Quan chức EC: EU có thể cần quỹ phục hồi kinh tế trị giá 1.600 tỷ USD

Các bộ trưởng tài chính từ 19 quốc gia thuộc Eurozone tuần trước đã đồng ý về một gói cứu trợ trị giá hơn 500 tỷ euro để giúp giảm thiểu tác động ngay lập tức của dịch COVID-19 lên nền kinh tế.
Quan chức EC: EU có thể cần quỹ phục hồi kinh tế trị giá 1.600 tỷ USD ảnh 1Người dân xếp hàng chờ thanh toán tại siêu thị ở Berlin, Đức, trong bối cảnh dịch COVID-19 lan rộng. (Ảnh: THX/TTXVN)

Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC), ông Valdis Dombrovskis, ngày 14/4 cho biết Liên minh châu Âu (EU) có thể cần một quỹ phục hồi kinh tế trị giá 1.500 tỷ euro (1.600 tỷ USD) sau đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19.

Con số trên được ông Dombrovskis đưa ra trong bài phỏng vấn với tờ nhật báo kinh doanh Handelsblatt của Đức. Nhưng khi được hỏi cụ thể hơn về con số 1.500 tỷ euro, ông nói rằng cho đến nay vẫn chưa có quyết định chính thức nào.

Các bộ trưởng tài chính từ 19 quốc gia thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) tuần trước đã đồng ý về một gói cứu trợ trị giá hơn 500 tỷ euro để giúp giảm thiểu tác động ngay lập tức của dịch COVID-19 lên nền kinh tế.

Những công cụ tài chính được sử dụng bao gồm các khoản vay từ Cơ chế Bình ổn châu Âu (ESM) được thiết lập từ thời khủng hoảng tài chính hồi năm 2008. Song những khoản vay này sẽ không có các điều kiện cải cách kinh tế và tài chính hà khắc thường đi kèm.

[Hội đồng châu Âu thúc đẩy kế hoạch phục hồi các nền kinh tế thành viên]

Nhưng sau nhiều tuần tranh luận, các bộ trưởng tài chính Eurozone vẫn không đồng thuận về cái gọi là trái phiếu Corona (coronabond) - một công cụ nợ chung để tài trợ cho sự phục hồi kinh tế sau cuộc khủng hoảng dịch COVID-19. Những nước bị ảnh hưởng nặng bởi dịch bệnh như Italy đã nỗ lực thúc đẩy loại trái phiếu này.

Khi được hỏi về việc các nước phát hành trái phiếu chung để tái thiết nền tài chính sau đại dịch, ông Dombrovskis nói với tờ Handelsblatt rằng ông hy vọng câu hỏi sẽ được đưa ra trên bàn thảo luận tại cuộc họp ngày 23/4 giữa các chính phủ EU.

Bên cạnh đó, ông Dombrovskis cho biết EC đang làm việc về các công cụ tài chính mới, ngoài các khoản đóng góp quốc gia thường được nộp vào ngân sách bảy năm của EU. Ông cũng đưa ra ý kiến rằng EU có thể tài trợ cho quỹ tái thiết với trái phiếu được bảo lãnh từ các quốc gia thành viên.

Ý tưởng về một quỹ phục hồi sau đại dịch đã được nhiều nhân vật hàng đầu của EU đưa ra, trong đó có Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire với đề xuất về một quỹ trị giá 500 tỷ euro./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục