Nhật Bản-Hàn Quốc và cuộc chiến thương mại mới ở Đông Á

Nhật Bản và Hàn Quốc bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp thương mại nghiêm trọng, có nguy cơ leo thang và thậm chí lan sang các lĩnh vực khác như an ninh và chuỗi cung ứng khu vực.
Nhật Bản-Hàn Quốc và cuộc chiến thương mại mới ở Đông Á ảnh 1Tấm bảng thông báo tẩy chay hàng hóa của Nhật Bản tại một siêu thị ở Seoul, Hàn Quốc ngày 4/8/2019. (Ảnh: Yonhap/TTXVN)

Trang mạng eurasiareview.com, với việc quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản gia tăng căng thẳng, không chắc Mỹ có thể đóng vai trò trung gian hòa giải. Hậu quả của vụ tranh chấp thương mại như vậy sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế thế giới.

Vào thời điểm cả Nhật Bản và Hàn Quốc dự kiến sẽ hợp tác để giải quyết nhiều thách thức kinh tế và chiến lược ở khu vực Đông Á, họ bị lôi kéo vào một cuộc tranh chấp thương mại nghiêm trọng, có nguy cơ leo thang và thậm chí lan sang các lĩnh vực khác như an ninh và chuỗi cung ứng khu vực.

Vẫn biết rằng mối quan hệ song phương giữa hai nước lâu nay căng thẳng do các vấn đề lịch sử và lãnh thổ, nhưng lần này, đó không phải là một cuộc tranh cãi lịch sử thông thường mà là một vụ tranh chấp thương mại thực sự và nghiêm trọng hơn, đặt ra thách thức đối với mối quan hệ giữa hai nước.

Vấn đề hiện nay, vốn đã gây ra tranh cãi ngoại giao nghiêm trọng giữa hai bên, liên quan đến hành động của Nhật Bản nhằm hạn chế việc cung cấp nguyên liệu sản xuất chất bán dẫn cho Hàn Quốc.

Hôm 4/7 vừa qua, Nhật Bản đã bắt đầu thực hiện chính sách mới về việc hạn chế xuất khẩu 3 nguyên liệu quan trọng liên quan đến sản xuất chất bán dẫn - gồm photoresist (chất cản quang), fluorinated polyimide (nhựa nhiệt dẻo) và hydrogen fluoride là những nguyên liệu cốt yếu trong sản xuất chip điện tử và màn hình thiết bị số - sang Hàn Quốc.

Những hạn chế đối với các nguyên liệu nhạy cảm hơn dự kiến sẽ tiếp tục được công bố một khi hoàn thiện chính sách.

Theo đó, các công ty Nhật Bản cung cấp các nguyên liệu này cho Hàn Quốc sẽ phải có giấy phép của chính phủ đối với mỗi hợp đồng xuất khẩu - một quy trình rườm rà, phức tạp hơn và sẽ mất ít nhất 90 ngày để được cấp phép.

[Nhật đề nghị Hàn Quốc giải thích việc loại Tokyo khỏi Danh sách Trắng]

Trong một thời gian dài, Hàn Quốc đã được hưởng quy chế ưu đãi trong việc cung cấp các nguyên liệu nhạy cảm này, góp phần giúp các công ty của Hàn Quốc như Samsung Electronics và SK Hynix nổi lên thành những người khổng lồ trong lĩnh vực bán dẫn.

Ngày nay, họ đã sản xuất gần 2/3 số lượng chip điện tử của thế giới, được sử dụng trong một loạt sản phẩm từ điện thoại thông minh đến ôtô.

Nếu kho dự trữ của các công ty này cạn kiệt, nó sẽ gây ra sự gián đoạn nghiêm trọng đối với việc sản xuất chất bán dẫn trên toàn cầu.

Hôm 2/8, Chính phủ Nhật Bản đã có động thái tiếp theo khi loại Hàn Quốc khỏi "danh sách trắng" gồm 27 quốc gia được hưởng quy chế ưu đãi trong việc cung cấp nguyên liệu nhạy cảm từ Nhật Bản.

Hàn Quốc là quốc gia châu Á duy nhất được đưa vào danh sách này hồi năm 2004. Hành động mới nhất của chính phủ Nhật Bản sẽ có hiệu lực từ ngày 28/8 và được coi là mối đe dọa nghiêm trọng đối với các công ty Hàn Quốc.

Dự báo điều này đã gây ra phản ứng gay gắt từ Seoul, nơi coi hành động của Nhật Bản là động cơ chính trị.

Nhiều người ở Hàn Quốc coi đó là sự trả đũa cho phán quyết gần đây của tòa án Hàn Quốc, yêu cầu các công ty Nhật Bản như Mitsubishi Heavy Industries, Nippon Steel và Sumitomo trả tiền bồi thường cho các công nhân Hàn Quốc, những người đã bị bóc lột sức lao động khi phải làm việc không công trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Bán đảo Triều Tiên.

Nhật Bản phản đối mạnh mẽ phán quyết của tòa án trên với lý do điều này sẽ làm suy yếu nền tảng mối quan hệ song phương sau chiến tranh.

Chính phủ Nhật Bản nêu rõ thêm rằng cả hai nước đã giải quyết tất cả các tranh chấp lao động thời chiến theo Hiệp ước bình thường hóa quan hệ Nhật-Hàn ký năm 1965, theo đó 500 triệu USD đã được trả cho phía Hàn Quốc dưới hình thức viện trợ và các khoản cho vay vào thời điểm đó.

