Phát huy tinh thần “mở đường mà tiến” trong xây dựng Tổ quốc

Nếu đường Trường Sơn trong kháng chiến là biểu hiện sinh động của khát vọng độc lập tự do thì trong thời bình, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh là con đường của công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Phát huy tinh thần “mở đường mà tiến” trong xây dựng Tổ quốc ảnh 1Đường Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. (Ảnh tư liệu)

60 năm đã trôi qua, nhưng đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một "con đường huyền thoại," một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại trong thế kỷ 20.

Nếu trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, con đường Trường Sơn là biểu hiện sinh động của khát vọng cháy bỏng về một nền độc lập tự do, thống nhất Tổ quốc của dân tộc Việt Nam, thì trong thời bình, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh là con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

“Đánh địch mà đi, mở đường mà tiến”

Biết rõ đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh là con đường chiến lược nối liền Nam-Bắc, cho nên đế quốc Mỹ quyết tâm đánh phá.

Hơn 3,5 triệu tấn bom trút xuống cùng với đó là 70 triệu lít chất gây rụng lá có chứa chất da cam hòng phá hủy “một trận đồ bát quái xuyên rừng rậm” -theo cách gọi của người Mỹ.

Nhưng sức mạnh quân sự đã không thể dập tắt được ý chí của cả một dân tộc. Mặc cho mưa bom bão đạn và sự đánh phá hủy diệt của kẻ thù, đường Hồ Chí Minh vẫn không ngừng “vươn sâu, vươn xa.”

Từ khi ra đời cho đến cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 toàn thắng, đường Hồ Chí Minh không ngừng được mở rộng, kéo dài, ngày càng phát triển, vươn sâu tới các chiến trường, các hướng chiến lược, chiến dịch.

Đến cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, đường Hồ Chí Minh đã mở rộng, vươn dài tới Lộc Ninh (Bình Phước) với tổng chiều dài gần 17.000km đường cho xe cơ giới (gồm 5 trục dọc, 21 trục ngang); đường giao liên dài trên 3.000km; đường ống dẫn xăng dầu gần 1.400km; cùng với hệ thống đường vòng tránh, đường vượt khẩu, đường sông, đường thông tin liên lạc...

Trên mọi nẻo đường, hệ thống cung trạm, binh trạm, kho tàng, bến bãi, trạm bảo dưỡng sửa chữa xe máy... được xây dựng trong một thế trận ngày càng hoàn chỉnh.

[Mở đường Hồ Chí Minh: Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc]

Trong suốt 16 năm, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh và Bộ đội Trường Sơn đã phát huy vai trò to lớn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chi viện từ hậu phương lớn cho các chiến trường miền Nam Việt Nam, Lào và Campuchia.

Để giành thắng lợi vẻ vang đó, hơn 2 vạn cán bộ, chiến sỹ, thanh niên xung phong đã hy sinh, gần 3 vạn người bị thương, hàng nghìn người bị ảnh hưởng nặng nề chất độc màu da cam.

Biết bao bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, đồng bào các dân tộc đã hiến dâng cả tuổi thanh xuân của mình để giữ vững mạch máu giao thông trên con đường huyền thoại này.

Đánh giá thành tích của Bộ đội Trường Sơn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nêu rõ: “Bộ đội Trường Sơn đã thấm nhuần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, nêu cao tinh thần yêu nước, dũng cảm, kiên cường, thông minh, sáng tạo, vượt qua biết bao gian khổ, khó khăn, ác liệt, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mở đường, đánh thắng cuộc chiến tranh ngăn chặn của đế quốc Mỹ với tinh thần “đánh địch mà đi, mở đường mà tiến,” bảo đảm sự chi viện của hậu phương lớn cho tiền tuyến lớn.”

Tuyến đường huyết mạch phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Nằm ở phía Tây đất nước, đường Hồ Chí Minh có vị trí quốc phòng và an ninh quan trọng, có sự đa dạng về điều kiện tự nhiên và tài nguyên đất, rừng và các khu bảo tồn thiên nhiên, khoáng sản.

Phát huy tinh thần “mở đường mà tiến” trong xây dựng Tổ quốc ảnh 2Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Krông Búk, tỉnh Đắk Lắk. (Ảnh: Quang Huy/TTXVN)

Bởi vậy, sau khi hoàn thành sứ mệnh lịch sử của mình, đường Trường Sơn-đường Hồ Chí Minh được xây dựng trở thành con đường huyết mạch nối liền Bắc-Nam phục vụ sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa đất nước.

Năm 1996, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu quy hoạch tuyến đường để hình thành trục dọc đường bộ thứ hai ở phía Tây đất nước với tên gọi ban đầu là Xa lộ Bắc Nam (nay là đường Hồ Chí Minh).

Ngày 1/4/1997, Chính phủ đã có Quyết định số 195/QĐ-TTg về việc thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước về công trình Xa lộ Bắc Nam.

Đến ngày 24/9/1997, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 789/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể Xa lộ Bắc Nam với điểm đầu tại Hoà Lạc (Hà Nội), điểm cuối tại ngã tư Bình Phước (Thành phố Hồ Chí Minh), tổng chiều dài xấp xỉ 1.800km, cơ bản bám theo hướng tuyến của các quốc lộ 21A, 15A, 15B, 14 và 13.

Đồng thời, Chính phủ đã giao cho Bộ Giao thông vận tải phối hợp với Bộ Quốc phòng nghiên cứu nhánh phía Tây từ Khe Gát (Quảng Bình) đến Thạnh Mỹ (Quảng Nam).

Ngày 3/12/2004, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 38/2004/QH11 về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh là công trình trọng điểm quốc gia với tổng chiều dài toàn tuyến là 3.167km (trong đó tuyến chính dài 2.667 km, tuyến nhánh phía Tây dài 500km); điểm đầu là Pác Bó (tỉnh Cao Bằng), điểm cuối là Đất Mũi (tỉnh Cà Mau).

Và ngày 15/2/2007, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 242/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch tổng thể đường Hồ Chí Minh.

Ngày 5/4/2000, tại bến phà Xuân Sơn, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình, Thủ tướng Chính phủ đã phát lệnh khởi công xây dựng; đến ngày 21/3/2008, Hội đồng nghiệm thu Nhà nước các công trình xây dựng đã tiến hành nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn 1 (đoạn từ Thạch Quảng tới Ngọc Hồi).

Không phải đến khi nghiệm thu cấp Nhà nước đường Hồ Chí Minh mới được đưa vào khai thác, mà ngay từ năm 2003, rất nhiều tuyến trên đường Hồ Chí Minh sau khi nghiệm thu cơ sở đã phát huy hiệu quả, tạo ra diện mạo mới cho nhiều vùng quê từ Đông Trường Sơn sang Tây Trường Sơn và từ Bắc chí Nam.

Đối với các tỉnh Tây Nguyên, đường Hồ Chí Minh có ý nghĩa quan trọng cả về kinh tế, xã hội và quốc phòng, an ninh.

Đường Hồ Chí Minh trở thành trục giao thông chính, nối thông phía Bắc Tây Nguyên với các tỉnh miền Trung và liên thông sang nước bạn Lào và Campuchia.

Mang theo ý nguyện của Đảng, mong ước của nhân dân, đường Hồ Chí Minh là một công trình to lớn, có tính chiến lược đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Đến nay, mặc dù chưa hoàn thành 100%, nhưng đường Hồ Chí Minh đã và đang phát huy hiệu quả thực tế.

Trong những năm tới, nhất là khi hoàn thành nối thông toàn tuyến từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), đường Hồ Chí Minh sẽ càng đóng góp to lớn hơn, làm nên những “kỳ tích” mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục