Quảng Nam phấn đấu nâng tỷ lệ người dân được dùng nước sạch

Quảng Nam: Phong trào vệ sinh yêu nước còn nhiều khó khăn

Trọng tâm của Phong trào vệ sinh yêu nước tại Quảng Nam trong giai đoạn 2017-2021 là đạt 90% số hộ gia đình thành thị và 85% số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh,
Quảng Nam: Phong trào vệ sinh yêu nước còn nhiều khó khăn ảnh 1Hướng dẫn người dân khử trùng nước bằng hóa chất Chloramin B sau lũ. (Ảnh: Thanh Thủy/TTXVN]

Sau 4 năm triển khai phong trào vệ sinh yêu nước tại tỉnh Quảng Nam (2012-2016), nhận thức về việc sử dụng nước sạch và vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của các cộng đồng dân cư ngày càng được nâng cao, nhất là ở vùng đồng bằng.

[Tây Ninh: 82% nhà tiêu tại các hộ gia đình hợp vệ sinh]

Theo đánh giá của Sở Y tế tỉnh Quảng Nam, trong quá trình triển khai phong trào vẫn còn một khó khăn lớn đó là đối với các vùng miền núi giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí thấp, điều kiện kinh tế chưa cao, gây khó khăn cho việc tuyên truyền cho nên người dân khó tiếp cận với vấn đề vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân.

Về công tác phối hợp triển khai Phong trào, Sở Y tế là cơ quan đầu mối phối hợp với các Sở, Ban, ngành và ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai các hoạt động của phong trào như: các chương trình về phòng chống dịch bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm, xây dựng nhà tiêu hộ gia đình thuộc chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch về vệ sinh môi trường nông thôn, vệ sinh lao động và phòng chống bệnh nghề nghiệp.

Các hoạt động triển khai chung Phong trào tại địa phương giai đoạn 2012-2016 như: Tổ chức hoạt động Rửa tay với xà phòng trong lễ phát động chiến dịch phòng chống bệnh tay chân miệng, Triển khai các hoạt động vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng để phòng chống dịch sốt xuất huyết, dịch cúm A, các bệnh lây truyền qua đường thực phẩm...

Đặc biệt, ngành y tế của tỉnh đã phát hơn 140.000 tờ rơi tuyên truyền về các loại nhà tiêu hợp vệ sinh.

Những năm qua, mạng lưới hoạt động của ngành y tế được bao phủ đến tận thôn bản. Cấp xã phường có phân công cán bộ chuyên trách vệ sinh môi trường; Nhận thức về việc sử dụng nước sạch và vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của các cộng đồng dân cư ngày càng được nâng cao, nhất là ở vùng đồng bằng.

Ngành y tế của tỉnh đã xây dựng các văn bản phối hợp liên ngành trong việc tổ chức lồng ghép các hoạt động của Phong trào và hướng dẫn phát động, triển khai chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân; Tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các kiến thức, các biện pháp đảm bảo công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân , bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như truyền thông trực tiếp trong các buổi tập huấn, họp tổ, thôn các ban ngành đoàn thể…

Quảng Nam: Phong trào vệ sinh yêu nước còn nhiều khó khăn ảnh 2Người dân sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày. (Ảnh: Thế Duyệt/TTXVN)

Nhiệm vụ trọng tâm của Phong trào vệ sinh yêu nước trong giai đoạn 2017-2021 được Sở Y tế tỉnh Quảng Nam hướng tới: Tăng cường sự hiểu biết của người dân, huy động sự tham gia của cộng đồng và các nguồn lực để đảm bảo 90% số hộ gia đình thành thị và 85% số hộ gia đình nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, trong đó 45% theo quy chuẩn của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó, 90% số hộ gia đình ở thành thị và 65% số hộ gia đình ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh theo Quy chuẩn của Bộ Y tế; 100% cơ sở sản xuất, nơi công cộng (trạm y tế xã, trường học mầm non, phổ thông, chợ, bến xe...) có nhà tiêu hợp vệ sinh, có đủ nước sạch và chỗ rửa tay với xà phòng; 100% trường học thực hiện phong trào vệ sinh phòng bệnh trong học sinh, sinh viên.

Một nhiệm vụ khác cũng được ngành y tế tỉnh Quảng Nam xác định thực hiện trọng tâm trong giai đoạn tới đó là đảm bảo chất thải, nước thải được thu gom và xử lý theo quy định; các thôn, làng có điểm thu gom rác thải đảm bảo vệ sinh và thực hiện phong trào phân loại, thu gom và xử lý chất thải, không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh, cảnh quan môi trường./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục