Nhà kinh tế Morgan Stanley nhận định lạm phát tại châu Á đã đạt đỉnh

Nhà kinh tế trưởng về châu Á tại Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, ông Chetan Ahya cho hay lạm phát trung bình của khu vực châu Á đã đạt đỉnh 5,5% và đã giảm khoảng 0,5% so với mức đỉnh đó.
Nhà kinh tế Morgan Stanley nhận định lạm phát tại châu Á đã đạt đỉnh ảnh 1Tàu chở hàng cập cảng tại Tokyo, Nhật Bản, ngày 4/11/2021. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo ông Chetan Ahya, nhà kinh tế trưởng về châu Á tại Ngân hàng đầu tư Morgan Stanley, lạm phát tại châu Á đã đạt đỉnh so với các nền kinh tế lớn khác như Mỹ và châu Âu.

Trả lời phỏng vấn trên chương trình Squawk Box Asia của CNBC ngày 15/8, nhà kinh tế Chetan Ahya của Morgan Stanley cho hay lạm phát hoàn toàn có khả năng đã đạt đỉnh điểm nếu nhìn vào dữ liệu đã chỉ ra điều đó.

Điều quan trọng hơn là chúng ta sẽ thấy khả năng lạm phát đi xuống trong tương lai.

Ông Chetan Ahya cho hay lạm phát trung bình của khu vực châu Á đã đạt đỉnh 5,5% và đã giảm khoảng 0,5% so với mức đỉnh đó.

Con số này cũng thấp hơn so với lạm phát của Mỹ, hiện ở mức 9%, và lạm phát tại Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), đang ở mức khoảng 8,5-9%.

Ông Ahya cho biết có rất ít dấu hiệu cho thấy nhu cầu quá nóng ở châu Á, đặc biệt là khi tốc độ tăng trưởng kinh tế vẫn dưới mức trước đại dịch COVID-19 đối với hầu hết các quốc gia.

Ông Ahya cho rằng cách ông miêu tả tình trạng phục hồi ở châu Á là hầu hết các nền kinh tế đang ở giai đoạn giữa chu kỳ.

Đó là lý do quan trọng nhất vì sao ông cho rằng lạm phát sẽ được kiểm soát và các ngân hàng trung ương sẽ không phải đưa lãi suất chính sách vào phạm vi hạn chế.

[ADB hạ dự báo tăng trưởng năm 2022 của khu vực châu Á đang phát triển]

Tuần trước, Thống đốc Ngân hàng trung ương Thái Lan Sethaput Suthiwartnarueput cho biết ngân hàng trung ương nước này không cần phải "thực hiện các đợt tăng lãi suất lớn" vì nền kinh tế dự kiến sẽ chỉ trở lại mức trước đại dịch vào cuối năm.

Nhà kinh tế của Morgan Stanley cũng cho biết nhu cầu hàng hóa là nguyên nhân chính gây ra lạm phát trên toàn cầu.

Ông Ahya lưu ý nhu cầu hàng hóa đã tăng mạnh do tình hình dịch bệnh ở Mỹ và sự mất cân bằng cung - cầu gây ra. Tuy nhiên, tình hình đang dần cải thiện, nhu cầu đang giảm dần.

Trong bối cảnh chuỗi cung ứng cải thiện và hàng tồn kho tăng, ngân hàng Morgan Stanley dự đoán nhu cầu hàng hóa sẽ giảm trong những tháng tới.

Mặc dù bức tranh lạm phát của châu Á có vẻ tương đối trong tầm kiểm soát, song ngân hàng Phố Wall này cho biết triển vọng xuất khẩu vẫn còn yếu./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục