Những lợi thế đặc biệt về kinh tế-du lịch của Khu kinh tế Vân Đồn

Trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý của đặc khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh đã thu hút được 36.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng cho đặc khu này; nhiều dự án có tổng mức đầu tư từ 5.000-7.000 tỷ đồng.
Những lợi thế đặc biệt về kinh tế-du lịch của Khu kinh tế Vân Đồn ảnh 1Hải sản từ cảng Cái Rồng được vận chuyển đi tiêu thụ ở các vùng lân cận. (Ảnh: Văn Đức/TTXVN)

Ngay sau khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc cho phép xây dựng các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Quảng Ninh đã bắt tay vào xây dựng Đề án Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và thuê tư vấn nước ngoài.

Cùng với đó, tỉnh đã chủ động huy động, thu hút các nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng…

Từ những lợi thế

Vân Đồn (Quảng Ninh) là một huyện đảo miền núi nằm ở vị tri tiền tiêu phía Đông Bắc của Tổ quốc. Huyện có hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích đất tự nhiên là trên 551 km2, chiếm trên 9% diện tích toàn tỉnh Quảng Ninh; phần vùng biển rộng trên 1.600km2, hợp thành bởi hai quần đảo Cái Bầu và Vân Hải.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý về chủ trương cho phép tỉnh Quảng Ninh tổ chức triển khai lập Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội và lập lại Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn theo định hướng là đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Nói về lợi thế lớn nhất của Khu kinh tế Vân Đồn, ông Nguyễn Văn Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Tổ trưởng tổ công tác hoàn thiện Đề án thành lập Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn cho biết Vân Đồn có vịnh Bái Tử Long đẹp không kém gì vịnh Hạ Long, với hàng trăm hòn đảo đất tuyệt đẹp cho phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp. Điều quan trọng là tất cả còn hoang sơ, chưa bị tác động bởi bàn tay con người.

Bên cạnh đó, Vân Đồn còn có quỹ đất “sạch” rất lớn. Vì thế, đến đây, các nhà đầu tư có tầm cỡ tha hồ thể hiện ý tưởng, đưa ra những sản phẩm, dịch vụ đẳng cấp thế giới.

Ngoài ra, từ sân bay Vân Đồn, trong bán kính 5 giờ bay có thể tiếp cận tới thị trường rộng lớn gồm Đông Á, ASEAN, Trung Quốc với dân số hơn 3 tỷ người và tổng GDP hơn 22.000 tỷ USD.

Trên cơ sở xác định tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đã xây dựng Đề án Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn. Theo đó, xây dựng Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; trung tâm kinh tế năng động phát triển ngành nghề mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ, du lịch phức hợp cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại có casino, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực Hành lang kinh tế Trung Quốc-ASEAN.

Đảm bảo mô hình phát triển theo hướng thân thiện môi trường, bộ máy hành chính tinh gọn, thể chế, cơ chế, chính sách cạnh tranh toàn cầu ở mức cao nhất; khai thác hiệu quả tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, thu hút mạnh các nguồn lực đầu tư, tích cực thu hút và quy tụ nguồn lực sáng tạo, phương thức quản lý mới, tiên tiến; nuôi dưỡng động lực mới cho phát triển, thúc đẩy tăng trưởng để Quảng Ninh thực sự trở thành đầu tàu kinh tế khu vực phía Bắc, có sức lan toả trong vùng và cả nước; bảo đảm quốc phòng-an ninh góp phần giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Đề án Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn là kết quả của một quá trình chỉ đạo và thực hiện nhiều năm qua của Bộ Chính trị, Chính phủ, các bộ, ngành và tỉnh Quảng Ninh. Đến nay, tỉnh Quảng Ninh đã cơ bản hoàn thiện Đề án, sớm báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư để xin ý kiến các Bộ, ngành liên quan trong thời gian sớm nhất.

Đến sự chuẩn bị công phu

Có thể nói, Quảng Ninh là một trong những địa phương đi đầu và rất tích cực trong việc xây dựng và phát triển đặc khu. Ngay sau khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước về việc cho phép xây dựng các đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, Quảng Ninh đã bắt tay vào xây dựng Đề án, lựa chọn nhà đầu tư chiến lược và thuê tư vấn nước ngoài.

Đầu năm 2017, Quảng Ninh đã mời lãnh đạo hai tỉnh Khánh Hòa và Kiên Giang cùng thảo luận về việc xây dựng đề án phát triển các đặc khu, cũng như góp ý xây dựng Luật Đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt, để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất.

Không chỉ xây dựng Đề án, trong suốt thời gian qua qua, Quảng Ninh đã chủ động huy động, thu hút các nguồn lực để đầu tư đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó thu hút gần 20.000 tỷ đồng làm các công trình động lực như: Cảng hàng không Quảng Ninh và khu dịch vụ hậu cần cảng hàng không; khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn; khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp có casino...; trên 40.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng giao thông quan trọng kết nối đến Vân Đồn như: cao tốc Hạ Long-Hải Phòng, cao tốc Hạ Long-Vân Đồn, cầu Bạch Đằng, cầu Bắc Luân, đường cao tốc Vân Đồn-Móng Cái... Đến Vân Đồn hôm nay, đã thấy các công trình trọng điểm đang dần được định hình.

Phát biểu tại một buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Quảng Ninh (tháng 4/2017), Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã đánh giá cao Đề án Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn đã được tỉnh Quảng Ninh nghiên cứu, chuẩn bị công phu, có chiều sâu, thể hiện quyết tâm lớn của tỉnh Quảng Ninh.

Với sự chuẩn bị kỹ lưỡng trên, Quảng Ninh dự kiến, đến năm 2020, đặc khu này sẽ thu hút khoảng 90.000-98.000 lao động mới và thu hút từ 110.000-111.000 lao động mới vào năm 2030; phấn đấu đến năm 2030, GDP của đặc khu sẽ vào khoảng 21.300USD/đầu người.

Và triển vọng kéo đầu tư về Quảng Ninh

Thời gian qua, để tăng cường thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Ninh cũng đã tập trung nghiên cứu, cụ thể hoá các nhóm cơ chế chính sách đặc thù cho Khu hành chính-kinh tế đặc biệt Vân Đồn như chính sách ưu đãi thuế; chính sách tài chính, tiền tệ, ngân hàng; chính sách về đất đai và nhà ở; chính sách về đào tạo và phát triển nguồn nhân lực; chính sách quản lý cư trú đối với công dân Việt Nam; chính sách xuất, nhập cảnh, di chuyển thể nhân và giải quyết tranh chấp; chính sách đối với hàng hoá xuất, nhập khẩu; cơ chế đầu tư nguồn ngân sách nhà nước và công tác quy hoạch; cơ chế chi thưởng xúc tiến đầu tư và thành lập doanh nghiệp.

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, ông Nguyễn Văn Thành, trong quá trình hoàn thiện cơ sở pháp lý của đặc khu kinh tế Vân Đồn, Quảng Ninh đã thu hút được 36.000 tỷ đồng đầu tư hạ tầng cho đặc khu này; nhiều dự án có tổng mức đầu tư từ 5.000-7.000 tỷ đồng.

Hiện nay, cũng có nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước đến trình quy hoạch, dự án về du lịch, thương mại đẳng cấp quốc tế, với tổng số vốn trên 20.000 tỷ đồng, dự kiến sẽ khởi công vào năm tới.

Về xây dựng dự án Luật khu hành chính-kinh tế đặc biệt, với tinh thần chủ động, tích cực, tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo triển khai xây dựng dự thảo Luật với tinh thần, quan điểm là đảm bảo giữ vững vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng; giữ vững độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của đất nước; bảo đảm quốc phòng, an ninh; ổn định và phát triển toàn diện về các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, môi trường.

Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV vừa qua, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến lần đầu về dự Luật đơn vị hành chính-kinh tế đặc biệt.

Ông Nguyễn Văn Thành cho biết, Quảng Ninh cũng như các nhà đầu tư mong muốn luật được thông qua càng sớm càng tốt, nhiều nhà đầu tư chỉ chờ luật được thông qua là sẽ đổ tiền vào./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục