Nhiều điểm mới tại Chương trình "Nhận diện hàng Việt Nam" năm 2022

Lễ khai mạc Chương trình "Nhận diện hàng Việt Nam" năm 2022 và Lễ hội "Tự hào hàng Việt Nam-Tinh hoa hàng Việt Nam," tổ chức tối 29/10, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Nhiều điểm mới tại Chương trình "Nhận diện hàng Việt Nam" năm 2022 ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải phát biểu tại lễ khai mạc. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đang bước sang một giai đoạn mới trong bối cảnh thị trường thế giới chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố biến động khó lường hơn.

Để triển khai có hiệu quả Cuộc vận động trong giai đoạn mới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục bám sát các chủ trương của Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, phối hợp với các thành viên trong Ban chỉ đạo và các địa phương xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện. Đồng thời, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, nâng cao ý thức thực thi công vụ của cán bộ, công chức trong ngành nhằm truyền cảm hứng đến xã hội về một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải đã khẳng định như vậy tại Lễ khai mạc Chương trình "Nhận diện hàng Việt Nam" năm 2022 và Lễ hội "Tự hào hàng Việt Nam-Tinh hoa hàng Việt Nam," tổ chức tối 29/10, tại Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Đây là hoạt động thường niên của Bộ Công Thương hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động.

Theo Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải, Việt Nam vừa trải qua đợt dịch COVID-19 và biến động của tình hình địa chính trị diễn ra trên quy mô toàn cầu. Hậu quả của các cuộc khủng hoảng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến doanh nghiệp, đời sống của nhân dân, chuỗi cung ứng sản xuất và phân phối hàng hóa của Việt Nam nói riêng và của cả thế giới nói chung. Tuy nhiên, đây cũng là khoảng thời gian đặc biệt khi chứng kiến sức sống mãnh liệt của hàng Việt và vai trò vô cùng quan trọng của thị trường trong nước đối với nền kinh tế Việt Nam.

Bởi, khi thế giới phải phong tỏa vì dịch bệnh, nguồn cung và nhu cầu bị gián đoạn, nhiều chỉ số kinh tế sụt giảm, các hoạt động bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam nổi lên như một bức tường thành vững chắc, bảo vệ nền kinh tế Việt Nam khỏi những biến động từ bên ngoài.

[Bộ Công Thương: Nhiều sản phẩm đã thành niềm tự hào của người Việt]

Trong nhiều chỉ số kinh tế, sự tăng trưởng bán lẻ hàng hóa là điểm sáng của nền kinh tế Việt Nam được duy trì vững chắc và phát huy từ Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động 13 năm trước đây.

Căn cứ Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về việc tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đảm bảo thiết thực, hiệu quả trong tình hình mới, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” đã ban hành Kế hoạch triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2022 nhằm góp phần phục hồi phát triển kinh tế-xã hội, thích ứng linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19.

Cùng đó, tiếp tục phát huy vai trò của các doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần tự hào, tự tôn dân tộc của người dân Việt Nam, xây dựng văn hóa sản xuất-kinh doanh và tiêu dùng Việt Nam.

Một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Công Thương được Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhấn mạnh và giao cho Bộ Công Thương là tổ chức thực hiện Chương trình nhận diện hàng Việt Nam trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam,” “Tinh hoa hàng Việt Nam.”

Chương trình nhận diện hàng Việt Nam năm 2022 có nhiều điểm mới với nhiều hoạt động, tương tác trực tiếp giữa nhà sản xuất và nhà phân phối, giữa doanh nghiệp và người tiêu dùng, nhất là các hoạt động tôn vinh sản phẩm.

Phát biểu tại lễ khai mạc, bà Trương Thị Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhấn mạnh Bộ Công Thương đã thực hiện tích cực vai trò định hướng thông tin để các doanh nghiệp tập trung phục vụ người tiêu dùng Việt Nam trong điều kiện xuất khẩu gặp nhiều khó khăn. Đặc biệt, thông qua các Chương trình “Tự hào hàng Việt Nam-Tinh hoa hàng Việt Nam,” Bộ Công Thương đã thực hiện tốt vai trò phổ biến, quảng bá các thương hiệu uy tín, sản phẩm chất lượng.

Nhiều điểm mới tại Chương trình "Nhận diện hàng Việt Nam" năm 2022 ảnh 2Khách tham quan gian hàng tại lễ hội. (Ảnh: Trần Việt/TTXVN)

Theo bà Trương Thị Ngọc Ánh, Chương trình năm nay không chỉ là hoạt động thiết thực hưởng ứng và tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” mà còn có ý nghĩa quan trọng hơn là tiếp tục khẳng định lòng tự hào, tự tôn dân tộc của mỗi người dân, khẳng định vai trò, năng lực sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam, tiếp tục khẳng định sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân với chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được triển khai theo chủ trương của Bộ Chính trị từ năm 2009, là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển bền vững thị trường trong nước qua việc phát huy mạnh mẽ lòng yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, tự tôn dân tộc, xây dựng văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam.

Đặc biệt, qua đó động viên các doanh nghiệp sản xuất ra nhiều hàng Việt Nam có chất lượng, sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; huy động cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân cùng chung tay, góp sức giải quyết những khó khăn, bảo đảm sự phát triển bền vững của nền kinh tế đất nước.

Trong 13 năm qua, được sự chỉ đạo xuyên suốt, quyết liệt của Đảng, Chính phủ và sự phối hợp tích cực, hiệu quả của các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội doanh nghiệp, Bộ Công Thương với vai trò là một trong các cơ quan nòng cốt trong triển khai Cuộc vận động đã luôn vận động mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội ưu tiên dùng hàng Việt Nam và hỗ trợ, vận động doanh nghiệp tích cực đầu tư, sản xuất, cung ứng sản phẩm, hàng hóa có chất lượng cao. Do đó, tỷ trọng hàng Việt Nam có thế mạnh tại hệ thống phân phối hiện đại trong nước từ 80-90% và trên 60% tại các chợ truyền thống.

Do đó, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” kỳ vọng Bộ Công Thương cụ thể hóa Kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động, triển khai có hiệu quả Đề án phát triển thị trường trong nước gắn với Cuộc vận động giai đoạn 2021-2025. Đồng thời, tiếp tục tổ chức thực hiện Chương trình nhận diện hàng Việt Nam thường niên trên quy mô toàn quốc với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam,” “Tinh hoa hàng Việt Nam” phù hợp với tình hình phòng, chống dịch COVID-19.

Bên cạnh đó, rà soát, sửa đổi bổ sung, ban hành các cơ chế, chính sách và các văn bản pháp luật phù hợp với mục tiêu thực hiện “nhiệm vụ kép,” vừa tập trung khôi phục phát triển sản xuất kinh doanh, vừa khắc phục tác động của dịch COVID-19; hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu, chuyển đổi số và khai thác có hiệu quả các sàn giao dịch thương mại điện tử để thêm một kênh quảng bá giới thiệu sản phẩm, đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng.

Tiếp nối thành công những năm qua, Chương trình Nhận diện hàng Việt Nam năm 2022 với tên gọi “Tự hào hàng Việt Nam”,“Tinh hoa hàng Việt Nam” có nhiều điểm mới, đặc biệt tại buổi lễ lãnh đạo Bộ Công Thương cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và địa phương, các doanh nghiệp đã cùng bấm nút phát động phong trào “Xây dựng hệ sinh thái cộng đồng doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh hàng Việt Nam”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục