Việt Nam với giá trị đa dạng sinh học cao và được công nhận là một trong các quốc gia cần được ưu tiên cho bảo tồn đa dạng sinh học toàn cầu.
Từ năm 1994, Việt Nam đã tham gia Công ước Đa dạng sinh học (CBD). Kể từ đó đến nay Chính phủ Việt Nam đã quan tâm, đầu tư đáng kể về cả nhân lực, tài chính để thực thi các cam kết và nghĩa vụ của mình đối với Công ước.
Tuy nhiên, trong tiến trình công nghiệp hóa và đô thị hóa đã và đang tác động xấu đến việc bảo tồn đa dạng sinh học ở Việt Nam, đòi hỏi phải có những giải pháp khả thi và sự nỗ lực hơn nữa của các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương đối với công tác này.
Bài 1: Những mối đe dọa đối với đa dạng sinh học
Đa dạng sinh học ở Việt Nam đang đối mặt với rất nhiều đe dọa. Việc gia tăng dân số và tiêu dùng là áp lực dẫn tới sự khai thác quá mức tài nguyên sinh vật, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội nhanh chóng đã làm thay đổi cảnh quan thiên nhiên. Việc thay đổi phương thức sử dụng đất, xây dựng nhiều cơ sở hạ tầng đã làm giảm đáng kể diện tích sinh cảnh tự nhiên, tăng sự chia cắt các hệ sinh thái, làm suy giảm môi trường sống của nhiều loài động vật, thực vật hoang dã.
Thiếu cơ sở khoa học về chuyển đổi sử dụng đất, mặt nước
Việc chuyển đổi đất rừng và các vùng đất ngập nước thành đất canh tác nông nghiệp, trồng cây công nghiệp hoặc nuôi trồng thủy sản; quá trình đô thị hóa và phát triển cơ sở hạ tầng cũng dẫn đến việc mất hay phá vỡ các hệ sinh thái và các sinh cảnh tự nhiên, làm suy giảm đa dạng sinh học. Việc chuyển đổi rừng nghèo kiệt sang trồng cao su làm giảm đáng kể diện tích rừng khộp ở Tây Nguyên và rừng tự nhiên ở nhiều vùng trong cả nước.
Theo báo cáo của ngành kiểm lâm, năm 2008 khu vực Tây Nguyên chuyển 150.000ha rừng nghèo kiệt sang trồng cao su. Đến nay các tỉnh đã chuyển đổi một diện tích khá lớn như Đắk Lắk đã chuyển 69.557ha, trong đó có hơn 53ha rừng khộp; Gia Lai 51.000ha, Bình Phước 42.000ha. Theo thống kê, từ năm 2008 đến nay đã có khoảng 100.000ha rừng khộp - kiểu hệ sinh thái đặc thù của thế giới ở Tây Nguyên, đã bị hủy diệt.
Đất sản xuất nông nghiệp của Việt Nam bình quân diện tích chỉ đạt 0,11 ha/người nhưng lại bị thu hồi chuyển đổi để xây dựng đô thị, khu công nghiệp và các dịch vụ khác. Trung bình mỗi năm quỹ đất nông nghiệp bị mất khoảng 0,43%, từ đó tạo áp lực tăng năng suất bằng cách sử dụng nhiều phân bón hóa học, thuốc trừ sâu; hậu quả là gây ô nhiễm đất, nước, làm suy thoái các hệ sinh thái và đa dạng sinh học.
Vùng cát ven biển là kiểu hệ sinh thái đặc thù của các tỉnh duyên hải Trung Bộ hầu như đã bị biến đổi, giảm các chức năng như ngăn chặn cát bay, chống xói lở bờ biển, lưu giữ nước ngọt. Theo thống kê, riêng diện tích vùng cát từ Hà Tĩnh đến Ninh Thuận 85.100ha. Từ 1999 đến nay do phát triển nuôi tôm trên cát và khai thác sa khoáng ilmenite, xây dựng các khu nghỉ dưỡng đã phá hủy hàng nghìn ha vùng cát ven biển Trung Bộ, diện tích rừng phi lao phòng hộ ven biển bị suy giảm, làm tăng nhanh tốc độ lấn cát sâu vào đất liền, tác động tới các hệ sinh thái nông nghiệp.
Các kết quả điều tra cho thấy, một trong những nguyên nhân chủ yếu làm giảm diện tích rừng ngập mặn là do bị chuyển đổi để làm đầm nuôi tôm... Các bãi triều tự nhiên rộng lớn ở các vùng cửa sông châu thổ Bắc Bộ và Nam Bộ cũng bị thu hẹp để thành các bãi nuôi ngao. Thời gian gần đây, một diện tích mặt nước đáng kể trong vVnh Hạ Long, Bái Tử Long được sử dụng để phát triển nghề nuôi thủy sản bằng lồng, bè. Các hình thức nuôi này cũng là một trong những nguyên nhân làm suy giảm môi trường nước, làm mất đi các hệ sinh thái rạn san hô, cỏ biển vốn phát triển ở đây.
Việc nuôi cá tra, cá basa với mật độ nuôi cao ở Đồng bằng sông Cửu Long là nguyên nhân gây ô nhiễm môi trường tiềm tàng, ảnh hưởng đến đa dạng sinh học. Dư thừa thức ăn cho cá với hàm lượng lớn chất dinh dưỡng cao không tiêu hủy hết cộng với sản phẩm bài tiết từ đàn cá nuôi, dẫn tới ô nhiễm hữu cơ, tác động tới hệ sinh thái và quần xã thủy sinh ở đó.
Về công trình thủy điện, tính đến năm 2010, trên cả nước có hơn 1.020 dự án thủy điện (tổng công suất 24.246 MW) đã được quy hoạch, trong đó có 138 dự án trong Quy hoạch bậc thang thủy điện trên dòng chính các sông lớn được Bộ Công Thương phê duyệt. Ở góc độ sinh thái và bảo tồn đa dạng sinh học, các nghiên cứu đều cho rằng tác động của việc xây đập, hồ chứa tới vùng sông hạ lưu sau đập khá lớn. Làm thay đổi các kiểu nơi cư trú như vực sông-suối, ghềnh, bãi cát trên sông, đồng bằng ngập lụt ven sông, lòng sông dẫn đến thay đổi cấu trúc thành phần loài thủy sinh. Nhịp sống của thủy sinh vật như thời kỳ sinh sản, sinh trưởng, kiếm mồi và các phản ứng khác với môi trường sống bị thay đổi. Nhiều loài thủy sinh vật, đặc biệt các loài có tập tính di cư dài, có tập tính di chuyển kết nối theo chiều dọc sông bị ảnh hưởng. Thay đổi dòng chảy tạo điều kiện thuận lợi cho các loài ngoại lai xâm nhập vào hệ sinh thái sông.
Việc xây dựng các hồ chứa cho thủy điện bên cạnh làm mất đi các khu rừng tự nhiên, ngăn cản đường di cư của cá, phân cắt dòng sông. Nhiều công trình hồ chứa thủy điện khi đi vào hoạt động đã không vận hành đúng quy trình như chế độ xả lũ, bảo đảm dòng chảy môi trường gây ra các thiệt hại về người, về kinh tế, ảnh hưởng đến các hệ sinh thái vùng hạ lưu. Ngoài ra, việc phát triển cơ sở hạ tầng còn làm tăng dân số cơ học tạo ra tác động gián tiếp đến suy thoái đa dạng sinh học.
Sức ép từ gia tăng dân số
Theo dự báo, dân số của Việt Nam có thể tăng lên tới gần 122 triệu vào năm 2050. Hiện Việt Nam là nước có mật độ dân số cao, vào khoảng 240 người/km2. Mặt khác, xu thế biến động dân số còn liên quan tới hiện tượng di cư trong nội vi đất nước. Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ là nơi diện tích rừng lớn nhất cũng là nơi có số lượng người di cư tới nhiều nhất.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, từ năm 2005 đến 2008, tổng số hộ di cư tự do vào Tây Nguyên là 9.551 hộ với 40.782 nhân khẩu, bình quân một năm là 2.413 hộ với 10.195 nhân khẩu. Di cư tự do vào Tây Nguyên trong năm 2006 giảm mạnh so với năm 2005 nhưng lại tăng trở lại vào các năm 2007, 2008 và cho đến nay vẫn chưa chấm dứt.
Với hầu hết người di cư, đặc biệt là đối với đồng bào các dân tộc miền núi phía Bắc, kinh tế chủ yếu dựa vào khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên như khai thác gỗ, săn bắn thú rừng. Khi dân số tăng cao, áp lực khai thác, sử dụng và tiêu thụ tài nguyên càng lớn hơn. Sức ép lớn nhất là nhu cầu sử dụng đất để canh tác nông nghiệp, chăn nuôi ngày càng tăng, dẫn đến việc chặt phá rừng khó kiểm soát chặt chẽ. Do đó, tài nguyên sinh vật ngày càng cạn kiệt, số lượng các loài hoang dã ngày càng ít đi, khối lượng các quần thể sinh vật ngày càng suy giảm, nguồn gen ngày càng nghèo nàn.
Việt Nam đang trong thời kỳ đổi mới mạnh mẽ trên mọi khía cạnh kinh tế và xã hội. Trải qua một thập kỷ cải cách kinh tế, GDP hàng năm của Việt Nam đã tăng trung bình 7%, cao thứ hai ở châu Á. Tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng đã tạo nên những tác động tổng hợp đối với đa dạng sinh học, trong đó có vấn đề làm gia tăng nhu cầu sử dụng và chuyển đổi tài nguyên thiên nhiên với một tốc độ chưa từng có trước đây.
Số liệu thống kê của Tổng cục Lâm nghiệp cho thấy, trong khoảng thời gian từ năm 2000 tới năm 2009, sản lượng khai thác gỗ tăng hơn nhiều so với giai đoạn trước đó, trung bình sản lượng khai thác gỗ và lâm sản ngoài gỗ hằng năm là 3,247 triệu m3. Riêng năm 2010, sản lượng khác thác gỗ, lâm sản ngoài gỗ ước tính 4,950m3.
Nhằm hạn chế suy giảm diện tích và chất lượng rừng tự nhiên, Chính phủ Việt Nam đã ban hành hàng loạt các quy định để kiểm soát khai thác gỗ thương mại. Mặc dù vậy, các hoạt động khai thác gỗ lậu vẫn diễn ra tại một số địa phương. Việc xây dựng các đường vận chuyển gỗ lại thường tạo điều kiện dễ dàng hơn cho các hoạt động săn bắt động vật và khai thác lâm sản ngoài gỗ, gây áp lực càng lớn đối với các quần thể động, thực vật hoang dã vốn đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự suy thoái và chia cắt sinh cảnh.
Khoảng 1/5 dân số Việt Nam sống dựa vào đánh bắt thủy sản để sinh sống, các hoạt động này cũng đóng góp một phần rất lớn cho nhu cầu thực phẩm của nhân dân và xuất khẩu. Tuy vậy, việc gia tăng mức độ tiêu thụ, cùng với việc quản lý đánh bắt chưa hiệu quả đã dẫn tới việc khai thác thủy sản quá mức ở nhiều vùng làm suy giảm nguồn lợi thủy sản và phá vỡ những rạn san hô ven bờ. Nhiều loài hải sản có giá trị cao bị suy giảm nghiêm trọng như tôm hùm, bào ngư, điệp... Đánh bắt mang tính hủy diệt như dùng chất nổ, chất độc và sốc điện để đánh bắt cá vẫn còn diễn ra cả trong nội địa và vùng duyên hải, đe dọa hơn 80% rạn san hô của Việt Nam.
Báo cáo Môi trường quốc gia năm 2010 về Tổng quan môi trường Việt Nam cũng đã chỉ ra rằng, ô nhiễm môi trường gia tăng ở nhiều lĩnh vực như ô nhiễm hữu cơ ở các lưu vực sông; ô nhiễm tại các đô thị; các khu, cụm công nghiệp, làng nghề; sản xuất nông nghiệp; vùng ven biển. Môi trường nước mặt ở hầu hết các đô thị và nhiều lưu vực sông bị ô nhiễm chất hữu cơ và có thông số ô nhiễm đặc trưng vượt tiêu chuẩn cho phép nhiều lần, đặc biệt là các lưu vực sông Nhuệ-Đáy và sông Đồng Nai.
Ô nhiễm trong sản xuất nông nghiệp ngày càng gia tăng với trung bình mỗi năm thải ra môi trường hơn 19.600 tấn vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật và phân bón. Lượng phân bón dùng trong nông nghiệp tăng 517% trong vòng 25 năm qua, trong đó 2/3 số lượng phân đã bón không được cây trồng hấp thụ.
Cùng với đó, Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nhất của biến đổi khí hậu toàn cầu. Trong điều kiện biến đổi khí hậu, các hệ sinh thái bị chia cắt chắc chắn sẽ phản ứng kém cỏi hơn trước những sự thay đổi này, có thể sẽ không tránh khỏi sự mất mát các loài sinh vật với tốc độ rất cao
Các nhà khoa học đã chứng minh được sự di cư của một số loài do sự ấm lên của Trái Đất. Theo kết quả điều tra sơ bộ (từ năm 2003-2007) tại Vườn quốc gia Hoàng Liên, đang có sự dịch chuyển lên cao của một số loài cây đặc trưng thuộc các đai thực vật khác nhau. Hiện tượng này được gọi là hiện tượng “dịch chuyển vành đai nhiệt lên cao." Trong số đó, có loài thông Vân San Hoàng Liên (loài đặc hữu), trước đây chỉ sinh trưởng ở độ cao 2.200-2.400m, thì nay chỉ có thể gặp ở độ cao 2.400-2.700m. Các loài thông thích Xi-Pan, thông thích Sa Pa và một số loài khác cũng đang có xu hướng “dịch chuyển” dần lên cao.
Nhiệt độ tăng còn làm gia tăng khả năng cháy rừng, nhất là các khu rừng trên đất than bùn vừa gây thiệt hại tài nguyên sinh vật, vừa gia tăng lượng phát thải khí nhà kính làm gia tăng biến đổi khí hậu. Biến đổi khí hậu cùng với sự suy giảm diện tích rừng đầu nguồn, sử dụng tài nguyên nước không hợp lý dẫn tới hiện trượng lũ lụt, lũ quét, sạt lở đất… xảy ra ngày càng nhiều, hậu quả ngày càng nghiêm trọng đối với đời sống con người và môi trường.
Hạn hán, thiếu nước điển hình kéo dài liên tục nhiều tháng đã xảy ra trong các mùa khô gần đây 2004-2005 và 2010 đã làm cho cháy rừng xảy ra trên diện rộng; cây trồng bị hạn hơn 254.000ha, trong đó có trên 25.000ha lúa, 178.000ha càphê, nhiều khu rừng lớn bị cháy, bị khô cằn, bị chết làm ảnh hưởng rất lớn và lâu dài đến đa dạng sinh học và các hệ sinh thái./.