Phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết ở Bà Rịa-Vũng Tàu

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu ghi nhận 5.855 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 7,7 lần so với cùng kỳ năm 2021); trong đó có 77 ca nặng, 336 ca có dấu hiệu cảnh báo.
Phun hóa chất diệt muỗi phòng, chống sốt xuất huyết ở Bà Rịa-Vũng Tàu ảnh 1Ảnh minh họa. (Ảnh: Thùy Dung/TTXVN)

Ngày 19/7, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, số ca mắc sốt xuất huyết trên địa bàn đang tăng nhanh so với cùng kỳ năm 2021, đã có thêm 1 ca tử vong do sốt xuất huyết, nâng số ca tử vong lên 3 trường hợp.

Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 5.855 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 7,7 lần so với cùng kỳ năm 2021); trong đó có 77 ca nặng, 336 ca có dấu hiệu cảnh báo. Thành phố Vũng Tàu vẫn là địa phương dẫn đầu về số ca mắc.

Bác sỹ Nguyễn Văn Phi, Trưởng Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện Bà Rịa, cho biết tại khoa có 55 giường bệnh nhưng hằng ngày luôn có hơn 110 bệnh nhân, có thời điểm lên tới 120 bệnh nhân sốt xuất huyết nằm điều trị. Vì vậy, khoa luôn trong tình trạng quá tải.

Bác sỹ Nguyễn Văn Phi khuyến cáo, sốt xuất huyết đang bùng phát mạnh nên khi thấy có dấu hiệu sốt, người dân cần đến các cơ sở y tế tin cậy để khám, xét nghiệm và theo dõi bệnh; tuyệt đối không được tự mua thuốc tự điều trị khiến bệnh trở nặng nhanh.

[Nhiều khó khăn trong phòng, chống sốt xuất huyết tại Đắk Lắk]

Trước tình trạng số ca mắc sốt xuất huyết đang tăng cao, Ủy ban Nhân dân tỉnh đã chỉ đạo ngành y tế cùng các sở, ban, ngành, địa phương chủ động, tích cực, triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết với phương châm “Không có loăng quăng (bọ gậy), không có sốt xuất huyết,” diệt loăng quăng (bọ gậy) là biện pháp ưu tiên hàng đầu, ít tốn kém và hiệu quả nhất để chủ động ngăn chặn, phòng, chống sốt xuất huyết, bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng, quyết tâm không để dịch chồng dịch trong giai đoạn hiện nay.

Ủy ban Nhân dân tỉnh giao Sở Y tế chủ trì, theo dõi tình hình dịch, hướng dẫn, giám sát các địa phương thực hiện đảm bảo công tác phòng, chống sốt xuất huyết; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch, thường xuyên tổng hợp tình hình dịch bệnh, báo cáo kịp thời; tham mưu, đề xuất Ủy ban Nhân dân tỉnh các biện pháp chỉ đạo phòng, chống dịch trên địa bàn.

Ngành Y tế tổ chức giám sát chặt chẽ việc xử lý triệt để ổ bệnh sốt xuất huyết tại địa phương; phun hóa chất 100% hộ gia đình thuộc khu vực ổ bệnh, đánh giá chỉ số véctơ; xác định các khu vực có nguy cơ cao để tổ chức phun hóa chất diệt muỗi chủ động phòng, chống sốt xuất huyết.

Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với ngành Y tế và các cơ quan thông tấn, báo chí tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe, nguy cơ và tác hại của bệnh sốt xuất huyết nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình; tuyên truyền các biện pháp phòng, chống dịch bệnh mùa hè tại các hộ gia đình và cộng đồng bằng nhiều hình thức như họp tổ dân phố, họp dân, tập huấn, hướng dẫn tại chỗ, tờ rơi, loa đài, phát thanh, báo chí, truyền hình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục