Nhật Bản sẽ tái sử dụng nhiên liệu hạt nhân của các lò phản ứng cũ

Cơ quan Quản lý hạt nhân Nhật Bản đã lần đầu tiên “bật đèn xanh” cho kế hoạch lấy nhiên liệu từ lò phản ứng hạt nhân ngưng hoạt động để tái sử dụng cho các lò phản ứng đang vận hành.
Nhật Bản sẽ tái sử dụng nhiên liệu hạt nhân của các lò phản ứng cũ ảnh 1Nhà máy điện hạt nhân Oi. (Nguồn: Kyodo)

Ngày 18/7, Cơ quan Quản lý hạt nhân Nhật Bản đã lần đầu tiên “bật đèn xanh” cho kế hoạch lấy nhiên liệu từ lò phản ứng hạt nhân ngưng hoạt động để tái sử dụng cho các lò phản ứng đang vận hành.

Quyết định trên sẽ cho phép Công ty Điện lực Kansai, đơn vị vận hành nhà máy điện hạt nhân Oi tại tỉnh Fukui, miền Trung Nhật Bản, sử dụng một số bó nhiên liệu hạt nhân của các lò phản ứng số 1 và 2 cho các lò phản ứng số 3 và 4, vốn nối lại hoạt động trong mùa Xuân này.

Những thanh nhiên liệu trong các bó nhiên liệu tại nhà máy Oi có cùng kích thước và có thể thay thế lẫn nhau.

Công ty Kansai đã trữ một số bó nhiên liệu từ các lò phản ứng số 1 và 2 để vẫn có thể tiếp tục sử dụng. Nhiên liệu trong một nhà máy điện hạt nhân thường được xem là sử dụng hết sau 3-5 năm được nạp vào.

Cụ thể, 216 bó nhiên liệu mới lẽ ra được dùng cho 2 lò phản ứng số 1 và 2 này sẽ được sử dụng cho hoạt động của các lò phản ứng số 3 và 4 của nhà máy Oi.

Bên cạnh đó, 264 trong tổng số 629 bó nhiên liệu hạt nhân của 2 lò phản ứng cũ có thể được tái sử dụng. Trong khi đó, 365 bó nhiên liệu còn lại dự kiến được chuyển đến nhà máy Rokkasho, Đông Bắc Nhật Bản, để chế biến lại.

Cơ quan Quản lý hạt nhân của Nhật Bản sẽ chính thức cấp phép cho kế hoạch trên của Kansai sau khi thu thập ý kiến từ Ủy ban Năng lượng nguyên tử nước này cũng như các bên liên quan khác.

[Ủy ban Năng lượng Hạt nhân Nhật Bản kêu gọi giảm kho dự trữ plutoni]

Tháng Ba vừa qua, Công ty Kansai thông báo cho Chính phủ Nhật Bản kế hoạch loại bỏ 2 lò phản ứng lâu đời số 1 và 2 của nhà máy Oi. Với công suất 1.175 megawatt mỗi lò, các lò phản ứng này sẽ chính thức tròn 40 năm hoạt động vào năm 2019.

Đa số các lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản vẫn đóng cửa kể từ sau thảm họa Fukushima, vụ khủng hoảng hạt nhân kinh hoàng nhất kể từ vụ nổ nhà máy Chernobyl ở Ukraine năm 1986.

Ngày 11/3/2011, trận động đất 9 độ Richter và sau đó là các đợt sóng thần cao 10m đã tàn phá một vùng rộng lớn Đông Bắc Nhật Bản, cướp đi sinh mạng của hơn 16.000 người và hàng nghìn người khác vẫn mất tích.

Thảm họa kép này đã làm hỏng hệ thống làm lạnh tại 4 lò phản ứng của nhà máy Fukushima, kéo theo cuộc khủng hoảng hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử Nhật Bản./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục