Ra mắt nền tảng hội chợ triển lãm trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam

Mục tiêu của HOPE - nền tảng hội chợ triển lãm trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam, giúp kết nối các doanh nghiệp trong lĩnh vực gỗ, nội thất trong nước với quốc tế, không bị giới hạn địa lý, thời gian.
Ra mắt nền tảng hội chợ triển lãm trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam ảnh 1Một dây chuyền sản xuất đồ gỗ xuất khẩu. Ảnh minh họa. (Ảnh: An Hiếu/TTXVN)

Không cần phải đến các hội chợ, triển lãm trực tiếp, các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, nội thất vẫn có thể giới thiệu chi tiết, sinh động từng sản phẩm và cả không gian showroom trưng bày, nhà xưởng sản xuất của mình đến các khách hàng khắp nơi trên thế giới nhờ nền tảng hội chợ triển lãm trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam mang tên HAWA Online Platform for Exhibition (HOPE).

Ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ Thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) đưa ra thông tin này tại buổi tọa đàm giới thiệu HOPE do HAWA tổ chức, ngày 29/7.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, ý tưởng xây dựng HOPE được các thành viên HAWA đề xuất trong thời điểm dịch COVID-19 bùng phát và lây lan ra nhiều khu vực trên thế giới khiến hàng loạt hội chợ, triển lãm quốc tế trong ngành gỗ, nội thất bị hoãn hoặc hủy bỏ, các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm khách hàng và đơn hàng mới.

Đồng thời, HOPE cũng là sản phẩm đón đầu xu hướng phát triển các phương thức tiếp thị số cho ngành nội thất Việt Nam.

Mục tiêu của HOPE là trở thành nền tảng tối ưu hóa hoạt động giới thiệu sản phẩm, showroom, nhà xưởng một cách trực quan, sinh động; kết nối các doanh nghiệp trong lĩnh vực gỗ và nội thất trong nước với người mua ở khắp nơi trên thế giới.

HOPE cũng tích hợp các ứng dụng Social App, thuận tiện cho khách tham quan có thể tương tác và trao đổi trực tiếp với doanh nghiệp mọi lúc, mọi nơi, không bị giới hạn về địa lý và thời gian.

[Thái Lan kết nối giao thương trực tuyến với doanh nghiệp Việt Nam]

Nhờ lợi thế nguồn cơ sở dữ liệu của HAWA qua các kỳ hội chợ triển lãm quốc tế hơn 10 năm qua, HOPE có thể sử dụng các công cụ digital marketing để tiếp cận và đem lại nguồn khách hàng tiềm năng cho doanh nghiệp.

Đồng thời hỗ trợ doanh nghiệp thống kê, phân tích và quản lý hành vi người tiêu dùng để điều chỉnh sản phẩm, nâng cao hiệu quả quảng bá và bán hàng.

Với khả năng quy tụ và trưng bày hàng nghìn sản phẩm từ hàng trăm nhà sản xuất, xuất khẩu được xác thực bởi HAWA, các nhà mua hàng quốc tế hoàn toàn có thể yên tâm trải nghiệm, tìm kiếm sản phẩm, lựa chọn nhà cung cấp tiềm năng.

Nhờ ứng dụng công nghệ scan hình ảnh 3D, thực tế ảo, khách tham quan có thể quan sát và di chuyển từ tổng thể mặt bằng cho đến chi tiết sản phẩm mọi lúc, mọi nơi bằng các thao tác đơn giản trên thiết bị kết nối internet như di động, laptop, máy tính bảng…

Ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Chủ tịch HAWA, chia sẻ trước đây các doanh nghiệp đồ gỗ, nội thất chủ yếu tìm kiếm đơn hàng thông qua các hội chợ, triển lãm. Tuy nhiên từ đầu năm 2020 đến nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, việc tìm kiếm khách hàng, đơn hàng trực tiếp rất khó khăn.

Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ, nội thất đã đẩy mạnh đa dạng khóa kênh tiếp thị, bán hàng để duy trì hoạt động. Sự ra đời của HOPE góp phần hoàn chỉnh các kênh xúc tiến thương mại, đem lại cho doanh nghiệp hội viên và người mua hàng nền tảng kết nối xuyên suốt, nhanh chóng.

Hương Nga Fine Arts là một trong những doanh nghiệp đầu tiên tham gia trưng bày sản phẩm, showroom trên nền tảng triển lãm trực tuyến HOPE và đạt được hiệu quả khả quan.

Bà Đinh Thị Hương Nga, Giám đốc Hương Nga Fine Arts chia sẻ, trong suốt thời gian dịch COVID-19 bùng phát, lây lan, đội ngũ nhân viên bán hàng của công ty đã phải hoạt động cật lực để duy trì liên hệ với khách hàng nước ngoài nhưng hầu như không thể tìm được đơn hàng mới.

Tuy nhiên, chỉ trong vòng 1 tháng từ khi giới thiệu showroom của công ty trên nền tảng HOPE đến các khách hàng, công ty đã nhận được hai hợp đồng mới, một đơn hàng đến từ khách hàng cũ và một khách hàng hoàn toàn mới.

“Trước đây, khách mua hàng, đặc biệt là với sản phẩm gỗ thủ công mỹ nghệ thường phải đến triển lãm trực tiếp hoặc showroom để nhìn tận mắt, sờ tận tay, tìm hiểu rất kỹ thông tin mới đi đến ký kết đơn hàng. Do đó, trong thời gian dịch bệnh, mặc dù khách hàng có nhu cầu và doanh nghiệp cũng thường xuyên liên hệ vẫn không thể chốt đơn. Với HOPE, công nghệ hình ảnh sinh động, thông tin sản phẩm, nhà máy đều được công bố rất chi tiết đã tạo niềm tin rất lớn để khách hàng đi đến quyết định đặt hàng,” bà Đinh Thị Hương Nga cho biết thêm.

Ông Trần Viết Huân, Phó chủ tịch cộng đồng Giám đốc Công nghệ thông tin (CIO) Việt Nam, nhấn mạnh HOPE không chỉ là nền tảng giải quyết kịp thời nhu cầu kết nối, giao thương giữa người mua hàng quốc tế và nhà sản xuất trong nước bị ảnh hưởng do dịch COVID-19.

Đây còn là giải pháp đón đầu xu hướng thay đổi cách tiếp thị, kinh doanh trong nền kinh tế số, tận dụng lợi thế về công nghệ để tìm kiếm khách hàng và phát triển thị trường mới trên toàn cầu.

Theo HAWA, hiện tại, HOPE đã quy tụ 50 showroom trực tuyến bao gồm nhà sản xuất và xuất khẩu nội thất Việt Nam tại địa chỉ: http://hopefairs.com.

Dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ giới thiệu khoảng 100 showroom với hàng nghìn sản phẩm tiêu biểu và từng bước kết nối với các sàn thương mại điện tử lớn trên toàn cầu, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh, xuất khẩu đồ gỗ, nội thất cho doanh nghiệp Việt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục