Sau khi Mỹ giảm lãi suất, ngân hàng trung ương của một loạt nước đã có động thái tương tự. Tuy nhiên, đó có phải là tín hiệu cho thấy tình hình sắp tốt lên và kinh tế thế giới sẽ bước theo con đường phát triển bền vững?
Câu chuyện gợi nhớ ký ức buồn
1h sáng ngày 19/9 theo giờ Hà Nội, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã quyết định cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm xuống còn 1,75-2%. Đây là lần thứ hai kể từ đầu năm 2019 đến nay, Fed giảm lãi suất, đánh dấu điều mà nhiều người coi là chu kỳ mới với lãi suất. Quyết định hồi tháng 7/2019 với mức giảm tương tự là lần đầu tiên Fed hạ lãi suất trong hơn 1 thập niên qua.
Tuy nhiên, thị trường đã phản ứng khác với thông lệ. Chỉ số công nghiệp Dow Jones của thị trường chứng khoán Phố Wall (Mỹ) ngày 19/9 có lúc giảm tới 211 điểm, chỉ đến khi Chủ tịch Fed Jerome Powell tuyên bố sẽ nghiên cứu thời gian thích hợp cho việc mở rộng bảng cân đối kế toán, biên độ sụt giảm mới thu hẹp dần.
Nguyên nhân đầu tiên là tuy Fed quyết định giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm, nhưng chỉ có 7/17 thành viên trong ban lãnh đạo Fed cho rằng trước cuối năm nay Fed sẽ cắt giảm lãi suất thêm một lần nữa.
Trong đó, 5 thành viên ban lãnh đạo cho rằng Fed nên duy trì mặt bằng lãi suất như hiện nay còn 5 người dự kiến lãi suất sẽ quay đầu tăng trở lại. Rõ ràng, nội bộ ban lãnh đạo Fed không có tiếng nói chung về việc giảm lãi suất trong tương lai dẫn tới những quan ngại về năng lực lãnh đạo của ông Powell.
Bên cạnh đó, tuyên bố của Fed sau cuộc họp quyết định giảm lãi suất ngày 19/9 cho thấy thị trường lao động duy trì xu thế tăng trưởng mạnh, kinh tế tăng trưởng ở mức vừa phải. Fed thậm chí còn nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay từ 2,1% lên 2,2% và giữ nguyên mức dự báo tăng trưởng năm 2020 là 2%.
Nói cách khác, qua lăng kính của Fed, kinh tế Mỹ không những không có gì đáng ngại, động lực tăng trưởng còn có phần cải thiện và lạm phát vẫn duy trì dưới mục tiêu 2% nên không cần thiết phải giảm lãi suất mà đây chỉ là biện pháp phòng ngừa. Tuy nhiên, đối với thị trường, điều đó là chưa đủ. Bởi tình hình kinh tế-chính trị hiện nay chưa từng xuất hiện trong lịch sử.
Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung không biết khi nào mới "hạ hồi phân giải" khiến kinh tế đối mặt với hàng loạt nhân tố không xác định lớn chưa từng có. Trong bối cảnh đó, thị trường cần Fed đóng vai trò như một người cầm lái đưa con thuyền kinh tế vượt qua sóng gió.
Tuy nhiên, thực tế dường như đã đi ngược với kỳ vọng. Một vấn đề đáng chú ý nữa là 2 ngày trước khi Fed hạ lãi suất, chi nhánh Fed tại New York đã phải liên tục bơm tiền vào thị trường tổng cộng 128 tỷ USD thông qua việc mua vào trái phiếu kho bạc Mỹ và các trái phiếu khác. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2008, Fed phải can thiệp bằng cách bơm vốn trên thị trường mở.
Chủ tịch Fed Powell cho rằng hoạt động can thiệp này "hiệu quả trong việc giải tỏa áp lực vốn (vay qua đêm)" cho thị trường. Một trong những nguyên nhân khiến hệ thống ngân hàng xuất hiện tình trạng thiếu hụt tiền dự trữ khiến lãi suất cho vay qua đêm leo thang là do nhu cầu rút tiền tăng mạnh bởi tháng Chín là cao điểm nộp thuế của các công ty Mỹ và Bộ Tài chính Mỹ gần đây liên tục phát hành trái phiếu kho bạc để bù đắp cho khoản thâm hụt ngân sách liên bang đã vượt mốc 1.000 tỷ USD trong tài khóa 2019.
[Mỹ: FED chi nhánh New York tiếp tục 'bơm' 75 tỷ USD vào thị trường]
Ngoài ra, việc Fed trong mấy năm gần đây tiến hành thu hẹp bảng cân đối kế toán cũng khiến lượng tiền dự trữ sụt giảm, từ mức cao là 2.800 tỷ USD năm 2014 xuống còn khoảng 1.500 tỷ USD hiện nay.
Vấn đề ở chỗ tình trạng thiếu hụt tiền dự trữ và lãi suất cho vay qua đêm tăng mạnh đã gợi lại ký ức tồi tệ về năm 2008, khi cuộc khủng hoảng cho vay dưới chuẩn bùng phát ở Mỹ và sau đó đã dẫn tới khủng hoảng tài chính thế giới.
Tuy vậy, các nhà phân tích cho rằng khủng hoảng sẽ không tái diễn ở thời điểm hiện nay vì các ngân hàng lớn của Mỹ đều đã cải thiện bảng cân đối kế toán và đang đạt lợi nhuận ấn tượng. Tuy nhiên, những quan ngại về khả năng kiểm soát của Fed đối với lãi suất ngắn hạn đang tồn tại.
Bổn cũ soạn lại chỉ thêm lo
Sau khi Fed cắt giảm 0,25 điểm phần trăm lãi suất, ngân hàng trung ương các nước như Indonesia, Brazil, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE)… cũng có động thái tương tự.
Đối với Indonesia, đây là tháng thứ ba liên tiếp nước này cắt giảm lãi suất ( 0,25 điểm phần trăm/lần). Trong trường hợp của Brazil, mức cắt giảm lên tới 0,5 điểm phần trăm, lớn gấp đôi của Mỹ, UAE và Indonesia, đưa lãi suất về mức thấp kỷ lục ở nước này (5,5%).
Trước đó, vào tháng 7/2019, Brazil cũng cắt giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Trên thực tế, làn sóng giảm lãi suất đã diễn ra từ trước và sau khi Fed giảm lãi suất lần đầu kể từ năm 2018 vào tháng 7/2019.
Cụ thể, Philippines lần lượt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm/lần trong tháng 5 và 8/2019. Đây là lần đầu tiên trong 6 năm qua, Philippines giảm lãi suất, chủ yếu là do kinh tế quý II năm 2019 của nước này chỉ tăng trưởng 5,5%, thấp nhất trong 4 năm và thấp hơn dự đoán của thị trường. Trong khi đó, trong tháng Sáu và tháng Bảy, Australia lần lượt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm/lần, đưa lãi suất về mức thấp kỷ lục 1%.
Thị trường dự đoán vào tháng 10/2019, Ngân hàng trung ương Australia lại tiếp tục giảm lãi suất. Tháng 8/2019, Thái Lan cũng bất ngờ hạ lãi suất 0,25 điểm phần trăm, lần giảm đầu tiên kể năm 2015.
Thái Lan giảm lãi suất ngoài việc hỗ trợ kinh tế còn nhằm ngăn chặn xu thế mạnh lên của đồng nội tệ. Trước đó một tháng, Hàn Quốc cũng lần đầu tiên trong 3 năm trở lại đây tiến hành cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm. Các nước như Thổ Nhĩ Kỳ, Chile, New Zealand và Nam Phi… cũng không phải là ngoại lệ.
Nếu coi giảm lãi suất là một hình thức bơm tiền hỗ trợ thị trường, những nền kinh tế lớn như Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) cũng có động thái tương tự.
Từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC, ngân hàng trung ương) đã ba lần cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, trong đó từ ngày 16/9 cắt giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tất cả ngân hàng 0,5 điểm phần trăm, đưa ra thị trường khoảng 800 tỷ NDT.
PBoC cũng lên kế hoạch phân chia giai đoạn cắt giảm tổng cộng 1 điểm phần trăm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng đô thị đáp ứng tiêu chuẩn từ ngày 15/10 và 15/11, "giải phóng" thêm khoảng 100 tỷ NDT nữa.
Ngoài ra, sau khi Fed hạ lãi suất, PBoC ngày 19/9 còn sử dụng công cụ nghiệp vụ bơm ròng ra thị trường 170 tỷ NDT.
Đối với EU, ngày 12/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã "mở van" dòng tiền đưa vào thị trường bằng động thái kép. Thứ nhất, ECB quyết định hạ lãi suất tiền gửi 0,1 điểm phần trăm xuống âm 0,5% và tuyên bố sẽ giữ lãi suất ở mức này hoặc giảm thêm cho tới khi triển vọng lạm phát cải thiện. Thứ hai, ECB tuyên bố bắt đầu in tiền trở lại.
Theo đó, từ tháng 11/2019, ECB sẽ chi 20 tỷ euro (22 tỷ USD)/tháng để mua vào trái phiếu. Hơn nữa, ECB sẽ mua trái phiếu cho tới khi nào tình hình kinh tế của Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) chuyển biến tốt. Nói tóm lại, cũng giống như tình trạng thiếu hụt tiền dự trữ và lãi suất cho vay qua đêm tăng vọt, câu chuyện bơm tiền của ngân hàng trung ương các nước một lần nữa gợi nhớ những gì từng xảy ra vào năm 2008.
Tháng 9/2019, cuộc khủng hoảng thế chấp dưới chuẩn bùng nổ ở Mỹ rồi lan ra toàn thế giới. Nhằm giải cứu nền kinh tế nội địa và ngăn chặn khả năng kinh tế thế giới rơi vào Đại Suy thoái như từng diễn ra vào thập niên 1930, bắt đầu từ Fed, tiếp đó là đại đa số ngân hàng trung ương các nước thực thi chính sách tiền tệ siêu nới lỏng, bơm vào thị trường một lượng tiền khổng lồ.
Chỉ riêng ở Mỹ, trong giai đoạn năm 2008-2017, bảng cân đối kế toán của Fed đã mở rộng thêm 4.500 tỷ USD (sau đó chỉ thu hẹp hơn 390 tỷ USD). Lãi suất của Mỹ cũng luôn ở mức thấp nhất trong lịch sử.
Thanh khoản dồi dào giúp chính phủ Mỹ có được nguồn vốn giá rẻ trong bối cảnh thâm hụt tài chính lớn, đồng thời giảm tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp, gia đình Mỹ, nhưng lại "thổi căng một bong bóng khác."
Ví dụ, theo Baseline, chỉ số tổng hợp S&P 500 của thị trường chứng khoán Phố Wall đã tăng 319% từ mức "đáy" vào tháng 3/2009. Điều tương tự cũng xảy ra ở Trung Quốc. Theo Giáo sư Dị Hiến Dung thuộc Viện Kinh tế, Đại học Thanh Đảo, trong 10 năm, nguồn tín dụng ngân hàng ở Trung Quốc tăng từ mức 5.000 tỷ NDT của năm 2008 lên 15.000 tỷ NDT trong năm 2018.
Vấn đề ở chỗ đa phần tín dụng chảy vào thị trường bất động sản của Trung Quốc, khiến giá nhà đất ở các thành phố tại Trung Quốc tăng mạnh, trong đó có nơi tăng hơn 10 lần. Trong giai đoạn 2009-2018, lượng tài sản ròng ở Mỹ đã tăng 33.600 tỷ USD, nhưng chỉ chảy vào túi một bộ phận nhỏ.
Tình hình tương tự cũng xảy ra tại Trung Quốc khi số bất động sản có giá ở nước này cũng thuộc sở hữu của một số ít người. Điều này có nghĩa trong 10 năm qua, sau khi các ngân hàng trung ương rót một lượng tiền lớn vào thị trường, kinh tế các nước đã không đi theo con đường tăng trưởng bền vững.
Từ kinh nghiệm của Nhật Bản và những gì trải qua trong 10 năm sau khi khủng hoảng tài chính thế giới bùng nổ có thể thấy hiệu quả của việc bơm tiền quy mô lớn vào thị trường rất hạn chế.
Tiền chảy ồ ạt vào thị trường không những không thúc đẩy mặt bằng giá cả toàn cầu đi lên toàn diện mà cũng không bảo đảm kinh tế các nước phát triển bền vững. Ngược lại, lạm phát thấp, tăng trưởng thấp, lương thấp… đã trở thành trạng thái bình thường mới của nhiều nền kinh tế.
Bên cạnh đó, việc phân phối tài sản ngày càng thiếu công bằng, ngày càng tập trung vào tay một nhóm nhỏ, trong khi đa số bị bần cùng hóa dẫn tới sự thay đổi lớn về môi trường chính trị ở các nước, kích thích sự trỗi dậy của chủ nghĩa dân túy.
Cho nên, sự tái xuất hiện của làn sóng nới lỏng chính sách tiền tệ dường như chỉ mang tới hiệu ứng nhất thời trong khi một lần nữa gây ra lo lắng lâu dài./.