Các nhà lãnh đạo Nhật Bản lo ngại rằng phán quyết của tòa án Hàn quốc có thể mở ra hàng loạt yêu sách không bao giờ kết thúc đòi bồi thường từ các khu vực khác nhau.

Nhưng bên trong Hàn Quốc, phán quyết của tòa án nhận được sự ủng hộ đáng kể, đặc biệt trong thế hệ trẻ. Thậm chí có những tiếng nói nghi ngờ tính hợp pháp của chính Hiệp ước 1965 mà theo họ đã được ký bởi một nhà độc tài quân sự là Park Chung-hee. Việc này đã gây ra một vụ tranh cãi ngoại giao phức tạp giữa hai nước.

Về cơ bản, Nhật Bản đã làm rõ rằng các biện pháp nhằm hạn chế xuất khẩu 3 nguyên liệu kể trên liên quan chặt chẽ với những lo ngại về an ninh khu vực vì họ nghi ngờ tính hiệu quả của các cơ chế giám sát của Hàn Quốc.

Tokyo cáo buộc rằng một số công nghệ nhạy cảm đã đến tay Triều Tiên, do đó gây ra những lo ngại nghiêm trọng về an ninh.

Nhưng điều tương tự đã bị Chính phủ Hàn Quốc bác bỏ. Họ đã đưa ra bằng chứng để chứng minh Seoul đã nâng cao cảnh giác trước bất kỳ sự chuyển giao bất hợp pháp nào đối với các nguyên liệu nhạy cảm này cho Triều Tiên.

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cho rằng các biện pháp hạn chế của Tokyo "đi ngược lại lịch sử phát triển các mối quan hệ song phương", và kêu gọi Nhật Bản dừng ngay lập tức.

Cảnh báo rằng các biện pháp này sẽ phản tác dụng vì cuối cùng chúng sẽ "gây thiệt hại lớn cho chính nền kinh tế Nhật Bản," ngoài việc "phá hủy khuôn khổ hợp tác kinh tế Hàn-Nhật tích lũy trong nửa thế kỷ," ông Moon Jae-in cũng phàn nàn rằng hành động của Nhật Bản sẽ "làm tê liệt chuỗi cung ứng toàn cầu và tàn phá nền kinh tế thế giới."

Tình cảm chống Nhật đã nhanh chóng gia tăng ở Hàn Quốc, dẫn đến việc tẩy chay các sản phẩm của Nhật Bản, đóng cửa tạm thời nhiều cơ sở kinh doanh của Nhật, giảm số lượng khách du lịch Hàn Quốc đến Nhật Bản và hủy nhiều dịch vụ hàng không tư nhân đến Nhật Bản.

Không nghi ngờ gì nữa, quan hệ song phương đã xuống đến mức thấp nhất kể từ năm 1965 và để ngăn chặn sự suy giảm hơn nữa, cần có một cường quốc thân thiết bên ngoài như Mỹ can thiệp và hòa giải.

Người ta muốn nhắc lại vai trò trung gian của Tổng thống Barack Obama hồi năm 2014 tại La Haye trong nỗ lực giảm căng thẳng giữa hai nước. Nhưng đương kim Tổng thống Mỹ Donald Trump khác với Obama và ông không truyền cảm hứng với mức độ tin cậy và tự tin như người tiền nhiệm đã làm.

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã cùng gặp những người đồng cấp Nhật Bản và Hàn Quốc để giảm căng thẳng song phương và thúc giục hai bên chấp nhận một "thỏa thuận ngừng bắn" để có thời gian tìm ra một "con đường đối thoại".

Các nhà phân tích nghi ngờ khả năng Washington đóng bất kỳ vai trò trung gian nào dựa trên chính sách "Nước Mỹ trước tiên" của Trump, cách tiếp cận mang tính chất giao dịch của ông đối với Hàn Quốc và Nhật Bản trong các vấn đề an ninh, quan điểm chống Trung Quốc mang tính ám ảnh và thất bại trong nỗ lực phi hạt nhân hóa Triều Tiên.

Không có triển vọng về bất kỳ thỏa thuận ngừng bắn nào trong bối cảnh bất đồng thương mại leo thang, thêm nhiều quy định về xuất khẩu của Nhật Bản sẽ có hiệu lực từ ngày 28/8 và họ hầu như có thể hạn chế bất kỳ sản phẩm nào đối với Hàn Quốc trên cơ sở an ninh quốc gia.

Đối mặt với một tình huống xấu như vậy, chính phủ Hàn Quốc dường như đang trong tâm trạng muốn có biện pháp trả đũa Nhật Bản.

Đầu tiên, họ có thể xem xét chấm dứt một hiệp ước chia sẻ thông tin tình báo quân sự, dự kiến sẽ được gia hạn vào cuối tháng này. Nhưng Mỹ rất quan tâm đến việc gia hạn này và vẫn còn phải chờ xem liệu họ có thể thuyết phục được Seoul gia hạn hay không.

Thứ hai, Seoul cũng đang cân nhắc loại Nhật Bản khỏi "danh sách trắng" của họ, gồm các quốc gia được hưởng quy chế ưu đãi thương mại và sẽ chính thức đệ đơn kiện lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Thứ ba, Seoul đã thông báo với Tokyo rằng họ có thể không coi Nhật Bản là một quốc gia "thân thiện" vì đã phớt lờ "lịch sử quan hệ hợp tác"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục