Nước Nga đứng trước bờ vực của một vụ vỡ nợ lịch sử

Với điều khoản miễn trừ cho Nga thanh toán nợ nước ngoài không được gia hạn, một phần trong số 40 tỷ USD trái phiếu quốc tế khó tránh khỏi nguy cơ không thể thanh toán, đẩy nước Nga đến bờ vực vỡ nợ.
Nước Nga đứng trước bờ vực của một vụ vỡ nợ lịch sử ảnh 1Trụ sở Ngân hàng Trung ương Nga tại Moskva. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Reuters, Mỹ đã đẩy nước Nga đến gần bờ vực của một vụ vỡ nợ lịch sử với quyết định thu hồi quy chế miễn trừ cho phép Nga thanh toán nợ nước ngoài cho các trái chủ, trong bối cảnh Washington đang gia tăng sức ép với Moskva sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Tối 24/5, Bộ Tài chính Mỹ đã thông báo trên trang web của bộ này rằng điều khoản miễn trừ trên sẽ hết hiệu lực vào lúc 00h01’ sáng 25/5 theo giờ miền Đông nước Mỹ, đồng thời cho phép Nga trả lãi và đáo hạn đối với khoản nợ công cho Mỹ.

Điều khoản miễn trừ trên được đưa ra sau khi Mỹ áp đặt một loạt biện pháp trừng phạt Nga hồi cuối tháng 2 vừa qua liên quan cuộc chiến tại Ukraine, cho phép Ngân hàng trung ương Nga thanh toán đúng hạn các khoản nợ bằng đồng USD thông qua Mỹ và các ngân hàng quốc tế.

Điều khoản miễn trừ đó đã cho phép Nga tiếp tục thanh toán các khoản nợ công, nhưng giờ đây với việc điều khoản này không được gia hạn, một phần trong số ít nhất 40 tỷ USD trái phiếu quốc tế (khoảng một nửa trong số đó do các nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ) không tránh khỏi nguy cơ không thể thanh toán được, đẩy nước Nga đến bờ vực vỡ nợ.

Các biện pháp trừng phạt của phương Tây, được áp đặt sau khi Điện Kremlin phát động chiến dịch quân sự vào Ukraine hôm 24/2 vừa qua, và các biện pháp đối phó, đáp trả từ Moskva đã khiến việc chuyển tiền qua biên giới trở nên phức tạp, tuy nhiên Nga đã nỗ lực để tiếp tục thanh toán nợ nước ngoài. Nhưng với các khoản vay nợ gần 2 tỷ USD sẽ đến hạn thanh toán trước cuối năm nay, Nga có lẽ sớm bị dồn đến bước đường cùng.

[Mỹ xem xét động thái chặn các khoản thanh toán nợ của Nga]

Jay Auslander, đối tác của Công ty luật Wilk Auslander, cho biết: “Nếu các trái chủ không nhận được tiền của họ khi đến hạn thanh toán, với thời gian ân hạn được áp dụng, Nga sẽ bị vỡ nợ đối với một khoản nợ công. Với việc điều khoản miễn trừ hết hiệu lực, dường như không có cách nào để các trái chủ được thanh toán nợ.”

Cuối tuần trước, Nga đã gấp rút thanh toán 2 trái phiếu quốc tế - một trái phiếu có mệnh giá bằng euro và một bằng USD - một tuần trước ngày đến hạn. Trung tâm thanh toán lưu ký quốc gia Nga (NSD, có trụ sở ở Moskva), nơi các trái phiếu có lãi suất đến hạn thanh toán là ngày 27/5, cho biết họ đã nhận được đồng tiền mạnh (đồng tiền được phát hành bởi một quốc gia có nền chính trị và kinh tế ổn định, không có khả năng bị mất giá) cần thiết để thanh toán và sẽ làm như vậy vào ngày 27/5, nhưng không cho biết thêm chi tiết về cách thức thực hiện việc này.

Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu các khoản thanh toán có được chuyển qua các kênh lưu thông của thị trường tài chính quốc tế cho các chủ nợ nước ngoài hay không. Một trái chủ ở châu Á cho biết khoản thanh toán đã không đến tài khoản của công ty hôm 25/5. Nga có thời gian ân hạn tối đa 30 ngày cho cả 2 khoản thanh toán này. Sau 30 ngày kể từ thời điểm lỡ hạn thanh toán, nước này có thể sẽ phải tuyên bố vỡ nợ.

Một phần của thỏa thuận quan trọng

Tuy nhiên, các điều khoản khác nhau mà trái phiếu của Nga được phát hành trong những năm gần đây có thể đồng nghĩa với việc một vụ vỡ nợ có thể không xảy ra. Về cơ bản Nga có 3 loại trái phiếu quốc tế: trái phiếu cũ được phát hành với điều khoản thanh toán ở nước ngoài; trái phiếu được phát hành sau khi Moskva bị trừng phạt sau vụ sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014, có điều kiện thanh toán nợ tại NSD và các điều khoản thanh toán bằng ngoại tệ thay thế; và cuối cùng là trái phiếu phát hành gần đây thanh toán tại NSD và cũng có điều khoản bổ sung để thanh toán bằng đồng Ruble.

Các trái phiếu sắp hết hạn thanh toán vào ngày 27/5 đã được thanh toán tại NSD, sớm hơn so với thời hạn. Trong một lưu ý dành cho khách hàng, JPMorgan cho biết có “sự không chắc chắn” về việc chuyển tiền (để thực hiện các khoản thanh toán nợ) nhưng khả năng là các trái phiếu đó đã được thanh toán.

Tuy nhiên, nhà phân tích Jonny Goulden tại JPMorgan lưu ý: “Nga vẫn phải tập trung vào các khoản thanh toán phải trả vào các ngày 23 và 24/6 tới. Trái phiếu có hạn thanh toán vào ngày 24/6 ở nước ngoài và do đó nếu không có Giấy phép Chung 9C do Bộ Tài chính Mỹ cấp sẽ khó có thể thực hiện thanh toán được.”

Ông Goulden lưu ý rằng những trái phiếu này có thời gian ân hạn tối đa 15 ngày.

Bộ Tài chính Nga hôm 25/5 cho biết họ có tiền mặt và sẵn sàng thanh toán, và Moskva sẽ trả nợ nước ngoài bằng đồng Ruble, sau này có thể chuyển thành đồng tiền mệnh giá của trái phiếu châu Âu ban đầu.

Bộ trên cũng nêu rõ quyết định của Mỹ không gia hạn điều khoản miễn trừ cho phép Nga thực hiện các nghĩa vụ thanh toán nợ chính phủ của họ bằng ngoại tệ sẽ ảnh hưởng trước tiên đến các nhà đầu tư nước ngoài.

Đòn trả đũa tài chính

Trái phiếu không phải là lĩnh vực duy nhất hứng chịu đòn “ăn miếng, trả miếng” về mặt tài chính. Các biện pháp trừng phạt áp đặt đối với Nga vì phát động cuộc chiến trên bộ lớn nhất ở châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai bao gồm cả việc đóng băng khoảng một nửa trong số 640 tỷ USD dự trữ ngoại tệ của nước này. Đức cho biết Liên minh châu Âu (EU) có thể sẽ đồng ý áp đặt cấm vận dầu mỏ của Nga “trong vòng vài ngày tới.”

Moskva gọi cuộc xâm lược kéo dài gần 3 tháng qua của họ là một “chiến dịch quân sự đặc biệt” nhằm loại bỏ Ukraine khỏi chủ nghĩa phát xít, một tuyên bố mà Kiev và các đồng minh phương Tây của họ cho là “lý do vô cớ cho một cuộc chiến vô cớ.”

Các nhà lập pháp Nga cũng đưa ra một dự luật cho phép tiếp quản các công ty nước ngoài đã rời khỏi thị trường Nga sau khi chiến tranh nổ ra. Nga trước đây được các tổ chức xếp hạng tín dụng đưa vào danh mục xếp hạng đầu tư, nhưng kể từ khi xảy ra xung đột ở Ukraine, các cơ quan xếp hạng lớn đã ngừng đánh giá xếp hạng Nga và nước này bị loại khỏi thị trường vốn quốc tế.

Alexey Bulgakov, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu về thu nhập cố định tại Renaissance Capital, cho rằng “nền kinh tế Nga đang chịu các lệnh trừng phạt nặng nề, vì vậy hậu quả tức thì của việc vỡ nợ có thể sẽ không có nhiều ý nghĩa đối với nền kinh tế.”

Nhưng một vụ vỡ nợ sẽ ngăn Nga lấy lại quyền phát hành trái phiếu công cho đến khi các chủ nợ được hoàn trả đầy đủ và mọi tranh chấp pháp lý bắt nguồn từ việc vỡ nợ được giải quyết.

Các vụ vỡ nợ trước đây, chẳng hạn như của Argentina, đã khiến các chủ nợ “săn lùng” các tài sản vật chất như tàu hải quân và chuyên cơ tổng thống của quốc gia bị vỡ nợ. Một vụ vỡ nợ cũng có thể tạo ra các rào cản đối với thương mại, nếu các quốc gia hoặc công ty thường giao dịch với Nga có các quy tắc tự áp đặt ngăn cấm họ kinh doanh với một pháp nhân mặc định./.

(VIetnam+)

Tin cùng chuyên mục