Nỗ lực đưa sản phẩm cói mỹ nghệ Kim Sơn ra thị trường thế giới

Để có thể làm ra được những sản phẩm đẹp, hợp với thị hiếu, những nghệ nhân làm cói Kim Sơn trải qua nhiều công đoạn như lên ý tưởng, thiết kế mẫu mã và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Người thợ thủ công làm ra các sản phẩm từ cói ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)
Người thợ thủ công làm ra các sản phẩm từ cói ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn vừa được vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, nâng tổng số Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia trên địa bàn tỉnh Ninh Bình lên 7 di sản.

Lịch sử hình thành làng nghề

Huyện Kim Sơn nằm ở phía Đông Nam tỉnh Ninh Bình, đất đai thổ nhưỡng và địa hình của huyện Kim Sơn được chia làm hai vùng rõ rệt, gồm vùng đồng bằng và ven biển. Với hệ thống sông ngòi dày đặc, trong đó có 3 sông lớn gồm sông Đáy, sông Càn và sông Vạc đổ ra biển ở cửa Đáy tạo nên lượng phù sa rất lớn cho vùng đất Kim Sơn, góp phần vào quá trình bồi tụ lấn biển của vùng đất này.

Căn cứ sử sách, các thần tích, dấu tích khảo cổ và truyền thuyết tại địa phương, thời gian hình thành các làng chuyên làm nghề Cói ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình, gắn liền với quá trình thau chua rửa mặn và công cuộc khai hoang lấn biển thành lập huyện Kim Sơn của Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ.

ttxvn-coi kim son2.jpg
Người thợ thủ công làm ra các sản phẩm từ cói ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Theo các bô lão cao niên sinh sống tại vùng đất Kim Sơn kể lại rằng, vào năm 1829, chính Doanh điền sứ Nguyễn Công Trứ đã tổ chức khai hoàng vùng đất hoang hóa ven biển này theo lệnh của vua Minh Mạng. Sau đó, ông đã đặt tên cho nơi này là Kim Sơn và giữ cái tên này cho đến tận ngày nay.

Bằng chính kinh nghiệm của mình, ông đã nhận thấy tiềm năng của vùng đất ven biển này, từ đó biến những lợi thế ấy trở thành một "mỏ vàng" thật sự với nào cây cối, lúa, cói và cả kinh tế biển nữa.

Cũng chính từ dạo ấy, vùng đất hoang ngày nào đã thật sự lột xác, vươn mình trở thành một trong những làng nghề truyền thống nổi bật bậc nhất chốn Ninh Bình.

Trải qua cả trăm năm quai đê lấn biển, người dân vùng Kim Sơn đã cùng nhau tạo nên những bãi bồi mênh mông để trồng cói - nguyên liệu chính của nghề dệt.

ttxvn-coi kim son3.jpg
Các sản phẩm từ cói ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Nỗ lực không ngừng phát triển nghề truyền thống

Trải qua hàng năm hình thành và phát triển, những người thợ lành nghề nơi đây vẫn ngày nỗ lực không ngừng phát triển nghề truyền thống của làng ngày càng lớn mạnh. Đặc biệt, cói Kim Sơn đã và đang góp phần gìn giữ và đưa những giá trị truyền thống của quê hương đất nước ra thị trường thế giới.

Cây cói Kim Sơn với độ mềm mại, óng ả lý tưởng, thích hợp để đan, dệt nên thành những sản phẩm mỹ nghệ thủ công khéo léo, tinh xảo. Nổi bật nhất trong số đó phải kể đến chiếu cói.

ttxvn-coi kim son4.jpg
Các sản phẩm của nghề thủ công truyền thống làm cói huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Để dệt nên một tấm chiếu cói là một quá trình lao động đầy sáng tạo nhưng cũng vất vả, đòi hỏi người thợ phải cẩn thận, chăm chút trong từng khâu, từ chọn cói, phơi cói, nhuộm cói sao để cói có màu đỏ tươi và bền màu, đặc biệt là khâu dệt cải hoa của chiếu nữa. Người dệt hoa cải đòi hỏi thao tác phải nhanh, uyển chuyển, mềm mại và mắt phải tinh, tay cải phải chính xác, thuộc từng nét cải để khi đan không mắc lỗi.

Không chỉ có chiếu cói, những người thợ lành nghề nơi làng nghề cói Kim Sơn còn tạo ra những sản phẩm độc, lạ, có giá trị mà hiếm nơi khác có thể bì được, chẳng hạn như chiếu, mũ, dép, túi xách, hộp, cốc,...

Ngoài ra, để có thể làm ra được những sản phẩm đẹp, phù hợp với thị hiếu của mọi người, những người nghệ nhân làm cói còn phải trải qua những công đoạn khác như lên ý tưởng, thiết kế mẫu mã và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm.

Đặc biệt hơn, ngày nay, họ còn ứng dụng cả kỹ thuật sử dụng keo polyascera để phun phủ lên bề mặt sản phẩm cói, giúp định hình ổn định và nâng cao khả năng chống mốc, ẩm cho sản phẩm. Nhờ đó những sản phẩm cói mỹ nghệ Kim Sơn đảm bảo chất lượng khi tới tay người tiêu dùng, góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

ttxvn-coi kim son5.jpg
Người thợ thủ công làm ra các sản phẩm từ cói ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Sau khi được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận Nghề thủ công truyền thống nghề cói Kim Sơn là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tỉnh Ninh Bình tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đối với quá trình bảo tồn, phát triển các làng nghề, kết hợp chặt chẽ với các loại hình du lịch làng nghề, du lịch sinh thái; đổi mới cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực và quan tâm đúng mức và tôn vinh tài năng các nghệ nhân làng nghề cói, đặc biệt là những nghệ nhân đã và đang dệt chiếu./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục