Nhiều người chưa thấy được sự nguy hiểm khi vừa điện thoại vừa lái xe

Nhiều người dân vẫn có thói quen sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe và chưa nhận thức được sự nguy hiểm của hành động này và tiềm ẩn tai nạn giao thông với bất cứ ai.
Nhiều người chưa thấy được sự nguy hiểm khi vừa điện thoại vừa lái xe ảnh 1Sử dụng điện thoại di động khi lái xe sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới an toàn giao thông của cộng đồng. (Ảnh: Minh Chiến/Vietnam+)

Nhiều người dân vẫn có thói quen sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe và chưa nhận thức được sự nguy hiểm của hành động này có thể xảy ra bi kịch với bất cứ ai mất tập trung chỉ trong vòng một vài giây.

Nhằm góp phần thúc đẩy sự thay đổi hành vi nguy cơ về sử dụng điện thoại khi lái xe của thanh thiếu niên từ 15-29 tuổi tại Việt Nam, Quỹ Phòng chống Thương vong châu Á (AIP) đã phối hợp với Uỷ Ban An toàn giao thông Quốc gia và Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện chiến dịch truyền thông về hậu quả của việc sử dụng điện thoại gây mất tập trung khi lái xe vào ngày hôm nay (11/6).

[Đề xuất cấm sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe ôtô]

Theo khảo sát sơ bộ 927 sinh viên từ 7 trường đại học ở Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội, 79% sinh viên được khảo sát cho biết đã từng sử dụng điện thoại di động ít nhất một lần khi lái xe trong vòng sáu tháng gần đây.

Điều này thể hiện một thực tế đáng lo ngại khi Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo rằng, một người nói chuyện điện thoại khi lái xe có nguy cơ bị tai nạn giao thông nhiều hơn gấp bốn lần so với một người không sử dụng điện thoại di động khi lái xe.

Bà Mirjam Sidik, Tổng giám đốc điều hành của Quỹ AIP cho biết: “Nhiều người ở Việt Nam chưa nhận thức được sự nguy hiểm của việc sử dụng điện thoại di động khi lái xe. Chiến dịch nằm trong khuôn khổ dự án hành trang an toàn được phát triển để nâng cao nhận thức cho thanh thiếu niên và cộng đồng về hậu quả của hành vi mất tập trung khi lái xe.”

Nhấn mạnh sự đồng hành cùng Quỹ AIP và các cơ quan chính quyền Việt Nam nhằm mang lại sự an toàn cho tất cả mọi người, ông Jerald Barnes, Giám đốc Ngoại giao thuộc Quỹ UPS cho biết: “Bi kịch có thể xảy ra với bất cứ ai mất tập trung khi lái xe dù chỉ trong vòng một vài giây. Chiến dịch truyền thông của dự án hành trang an toàn lan tỏa thông điệp nhằm nâng cao nhận thức của thanh thiếu niên về hậu quả của việc xao nhãng và mất tập trung khi lái xe.”

Theo ông Uông Việt Dũng, Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban An toàn Giao thông Quốc gia cho rằng, chiến dịch được triển khai rất đúng thời điểm trong bối cảnh thực trạng sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông của người dân nói chung và của giới trẻ nói riêng đang trở nên phổ biến và trở thành một trong những hiểm họa đối với vấn đề đảm bảo an toàn giao thông, việc tuyên truyền hậu quả của việc sử dụng điện thoại khi đang lái xe là hết sức cần thiết và hữu ích.

Được biết, chiến dịch truyền thông về hậu quả của việc sử dụng điện thoại gây mất tập trung khi lái xe sẽ sử dụng biểu tượng “mặt cười” để nhấn mạnh hậu quả của việc sử dụng điện thoại khi lái xe cho thanh thiếu niên.

Biểu tượng cảm xúc “mặt cười” là nhân vật được hư cấu trong hai đoạn phim tuyên truyền của chiến dịch: “Cuộc gọi cuối cùng” và “Tin nhắn cuối cùng” để nhấn mạnh hai thông điệp chính: “Cuộc gọi đó có thể khiến bạn… không bao giờ về đến đích” và “Tin nhắn đó có thể khiến bạn… không bao giờ về đến đích”.

Theo đại diện các cơ quan chức năng, việc sử dụng cảm xúc trái ngược của biểu tượng “mặt cười” dễ thương quen thuộc và biến chúng thành hình ảnh của một nhân vật có thể đe doạ tính mạng của những người mất tập trung khi đang lái xe để nhấn mạnh hậu quả của các hành vi không an toàn như gọi điện, nhắn tin và sử dụng internet khi đang lái xe.

Nhiều người chưa thấy được sự nguy hiểm khi vừa điện thoại vừa lái xe ảnh 2Sử dụng biểu tượng “mặt cười” để nhấn mạnh hậu quả của việc sử dụng điện thoại khi lái xe cho thanh thiếu niên. (Ảnh: Quỹ AIP cung cấp)

Những hành vi này khiến người điều khiển phương tiện giao thông mất tập trung, làm chậm thời gian phản ứng của họ, cũng như làm ảnh hưởng đến việc đưa ra các quyết định phù hợp và an toàn.

Trước đó, nhóm nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Giao thông vận tải Việt Đức đã đề xuất cấm sử dụng điện thoại di động khi đang lái xe ôtô. Cơ quan quản lý Nhà nước nâng cao mức phạt hành chính và bổ sung hình phạt đối với hành vi sử dụng điện thoại nhắn tin hoặc nghe gọi để đủ mức độ răn đe đối với người điều khiển ôtô; tăng cường công tác tuần tra xử phạt; nâng cao nhận thức của người dân về tác hại nguy hiểm của hành vi sử dụng điện thoại trong lúc lái xe.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục