Nhận diện những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm buôn lậu

Theo Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020, thành phố phát hiện 25.538 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (giảm 45,39% so với năm 2019), thu nộp ngân sách hơn 5.700 tỷ đồng.
Nhận diện những phương thức, thủ đoạn mới của tội phạm buôn lậu ảnh 1Kiểm tra một cửa hàng sản xuất kinh doanh thực phẩm. (Ảnh: Chanh Đa/TTXVN)

Ngày 14/1, Ban Chỉ đạo quốc gia về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia) đã có buổi làm việc với Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh về công tác phòng, chống tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, nhất là trong thời điểm từ nay đến Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Tại buổi làm việc, ông Đàm Thanh Thế - Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đề nghị các lực lượng chức năng Thành phố Hồ Chí Minh tập trung làm tốt công tác điều tra cơ bản, kịp thời phát hiện, nhận diện, chỉ rõ các phương thức thủ đoạn mới nổi trên địa bàn thành phố để nhanh chóng có biện pháp đấu tranh hiệu quả.

Các lực lượng phối hợp chặt chẽ, chung một mục tiêu, không có vùng cấm, xử lý vi phạm trên tất cả các tuyến, các địa bàn. Ngoài ra, qua công tác đấu tranh, chú ý phát hiện những sơ hở trong công tác quản lý Nhà nước; ngăn chặn sự suy thoái, thiếu trách nhiệm của các lực lượng công vụ.

Từ thông tin báo cáo thực tế của các lực lượng, ông Đàm Thanh Thế lưu ý Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt chú ý vấn đề liên quan đến loại hình tạm nhập, tái xuất qua các cảng của Thành phố Hồ Chí Minh.

Từ nay đến sau Tết Nguyên đán Tân Sửu năm 2021, lực lượng chức năng Thành phố chủ động thực hiện tốt công tác phối hợp, kết hợp với các lực lượng khác trên địa bàn như công an, hải quan, quản lý thị trường, biên phòng để phát huy sức mạnh tổng hợp, đấu tranh, bắt giữ, xử lý các vụ việc để răn đe, trấn áp.

Báo cáo tại buổi làm việc, Thượng tá Nguyễn Thanh Nguyên - Phó Trưởng phòng Cảnh sát Kinh tế (PC03) Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết qua công tác đấu tranh với tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại thời gian qua, PC03 thấy nổi lên tình trạng tội phạm lợi dụng loại hình tờ khai nhập khẩu A12 (hàng hóa làm thủ tục tại Chi cục Hải quan khác Chi cục Hải quan cửa khẩu) để thực hiện hành vi buôn lậu.

[Tình hình tội phạm, gian lận thương mại, hàng giả diễn biến phức tạp]

Thượng tá Nguyễn Thanh Nguyên đưa ra ví dụ: “Một doanh nghiệp đăng ký mở tờ khai A12 về cửa khẩu ở Tây Ninh và được phân vào luồng vàng. Khi hàng về kho Tân Sơn Nhất thì hàng hóa cứ thế chuyển về Tây Ninh mà Hải quan cửa khẩu ở Thành phố Hồ Chí Minh không được kiểm tra, không rõ doanh nghiệp có nhập khẩu đúng mặt hàng như trên tờ khai hay không."

Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Nguyên, một loại hình nữa mà PC03 lo ngại thời gian qua là loại hình tạm nhập tái xuất. Có thực trạng sau khi hàng về cảng, trên đường vận chuyển để xuất đi thì hàng sang kho ở giữa đường. Các đối tượng chỉ để lại hàng đúng tờ khai tập nhập tái xuất, còn các mặt hàng khác được nhập lại kho. Nếu cơ quan chức năng phát hiện container bị đứt kẹp chì niêm phong thì chỉ bị lập biên bản xử phạt hành chính.

Ngoài ra, còn thủ đoạn là các đối tượng móc nối với người làm tờ khai của công ty có vốn nước ngoài (được ưu đãi miễn kiểm khi nhập trang thiết bị) để khai thêm số lượng container nhập khẩu. Ví dụ, thực tế công ty này chỉ nhập khẩu 5 container song khi về là 7 container nhưng công ty này không biết.

Thượng tá Nguyễn Thanh Nguyên cho rằng để đấu tranh hiệu quả với các vi phạm này, quan trọng nhất là sự phối hợp thông tin giữa các lực lượng công an, hải quan, quản lý thị trường.

Cụ thể, PC03 đang phối hợp với C03 Bộ Công an điều tra hồ sơ do Cục thuế Thành phố chuyển, liên quan đến nghi vấn Công ty cổ phần Phát triển nhà Thủ Đức (Thuduc House) trục lợi thuế giá trị gia tăng hàng trăm tỷ đồng.

Qua thanh tra, Cục Thuế thành phố xác định Thuduc House đã ký rất nhiều hợp đồng xuất khẩu linh kiện điện tử với các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, đây là các hợp đồng giả, nhằm che giấu giao dịch xuất khẩu với phía nước ngoài. Mục đích của việc này là trục lợi số tiền hoàn thuế của Nhà nước, có dấu hiệu trốn thuế và mua bán hóa đơn bất hợp pháp.

Theo Ban Chỉ đạo 389 Thành phố Hồ Chí Minh, trong năm 2020, thành phố phát hiện 25.538 vụ buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (giảm 45,39% so với năm 2019), thu nộp ngân sách hơn 5.700 tỷ đồng.

Năm 2021, các lực lượng chức năng của Thành phố tiếp tục triển khai Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ; chủ động phối hợp chặt chẽ để phát hiện, ngăn chặn kịp thời các nguy cơ, hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép tiền chất cũng như các chất ma túy qua các tuyến trọng điểm như sân bay, bưu điện; tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả..../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục