Nợ xấu 'phình to,' thành quả xử lý 5 năm có nguy cơ bị 'san phẳng'

Các chuyên gia cho rằng việc luật hóa các quy định về xử lý nợ xấu là rất cần thiết, khi đó lĩnh vực này sẽ có văn bản riêng để điều chỉnh, giúp cho ngành ngân hàng xử lý hiệu quả hơn.
Nợ xấu 'phình to,' thành quả xử lý 5 năm có nguy cơ bị 'san phẳng' ảnh 1Quảng cảnh tại Hội thảo. (Ảnh: Vietnam+)

Tại hội thảo trực tuyến “Xử lý nợ xấu trong đại dịch COVID-19 và hoàn thiện chính sách pháp luật về xử lý nợ xấu theo hướng Luật hóa Nghị quyết 42/2017/QH14” do Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 24/11, đại diện các tổ chức tín dụng thừa nhận ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 đã khiến nợ xấu dềnh lên nhanh chóng, làm chậm tiến độ xử lý và giảm hiệu quả thu hồi nợ.

Nợ xấu quay về vạch xuất phát

Trải qua gần 5 năm đi vào thực tiễn, các quy định tại Nghị quyết 42 đã tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho công tác xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, mang lại những chuyển biến tích cực trong công tác xử lý nợ xấu và góp phần không nhỏ vào kết quả công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020.

Tính đến cuối tháng 8/2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 1.300 nghìn tỷ đồng nợ xấu; trong đó tổng nợ xấu xác định theo Nghị quyết số 42 của toàn hệ thống các tổ chức tín dụng đến 31/8 là 424.100 tỷ đồng, đã xử lý được 364.100 tỷ đồng kể từ 15/8/2017-31/8/2021.

[Xử lý nợ xấu ngân hàng: Đã đến lúc cần hành lang pháp lý cao hơn]

Tuy nhiên, 2 năm gần đây, dịch COVID đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, kéo theo sự khó khăn của hệ thống doanh nghiệp.

"Trong bối cảnh vừa chống dịch vừa sản xuất vừa đảm bảo an toàn, chắc chắn khó khăn của doanh nghiệp sẽ kéo theo khó khăn của các ngân hàng và dự kiến, nợ xấu sẽ tăng lên trong thời gian tới. Thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành 3 Thông tư 01, 03, 14 quy định về cơ cấu nợ, giãn nợ. Trên 600.000 tỷ đồng đã được cơ cấu nợ, nhưng đây mới chỉ là số liệu bước đầu. Từ nay đến cuối năm hoặc sang năm 2022, con số này sẽ còn lên cao nữa, bởi dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh lên tới hơn 3 triệu tỷ đồng. Và bản chất nợ được cơ cấu là nợ xấu," ông Nguyễn Quốc Hùng - Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng cho biết.

Đưa ra dẫn chứng tại hội thảo, ông Lê Trung Kiên, đại diện Cơ quan thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước, cho biết trong giai đoạn triển khai Đề án tái cơ cấu gắn với xử lý nợ xấu 2016-2020, sự ra đời của Nghị quyết 42 đóng góp nhiều kết quả trong xử lý nợ xấu. Nợ xấu giảm từ 1,99% cuối năm 2017 xuống 1,91% năm 2018, 1,63% năm 2019. Tuy nhiên, đến năm 2020, con số này tăng trở lại lên 1,69% và cuối tháng Chín là 1,9%, gần như trở lại ban đầu của năm 2017 - trước khi có Nghị quyết 42.

Mặt khác, cũng theo ông Hùng, cuộc chiến chống COVID-19 xác định sẽ còn kéo dài và diễn biến phức tạp, khó lường dẫn đến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa hoặc bị phá sản; dự báo sau tháng 6/2022, một lượng không nhỏ các doanh nghiệp sẽ bị đứt gãy dòng tiền... "Vì vậy, vấn đề nợ xấu và xử lý nợ xấu là cực kỳ quan trọng, nếu không có biện pháp có thể dẫn đến sự nguy hiểm của hệ thống ngân hàng, tổ chức tín dụng và nền kinh tế nói chung," ông Hùng nói.

Ông Vũ Minh Phương - Phó trưởng phòng Công nợ Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), cũng thừa nhận ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 khiến nợ xấu của ngân hàng tăng lên nhanh chóng, trong khi tiến độ xử lý chậm và hiệu quả thu hồi nợ lại giảm.

Đồng quan điểm trên, ông Trần Phương, Chủ nhiệm Ủy ban Chính sách, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Phó Tổng giám đốc Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cũng cho hay sự suy giảm khả năng tài chính của khách hàng, nhu cầu và năng lực của đối tác mua tài sản bảo đảm/khoản nợ giảm cũng là những nguyên nhân khiến nợ xấu ngân hàng tăng.

Nợ xấu 'phình to,' thành quả xử lý 5 năm có nguy cơ bị 'san phẳng' ảnh 2Nợ xấu và tỷ lệ bao phủ nợ xấu của 17 ngân hàng theo báo cáo tài chính hợp nhất.

Thêm vào đó là việc hạn chế di chuyển, cách ly xã hội, quy định cách ly y tế; các dịch vụ liên quan đến hoạt động xử lý nợ bị tạm dừng; các dịch vụ công hỗ trợ cho công tác xử lý nợ cũng tạm dừng và đặc biệt, công tác khởi kiện, thi hành án tạm dừng... cũng là những yếu tố khách quan làm ảnh hưởng tới tốc độ xử lý nợ xấu.

Trong 8 tháng của năm 2021, toàn hệ thống các tổ chức tín dụng mới xử lý thu hồi được 90.100 tỷ đồng nợ xấu, chỉ đạt 63% so với bình quân giai đoạn 2016-2020; trong đó xử lý được 32.230 tỷ đồng tổng nợ xấu Nghị quyết 42.

Đề xuất có Nghị quyết riêng gỡ khó cho ngân hàng và doanh nghiệp

Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) đề xuất Ngân hàng Nhà nước nên kiến nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết riêng về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và ngân hàng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Quan điểm của Ngân hàng Nhà nước là thận trọng, an toàn hệ thống, không để tổ chức tín dụng che giấu nợ xấu, phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro đúng bản chất khoản nợ là phù hợp quy định pháp luật. Tuy nhiên, VNBA cho rằng Ngân hàng Nhà nước nên báo cáo Chính phủ thực trạng các doanh nghiệp và tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng nghiêm trọng kèm theo trong tương lai nợ xấu sẽ tăng đột biến. Từ đó, đề nghị Chính phủ ban hành một nghị quyết riêng về việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tổ chức tín dụng bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.

Hiện các tỉnh, thành phố đang bị ảnh hưởng dịch COVID-19 chiếm tới khoảng 70%-80% dư nợ của toàn hệ thống ngân hàng Việt Nam, khiến cho số nợ quá hạn và nợ xấu phát sinh chỉ riêng trong khoảng thời gian từ ngày 18/5 đến thời điểm dự thảo thông tư có hiệu lực là rất lớn. VNBA cho rằng chắc chắn trong tương lai, nợ xấu sẽ tăng rất cao và tổ chức tín dụng ngày càng khó khăn về thanh khoản, để lại hậu quả nặng nề cho cả nền kinh tế và ngành ngân hàng.

Về thời điểm được cơ cấu lại khoản nợ, VNBA góp ý nên áp dụng cho số dư của khoản nợ phát sinh từ ngày 10/6/2020 và quá hạn trước ngày thông tư sửa đổi có hiệu lực. Bởi việc đưa ra nhiều mốc thời gian làm khó cho tổ chức tín dụng theo dõi thực hiện, thanh tra, kiểm tra, chưa kể dịch COVID-19 đã tác động đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp trong cả một giai đoạn trước ngày 17/7/2021 (như dự thảo thông tư dự kiến áp dụng).

VNBA cũng đề nghị Ngân hàng Nhà nước cho tổ chức tín dụng được phép: Hoãn trả nợ cho khách hàng cho đến hết 15 ngày, sau ngày công bố chấm dứt thực hiện Chỉ thị 16, trừ trường hợp khách hàng tự nguyện thực hiện trả nợ thông qua các hình thức như chuyển khoản, nộp tiền vào tài khoản, tài khoản khách hàng có đủ số dư để thu nợ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục