Nhiều nước yêu cầu Mỹ giải thích về vấn đề do thám

Trung Quốc, Indonesia, Pakistan và Hà Lan đã yêu cầu Mỹ đưa ra lời giải thích sau cáo buộc về các hoạt động do thám.

Ngày 31/10, Trung Quốc, Indonesia, Pakistan và Hà Lan đã yêu cầu Mỹ đưa ra lời giải thích sau khi Tập đoàn truyền thông Fairfax Media và tờ Sydney Morning Herald của Australia đưa tin các đại sứ quán của Australia ở châu Á, từ Jakarta, Bangkok...đến Bắc Kinh, đang được dùng làm địa điểm để phục vụ chương trình gián điệp của các cơ quan an ninh Mỹ.

Các phương tiện truyền thông Australia dẫn lại tài liệu do cựu nhân viên Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) Edward Snowden tiết lộ, được tạp chí Der Spiegel của Đức đăng tải tuần này, cho biết để thiết lập mạng lưới do thám, các đại sứ quán của Mỹ, Anh, Canada và Australia bí mật lắp đặt các thiết bị giám sát để thu thập các thông tin điện tử, theo đó có thể ngăn chặn các cuộc gọi điện thoại hoặc dữ liệu Internet trên toàn châu Á. Cùng với New Zealand, các nước này có thỏa thuận chia sẻ thông tin tình báo.

Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh nói: “Chúng tôi hết sức quan ngại về thông tin này và đề nghị Mỹ cùng các nước đồng minh đưa ra lời giải thích rõ ràng. Chúng tôi cũng đề nghị các đại sứ quán nước ngoài ở Trung Quốc cũng như các nhân viên ngoại giao của các phái bộ này tôn trọng Công ước Vienna…cũng như các công ước quốc tế khác và không tham gia vào bất cứ hoạt động nào không phù hợp với quy chế hay chức vụ của họ, gây phương hại tới an ninh và lợi ích của Trung Quốc”.

Theo bà Hoa Xuân Oánh, Trung Quốc và Australia có nhận thức chung về tăng cường hợp tác. Bà nhấn mạnh Bắc Kinh hy vọng Canberra có thể phối hợp chặt chẽ để giải quyết vấn đề này.

Trong khi đó, một số nước châu Á cũng yêu cầu Washington giải thích về thông tin cho rằng các đại sứ quán Mỹ và Australia trong khu vực dính dáng đến hoạt động theo dõi những nước này.

Trong thông báo ra ngày 31/10, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa khẳng định Jakarta không thể chấp nhận và kịch liệt phản đối trước những thông tin về việc Mỹ lắp đặt các thiết bị nghe trộm điện thoại tại Đại sứ quán Mỹ ở nước này.

Theo ông, nếu được khẳng định, hành động trên không chỉ gây rối tình hình an ninh mà còn vi phạm nghiêm trọng đạo đức và nguyên tắc ngoại giao và chắc chắn không phù hợp với tinh thần của mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Indonesia thông báo nước này đã triệu Đại sứ Australia Greg Moriarty sau khi xuất hiện thông tin cho rằng Đại sứ quán Australia tại thủ đô Jakarta đã bị lợi dụng để phục vụ hoạt động một chương trình gián điệp do Mỹ đứng đầu.

Trong khi đó, cùng ngày 31/10, Pakistan cho biết đã đề cập tới vấn đề nghe lén điện thoại với Mỹ sau khi có các báo cáo rằng Washington đã do thám các điện thoại tại nước này.

Phát biểu với truyền thông, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Pakistan Aizaz Ahmed Chaudhry cho biết nước này đã nêu vấn đề với giới chức Mỹ, đồng thời khẳng định mọi hành động ảnh hưởng tới chủ quyền của quốc gia và quyền riêng tư của công dân đều là vấn đề đáng quan ngại.

Cũng liên quan đến hoạt động do thám của Mỹ, ngày 31/10, Bộ trưởng Nội vụ Hà Lan Ronald Plasterk cho biết ông đã nhận được một lá thư từ Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) khẳng định nước này đang bị theo dõi và giám sát các cuộc gọi điện thoại và thư điện tử.

Phát biểu trên chương trình truyền hình Nieuwsuur của Hà Lan sau những phản ứng tiêu cực của một số nước như Tây Ban Nha, Đức và Pháp về thông tin Mỹ theo dõi các cuộc điện thoại cá nhân của nhiều nguyên thủ quốc gia, ông Ronald Plasterk khẳng định những báo cáo về việc 1,8 triệu cuộc gọi điện thoại và thư điện tử tại nước này bị NSA chặn hồi tháng 12 năm ngoái là có thật.

Ông khẳng định không thể chấp nhận một nước đồng minh không tôn trọng luật pháp Hà Lan./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục