chính cho biết sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện khung pháp lý và tăng cường hiệu quả kiểm tra, giám sát. Trước mắt, Bộ sẽ triển khai Nghị định số 65/2022/NĐ-CP cùng với các giải pháp xử lý nghiêm các vi phạm của thị trường trái phiếu doanh nghiệp vừa qua sẽ giúp thị trường điều chỉnh hướng tới thị trường hoạt động hiệu quả hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục