Quản lý giá sữa: Thiếu thông tin, chuyển giá vẫn chỉ là… nghi vấn?

Đại diện Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính thừa nhận cơ quan này thiếu thông tin để so sánh các sản phẩm sữa cùng loại ở các nước khác.
Quản lý giá sữa: Thiếu thông tin, chuyển giá vẫn chỉ là… nghi vấn? ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Tiếp tục cho rằng có biểu hiện thao túng, chuyển giá sữa từ trước khi nhập vào Việt Nam, đại diện Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) còn thừa nhận cơ quan này thiếu thông tin để so sánh các sản phẩm sữa cùng loại ở các nước khác.

Giá nguyên liệu giảm, giá sữa vẫn đứng im

Thông tin trong cuộc họp báo vừa diễn ra chiều nay (14/5), ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá cho biết, giá sữa nguyên liệu trên thế giới trong xu hướng giảm nhưng số liệu thống kê từ ngành hải quan lại không cho thấy điều này.

Tình tiết này theo ông đặt ra nghi vấn chuyển giá với các mặt hàng sữa cho trẻ dưới 6 tuổi từ trước khi nhập khẩu vào Việt Nam.

Tuy nhiên, cũng chính ông thừa nhận, thông tin chính thức để so sánh các sản phẩm cùng loại tại các thị trường trong khu vực ASEAN còn hạn chế.

Thực tế, giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi ở Việt Nam vẫn cao hơn nhiều nước. Báo cáo của Bộ Tài chính dẫn nguồn từ Vụ Kinh tế tổng hợp, Bộ Ngoại giao cho thấy, giá bán trung bình mặt hàng sữa ở Việt Nam là 16 USD/kg.

Mức giá này cao hơn nhiều nước khác như Thái Lan, Phillippines, Malaysia, Indonesia chỉ từ 9,5-14 USD/kg.

Nghi vấn chuyển giá theo ông Tuấn quả thật đã đặt ra từ trước đó nhưng vị lãnh đạo này cho rằng việc xem xét có hay không thì phải “đòi hỏi một quá trình.”

Về động thái hiện tại, theo lãnh đạo Cục Quản lý giá, trước thông tin về giá sữa nguyên liệu giảm, Bộ Tài chính đã có công văn yêu cầu các Sở Tài chính địa phương đề nghị các doanh nghiệp sản xuất sữa tiết giảm chi phí, điều chỉnh giá bán.

Áp trần giá sữa tới hết năm 2016

Khẳng định chủ trương bình ổn giá sữa là đúng đắn nhưng đại diện Bộ Tài chính thừa nhận, kết quả bình ổn “vẫn còn chưa chắc chắn.”

Kết quả này theo đánh giá của ngành tài chính thậm chí còn tiềm ẩn nhiều dấu hiệu biến động bất thường.

Một số doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu sữa được lãnh đạo Bộ Tài chính thẳng thắn đánh giá là có những biểu hiện cạnh tranh không bình đẳng trên thị trường.

Một trong những “mánh” của các doanh nghiệp được báo cáo của Bộ Tài chính chỉ ra là hiện tượng thay đổi trọng lượng, chất lượng, mẫu mã sản phẩm để xác định giá tối đa mới.

“Bộ đã trình Chính phủ kiến nghị tiếp tục thực hiện bình ổn giá bằng biện pháp áp giá tối đa và Chính phủ đã ban hành nghị quyết thống nhất ý kiến này,” ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý giá nói.

Cụ thể, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết, biện pháp áp trần giá sữa sẽ áp dụng từ 1/6/2015 tới 31/12/2016.

Trong quá trình thực hiện quản lý theo giá tối đa như đã công bố, Nghị quyết mới nhất của Chính Phủ về vấn đề này quy định, nếu có những nguyên nhân khách quan tác động tới giá sữa, cơ quan quản lý sẽ chịu trách nhiệm rà soát, xác định giá tối đa phù hợp./.

Số liệu mới nhất của Bộ Tài chính cho thấy, cơ quan quản lý đã rà soát, công bố giá tối đa, giá đăng ký của 708 dòng sản phẩm sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi. Giá bán lẻ theo cơ quan chức năng đã giảm 0,1-34% so với thời điểm trước khi áp dụng biện pháp bình ổn giá.

Theo kết quả thanh kiểm tra, cơ quan chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính với các tổ chức, cá nhân thực hiện không đúng quy định về kinh doanh và bình ổn giá sữa với số tiền trên 519,7 triệu đồng. Một số vi phạm chủ yếu là đăng ký giá chưa đầy đủ, giá bán thực tế cao hơn giá đăng ký, không niêm yết giá hoặc niêm yết chưa đẩy đủ, gian lận thương mại.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục