Quan hệ kinh tế và thương mại Việt-Séc còn nhiều dư địa để phát triển

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng Việt Nam và Séc sẽ có thêm nhiều sáng kiến đưa quan hệ hợp tác song phương nói chung và doanh nghiệp hai nước nói riêng phát triển mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.
Quan hệ kinh tế và thương mại Việt-Séc còn nhiều dư địa để phát triển ảnh 1Các mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Séc vẫn là các sản phẩm xuất khẩu truyền thống như thủy hải sản, giày dép, hàng may mặc... (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc, thời gian tới cần đẩy mạnh khai thác Uỷ ban liên chính phủ Việt Nam-Cộng hòa Séc về hợp tác kinh tế; Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư Việt Nam-EU (EVIPA).

Nội dung này được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tại buổi làm việc với ngài Jozef Sileka - Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Séc ngày 20/2 tại trụ sở Bộ Công Thương.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Bộ trưởng Công Thương Cộng hòa Séc Jozef Sileka đã trao đổi về tình hình chung trong hợp tác kinh tế-thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc, ngày 20/2 tại trụ sở Bộ Công Thương.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, Việt Nam và Cộng hòa Séc có quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó từ nhiều thập kỷ qua. Năm 2022, hai bên đã tổ chức thành công Khóa họp lần thứ 7 - Uỷ ban liên Chính phủ Việt Nam-Cộng hòa Séc về hợp tác kinh tế tại Prague. Đây là hoạt động hết sức quan trọng trong thúc đẩy hợp tác giữa hai nước.

Tuy nhiên, việc hợp tác kinh tế-thương mại giữa Việt Nam và Séc vẫn còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng của hai nước. Điều này thể hiện qua kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong tổng kim ngạch ngoại thương của cả Việt Nam và Cộng hòa Séc, cơ cấu hàng hóa giữa hai nước còn hẹp, đầu tư trực tiếp trên lãnh thổ của nhau còn thấp.

Trong khi đó, dư địa hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc vẫn còn lớn, cụ thể mặt hàng xuất khẩu chính của Việt Nam sang Séc vẫn là các mặt hàng xuất khẩu truyền thống như giầy dép, hàng may mặc, thủy hải sản, máy công nghiệp, phụ tùng máy và thiết bị điện... Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu từ Séc là máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác, sản phẩm từ sắt thép...

[Cộng hòa Séc ủng hộ việc tăng cường quan hệ giữa Việt Nam và EU]

Hơn nữa, môi trường kinh doanh và đầu tư tại Việt Nam đang ngày càng được cải thiện sẽ là tiền đề thuận lợi để hai bên cùng nhau nghiên cứu, tìm giải pháp tăng cường hợp tác đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp và năng lượng.

Đặc biệt, Việt Nam và Séc là hai nước đều đang thúc đẩy nhanh tiến trình hội nhập. Đây là cơ sở để hai nước tăng cường thúc đẩy quan hệ kinh tế và thương mại.

Hơn nữa, Cộng hòa Séc là đối tác quan trọng của Việt Nam ở Đông và Trung Âu, vì vậy, Bộ trưởng mong muốn Cộng hòa Séc và các nước liên quan thúc đẩy việc sớm phê chuẩn Hiệp định EVIPA về bảo hộ đầu tư.

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng đề nghị hai bên tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp nắm bắt thông tin thị trường, tham gia các hội chợ triển lãm, tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại; nghiên cứu để tiến tới ký kết các biên bản hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng và khai khoáng.

Cùng đó, đề xuất Cộng hòa Séc thông qua hợp tác đầu tư sẽ hỗ trợ Việt Nam để phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ, công nghiệp có tính chất nền tảng như cơ khí, chế biến chế tạo, vật liệu mới, luyện kim, hóa chất...

Trước mắt, hai bên cần tiếp tục đẩy mạnh dự án hợp tác giữa Tập đoàn Thành Công và Skoda trong bối cảnh Việt Nam đang khẩn trương xây dựng Luật Phát triển công nghiệp.

Quan hệ kinh tế và thương mại Việt-Séc còn nhiều dư địa để phát triển ảnh 2Cộng hòa Séc có thể hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam, về phát triển năng lượng tái tạo. (Ảnh minh họa: TTXVN phát)

Ngoài ra, cùng với xu thế phát triển xanh và chuyển đổi năng lượng, doanh nghiệp Cộng hòa Séc có thể hợp tác với Việt Nam, đặc biệt là Tập đoàn Điện lực Việt Nam về phát triển năng lượng tái tạo. Cụ thể như thiết bị dự trữ năng lượng, phát triển lưới điện thông minh. Việt Nam cũng quan tâm đến yếu tố công bằng trong chuyển đổi năng lượng.

Đặc biệt, thời gian tới, hai bên cần tích cực tận dụng và tạo mọi điều kiện để cộng đồng người Séc gốc Việt làm ăn, kinh doanh, phát triển ở cả hai nước.

Về phía Cộng hòa Séc, Bộ trưởng Bộ Công Thương Séc Jozef Sileka nhất trí với những đề xuất của Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, đồng thời nhấn mạnh Việt Nam vừa là bạn, vừa là đối tác quan trọng của Cộng hòa Séc.

Cộng hòa Séc mong muốn hai nước cần tăng cường hợp tác hơn nữa trong lĩnh vực thương mại, công nghiệp và đầu tư. Theo đó, Bộ trưởng Jozef Sileka đã nhấn mạnh 5 nội dung hợp tác giữa hai nước như ôtô; năng lượng; công nghiệp khai khoáng, khoáng sản; giao thông vận tải và hóa dầu.

Theo Bộ trưởng Jozef Sileka, doanh nghiệp Séc có thể chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam về phát triển năng lượng tái tạo, hiệu quả năng lượng và cải thiện việc truyền tại điện.

Kết thúc buổi làm việc, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên trân trọng cảm ơn Ngài Jozef Sileka, Bộ trưởng Bộ Công Thương Cộng hòa Séc đã đến thăm và làm việc với Bộ Công Thương, hoan nghênh thiện chí hợp tác của Cộng hòa Séc.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên tin tưởng rằng sau buổi trao đổi lần này, hai bên sẽ có thêm nhiều sáng kiến nhằm đưa quan hệ hợp tác song phương nói chung và doanh nghiệp hai nước nói riêng phát triển mạnh mẽ, thực chất hơn trong thời gian tới.

Đặc biệt, hai Bộ trưởng cũng tin tưởng vào thành công trong chuyến thăm tới Việt Nam dự kiến vào tháng 5/2023 của Thủ tướng Cộng hòa Séc cũng như Khóa họp lần thứ 8 - Ủy ban liên Chính phủ Việt Nam-Cộng hòa Séc về hợp tác kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục