Những khó khăn chồng chất của nền kinh tế Trung Quốc

Tháng 6/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Trung Quốc giảm mạnh xuống còn 4,3% trong năm 2022 - thấp hơn 0,8% so với dự báo hồi tháng 12.
Những khó khăn chồng chất của nền kinh tế Trung Quốc ảnh 1Công nhân làm việc tại một nhà máy lắp ráp ở Bắc Kinh, Trung Quốc. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Taiwan News, Trung Quốc từng được hưởng lợi từ tốc độ tăng trưởng kinh tế ấn tượng. Thế nhưng, những đánh giá gần đây về Trung Quốc trong năm 2022 lại trở nên xấu đi đáng kể. Trong đó, có ba vấn đề được coi là nghiêm trọng nhất đối với tương lai của nước này, đó là tăng trưởng kinh tế suy giảm, những vấn đề về nhân khẩu học và sự mất lòng tin ngày càng tăng của quốc tế.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế đang giảm dần

Tháng 6/2022, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo "tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) thực tế của Trung Quốc giảm mạnh xuống còn 4,3% trong năm 2022 - thấp hơn 0,8% so với dự báo trong Bản cập nhật Kinh tế Trung Quốc tháng 12/2021."

Trước đó, cuối tháng 5/2022, hai ngân hàng đầu tư hàng đầu thế giới đã cắt giảm dự báo GDP của Trung Quốc với lý do việc nước này tiếp tục áp đặt các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt đối với dịch COVID-19 đã gây tổn hại cho nền kinh tế.

Cụ thể, JP Morgan đã giảm tỷ lệ tăng trưởng dự kiến từ 4,3% xuống 3,7%, trong khi UBS điều chỉnh dự báo tăng trưởng từ 4,2% xuống còn 3%. Trong khi đó, mục tiêu tăng trưởng chính thức Trung Quốc cho năm 2022 vẫn là 5,5%.

Tuy nhiên, như WB đã giải thích, vấn đề với Trung Quốc không chỉ là tăng trưởng GDP chậm lại mà còn nằm ở nguồn gốc vấn đề, khi nước này nhiều khả năng vẫn bị ràng buộc với "lối chơi cũ" là thúc đẩy tăng trưởng thông qua hạ tầng vay nợ và đầu tư bất động sản. Đây là mô hình tăng trưởng không bền vững và dư nợ của nhiều doanh nghiệp và chính quyền địa phương hiện đã ở mức quá cao.

[Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc quý 2 thấp nhất trong 2 năm]

Như Giáo sư tài chính của trường Đại học Bắc Kinh Michael Pettis đã lập luận hồi cuối tháng 4/2022, Trung Quốc có thể tiếp tục bỏ qua “những ràng buộc khó khăn về ngân sách” bằng cách cho phép các chính quyền địa phương, doanh nghiệp nhà nước và các nhà phát triển bất động sản đầu tư nhiều hơn. Tuy nhiên, một lượng lớn đầu tư không mang lại hiệu quả khiến gánh nặng nợ của đất nước tăng lên vô thời hạn.”

Trong bối cảnh đó, Trung Quốc cần thay thế các khoản đầu tư phi năng suất như vậy bằng cách bắt đầu đầu tư hiệu quả hơn, chẳng hạn như đầu tư vào công nghệ mới và thúc đẩy tiêu dùng.

Dân số đang giảm dần

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những lựa chọn thay thế này hoặc khó đạt được, hoặc không khả thi.

Có một thách thức cơ bản hơn mà Trung Quốc phải đối mặt là thảm họa nhân khẩu học đang diễn ra, khiến triển vọng kinh tế nước này thậm chí trở nên ảm đạm hơn.

Chuyên gia phân tích địa chính trị Peter Zeihan nói: “Trung Quốc trong năm 2022 ghi nhận tốc độ xã hội già hóa nhanh nhất trong lịch sử loài người. Ở Trung Quốc, câu chuyện gia tăng dân số đã kết thúc kể từ khi tỷ lệ sinh của nước này giảm xuống dưới mức tỷ lệ sinh thay thế vào những năm 1990. Tỷ lệ sinh thay thế đầy đủ là 2,1 con/phụ nữ nhưng tính đến đầu năm 2022, cuộc điều tra dân số năm 2010-2020 chỉ được công bố một phần của Trung Quốc cho thấy tỷ lệ cao nhất được ghi nhận ở Trung Quốc chỉ là 1,3 con/phụ nữ...”

Niềm tin toàn cầu

Môi trường quốc tế mà Bắc Kinh phải hoạt động đang ngày càng trở nên không thân thiện với Trung Quốc và nhiều chính sách của nước này. Theo cuộc khảo sát mới nhất của Trung tâm Nghiên cứu Pew được công bố ngày 29/6, rất ít quốc gia phát triển, đặc biệt là các nước phương Tây, có quan điểm tích cực về Trung Quốc.

Có thể nói, thái độ đối với Trung Quốc đang ở mức tiêu cực. Các quan điểm chỉ trích về Trung Quốc tăng đột biến vào năm 2020, sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Trong số 19 quốc gia được khảo sát, 68% đưa ra quan điểm bất lợi đối với Trung Quốc.

Có thể khẳng định rằng các vấn đề mà Trung Quốc phải đối mặt hiện nay không là dễ giải quyết. Điều này khiến việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở thành một sứ mệnh khó khăn bởi vì những thay đổi chính sách cần thiết sẽ mất thời gian và sẽ khó được áp dụng về mặt chính trị.

Sự suy giảm kinh tế cũng liên quan chặt chẽ đến sự suy giảm nhân khẩu học mang tính hệ thống mà khó có thể xoay chuyển được. Việc yêu cầu các gia đình chỉ có một con sẽ dễ dàng hơn là thuyết phục họ phải có ba con.

Cuối cùng, kết quả Khảo sát của Pew cho thấy ngoài những thách thức về kinh tế và nhân khẩu học, Trung Quốc còn có một vấn đề về hình ảnh của trong mắt nhiều quốc gia quan trọng nhất trên thế giới mà họ phải giao dịch, đàm phán, tìm kiếm đầu tư và tương tác song phương và đa phương.

Đây là một thách thức đặc biệt khó vượt qua./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục