'Nhờ quân tình nguyện Việt Nam, Campuchia giành chiến thắng cuối cùng'

Nhà báo Keo Chandara khẳng định, nếu không có sự giúp đỡ của người anh em, người đồng đội Việt Nam thì Campuchia không thể giành được chiến thắng cuối cùng ngày 7/1/1979 và hồi sinh.
'Nhờ quân tình nguyện Việt Nam, Campuchia giành chiến thắng cuối cùng' ảnh 1Một dãy nhà được gọi là "công xã" tại Tà Sanh ở Tây Bắc Campuchia, được bè lũ Pol Pot – Ieng Sary thiết lập như một căn cứ đầu não sau ngày chế độ diệt chủng của chúng bị lật đổ (7/1/1979) để tiến hành các hoạt động chống phá công cuộc hồi sinh của nhân dân Campuchia. (Ảnh: TTXVN)

"Người dân Campuchia và thế giới đều công nhận rằng nếu không có chiến thắng 7/1/1979 thì sẽ không thể có sự hồi sinh cho dân tộc và đất nước Campuchia. Và nếu không có sự giúp đỡ của người anh em, người đồng đội Việt Nam thì Campuchia không thể giành được chiến thắng cuối cùng và đạt được những kết quả, thành tựu như ngày hôm nay. Đây là một sự thật không thể chối cãi."

Lời khẳng định của nhà báo Keo Chandara, Phó Tổng Giám đốc Hãng Thông tấn Campuchia (AKP) trong cuộc trả lời phỏng vấn phóng viên TTXVN tại Phnom Penh, cũng là nhận định chung của khá nhiều chuyên gia, nhà báo khác khi trao đổi về ý nghĩa sự kiện 40 năm giải phóng Campuchia khỏi chế độ Pol Pot và vai trò của Quân tình nguyện Việt Nam trong sự kiện này.

Hồi tưởng về những tháng năm dưới chế độ diệt chủng Pol Pot, nhà báo Teav Sarak Mony, Tổng biên tập nhật báo Rasmei Kampuchea (Tia sáng Campuchia) chia sẻ, năm 1975, khi ông mới hơn 10 tuổi, Pol Pot đã đẩy gia đình ông và người dân thủ đô dạt về các vùng nông thôn.

Gia đình ông bị Pol Pot liệt vào "danh sách đen" vì cha ông là giáo viên, thuộc thành phần trí thức. Cha ông và nhiều người thân, họ hàng đã bị Pol Pot giết hại, em gái ông cũng qua đời do bị bệnh nhưng không được chăm sóc y tế.

Với ông, khoảng thời gian 3 năm dưới sự đàn áp của chế độ diệt chủng Pol Pot là một trong những ký ức đau thương nhất mà ông không thể lãng quên.

Nhờ chiến thắng 7/1/1979 lịch sử, gia đình ông và những nạn nhân của chế độ Pol Pot đã được giải phóng, ông có thể tiếp tục đi học và trở thành phóng viên, nhà báo từ năm 1985 và làm cho báo Rasmei Kampuchea - nhật báo tiếng Khmer lâu đời và có số lượng bản phát hành lớn nhất tại Campuchia - từ năm 1993 cho đến nay.

'Nhờ quân tình nguyện Việt Nam, Campuchia giành chiến thắng cuối cùng' ảnh 2Người dân Campuchia lánh nạn sang Việt Nam di chuyển trên Quốc lộ 22 (thuộc địa phận tỉnh Tây Ninh), do không thể sống nổi dưới chế độ diệt chủng Pol Pot – Ieng Sary. (Ảnh: Xuân Bân/TTXVN)

Đánh giá về vai trò của Quân tình nguyện Việt Nam đối với chiến thắng 7/1/1979, nhà báo Teav Sarak Mony đã dẫn lời Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen trong chuyến thăm chính thức Việt Nam mới đây, khẳng định vai trò quyết định của Việt Nam trong việc giúp đỡ Campuchia là một sự thật không thể phủ nhận.

['Sự hiện diện của quân tình nguyện Việt Nam giúp hồi sinh Campuchia']

Nếu không có chiến thắng 7/1/1979, nếu không có sự hỗ trợ từ Quân tình nguyện Việt Nam cũng như sự giúp đỡ, ủng hộ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong suốt 10 năm (1979-1989) thì người dân và đất nước Campuchia không thể hồi sinh và phát triển như ngày hôm nay, đặc biệt là sau ngày giải phóng, Campuchia phải đối mặt với 2 vấn đề lớn là tái thiết đất nước song song với ngăn chặn sự quay lại của chế độ diệt chủng Pol Pot.

Ông Youk Chhang, Giám đốc Trung tâm Tư liệu Campuchia (DC-Cam) - tổ chức phi chính phủ chuyên nghiên cứu, tập hợp chứng tích về tội ác của Pol Pot - cũng khẳng định ý nghĩa to lớn của sự kiện 7/1/1979 đối với đất nước Campuchia.

'Nhờ quân tình nguyện Việt Nam, Campuchia giành chiến thắng cuối cùng' ảnh 3Lực lượng vũ trang cách mạng Campuchia và bộ đội tình nguyện Việt Nam phối hợp luyện tập, nâng cao kỹ thuật chiến đấu. (Ảnh: TTXVN)

Hồi tưởng những tháng năm sống dưới chế độ Pol Pot, ông Youk Chhang, khi đó khoảng 13, 14 tuổi, đã phải chứng kiến cảnh gia đình bị đuổi về Takeo, rồi đến tỉnh Banteay Meanchey, giáp biên giới với Thái Lan.

Ông Youk Chhang nhớ lại tình cảnh người dân Campuchia dưới thời Pol Pot không có đồ ăn nhưng phải làm việc nặng nhọc và cực khổ, cuộc sống chỉ gói gọn bằng niềm hy vọng được sống ngày hôm nay mà không dám mơ sống tới ngày mai.

Chia sẻ với phóng viên TTXVN, nhà báo người Australia Peter Starr, cố vấn truyền thông của Văn phòng Quốc hội Campuchia, cho rằng sự kiện ngày 7/1/1979 có thể coi là ngày trọng đại nhất với tất cả người dân Campuchia, đánh dấu sự tự do, thoát khỏi chế độ diệt chủng Pol Pot.

Theo ông, nếu không có sự giúp đỡ của Quân tình nguyện Việt Nam, có thể sẽ có thêm hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn người dân Campuchia bị sát hại dưới chế độ Pol Pot./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục