Rủi ro trong phát triển tàu ngầm: Nhìn từ bài học Indonesia

Một chuyên gia cho rằng việc thành lập các hạm đội tàu ngầm mới cũng như sự gia tăng các quốc gia sở hữu tàu ngầm tại châu Á khiến nguy cơ tai nạn tàu ngầm trong thời bình có thể sẽ tăng lên.
Rủi ro trong phát triển tàu ngầm: Nhìn từ bài học Indonesia ảnh 1Tàu ngầm KRI Nanggala 402 của Indonesia. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Trang mạng asiatimes.com đưa tin tàu thuyền và máy bay từ 5 quốc gia - gồm Singapore, Malaysia, Ấn Độ, Australia và Mỹ - đã tham gia cuộc tìm kiếm tàu ngầm KRI Nanggala-420 của Indonesia, được xác định là chìm ở độ sâu 838 mét trong vùng biển Bali.

Singapore, Malaysia và Ấn Độ đã điều động các tàu lặn cứu hộ; Australia điều một tàu khu trục nhỏ lớp Anzac và tàu chở dầu, trong khi Mỹ huy động máy bay tuần tra hàng hải P8 Poseidon và điều động các thiết bị tìm kiếm cứu nạn tân tiến từ Nhật Bản và Bờ Đông.

Trong khi đó, Pháp, Đức, Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc - nhà sản xuất 3 trong số 5 tàu ngầm của Indonesia - cũng đề nghị hỗ trợ trong khuôn khổ chương trình ứng phó khẩn cấp của Văn phòng Liên lạc Tàu ngầm và Cứu hộ Quốc tế (ISMERLO).

[Vụ chìm tàu ngầm Indonesia: Bác bỏ nguyên nhân tàu gặp nạn do quá tải]

Tuy nhiên, cuộc giải cứu giờ đã trở thành nỗ lực trục vớt con tàu khi nó được cho là đã vỡ thành 3 mảnh tại khu vực cách bờ biển Bali 45km về phía Bắc.

Tàu cứu hộ Singapore MV Swift Rescue đã tìm thấy mảnh vỡ ở độ sâu 838 mét - vượt xa mức giới hạn độ sâu 500m mà con tàu được thiết kế.

Phải đến khi lực lượng cứu hộ quốc tế thu hồi được các mảnh vỡ và thi thể của thủy thủ đoàn, thì các nhà điều tra mới có thể xác định được chính xác điều gì đã xảy ra, song Đô đốc Hải quân Yudo Margono cho rằng vụ việc không phải do yếu tố con người.

Ông nói: “Nếu là một vụ nổ, con tàu sẽ vỡ tung thành từng mảnh, (nhưng) các vết nứt xuất hiện dần dần ở một số bộ phận khi con tàu lặn xuống, từ 300 mét đến 400 mét đến 500 mét… Nếu đó là một vụ nổ, người ta sẽ biết qua máy định vị sóng âm.”

Một cựu thủy thủ tàu ngầm người Australia cũng cho rằng nếu có, vụ nổ chắc chắn đã được ghi lại nhờ máy đo địa chấn vốn được sử dụng để theo dõi hoạt động của núi Agung tại Bali, ngọn núi lửa lớn nhất vẫn còn đang hoạt động của hòn đảo này.

KRI Nanggala-420, tàu ngầm do Đức chế tạo đã biến mất ngay sau khi nhận được lệnh cho phép lặn trong cuộc tập trận bắn đạn thật dưới sự giám sát của Tư lệnh Quân đội Indonesia, Nguyên soái Hadi Tjahjanto, người quan sát các diễn biến từ một tàu nổi.

Thảm họa tương tự trước đó duy nhất ở châu Á là vào tháng 4/2003, khi một van nạp khí quan trọng của tàu ngầm Trường Thành 361 (Changcheng-361) trục trặc.

Trong con tàu khi đó là thủy thủ đoàn 70 người. Trung Quốc không kêu gọi sự trợ giúp quốc tế và chỉ thừa nhận số phận của tàu ngầm lớp Minh 6 ngày sau khi một tàu đánh cá tìm thấy kính tiềm vọng của con tàu đang trôi dạt.

Trước khi xảy ra thảm kịch mới nhất, trong số 10 tàu ngầm liên quan đến những thảm họa lớn nhất 6 thập kỷ qua với số người thiệt mạng tổng cộng là 796 người có 5 chiếc của Nga và 2 chiếc của Mỹ, hầu hết chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Kể từ năm 2000, va chạm (12), cháy nổ (7), mắc cạn (3) rò rỉ khí và các hỏng hóc cơ học khác là nguyên nhân của hầu hết trong số 30 sự cố tàu ngầm ít nghiêm trọng hơn.

Tai nạn của tàu Nanggala, chiếc lâu đời nhất trong hạm đội tàu ngầm quy mô khá khiêm tốn của Indonesia, cho thấy trong những thảm họa dưới nước, tuổi thọ của một tàu ngầm thường được tính bằng giờ, nếu không muốn nói là phút.

Dù thủy thủ đoàn được xác định đã thiệt mạng khi thời hạn nguồn ôxy trên tàu cạn kiệt vào sáng 24/4, theo lý thuyết, tàu cứu hộ Swift Rescue của Singapore vẫn còn cách hiện trường 11 giờ trong khi MV Mega Bakti của Malaysia còn cách đó 28 giờ di chuyển và SCI Sabaramati của Ấn Độ cũng đang ở khá xa.

Máy bay Poseidon của Mỹ đã hạ cánh xuống Bali ngay trước thời hạn kể trên sau chuyến bay kéo dài 14 giờ từ căn cứ Kadena tại Nhật Bản, sau khi phải chuyển hướng đến Guam để tiếp nhiên liệu và dừng nghỉ do ảnh hưởng của siêu bão buộc Philippines phải đóng cửa không phận.

Việc Mỹ triển khai P8 Poisedon diễn ra một năm sau khi Indonesia từ chối yêu cầu của Mỹ nhằm cho phép các máy bay tầm xa sử dụng căn cứ không quân của Indonesia để tiếp nhiên liệu phục vụ hoạt động việc theo dõi tàu chiến và tàu ngầm Trung Quốc trên các vùng biển Đông Á và Ấn Độ Dương.

Với chính sách trung lập lâu đời, Indonesia chưa từng trao quyền sử dụng hoặc mượn căn cứ để tiếp liệu cho các cường quốc bên ngoài.

Tuy nhiên, do lo ngại về các cuộc xâm lấn gần đây của Trung Quốc, Indonesia đã tham gia các cuộc tập trận thường xuyên với các lực lượng Mỹ và Australia.

Thực tế Indonesia có kinh nghiệm về tàu ngầm lâu hơn hầu hết các nước châu Á.

Trong những năm 1960 của Chiến tranh Lạnh, quốc gia này đã vận hành 12 tàu ngầm lớp Whisky mua lại từ Liên Xô, nhiều hơn con số sở hữu của bất kỳ lực lượng hải quân nào ở Nam bán cầu.

Những tiến bộ trong thiết kế, đảm bảo an toàn, các tiến bộ về công nghệ cao cùng quá trình huấn luyện có nhiều cải tiến cũng như học thuyết vận hành đã giúp hoạt động của tàu ngầm trở nên ít nguy hiểm hơn so với trước đây.

Tuy nhiên, thảm kịch mới nhất nhiều khả năng sẽ dẫn tới một cuộc xem xét lại cách thức để các nhà vận hành tàu ngầm cải thiện năng lực phối hợp cứu hộ thảm họa đa quốc gia, mở rộng hơn phạm vi các cuộc diễn tập Tiếp cận Thái Bình Dương ba năm một lần và Hội nghị Tàu ngầm châu Á-Thái Bình Dương thường niên.

Hiện tại, có tổng cộng 15 tàu ngầm đã được phiên chế cho hải quân các nước khu vực, trong đó cụ thể là 6 chiếc của Việt Nam, 5 chiếc của Indonesia, 3 chiếc của Singapore và 2 chiếc của Malaysia.

Myanmar đã khiến dư luận bất ngờ khi tiếp nhận một tàu ngầm cũ lớp Kilo của Hải quân Ấn Độ hồi năm ngoái.

Chuyên gia quân sự Kelvin Wong viết trong một bài báo năm 2009 cho Trường Nghiên cứu Quốc tế S Rajaratnam (RSIS): “Việc thành lập các hạm đội tàu ngầm mới cũng như sự gia tăng các quốc gia sở hữu tàu ngầm tại châu Á khiến nguy cơ tai nạn tàu ngầm trong thời bình có thể sẽ tăng lên. Các vùng biển tương đối hạn chế của châu Á, với các tuyến đường vận chuyển đông đúc và địa hình khó khăn dưới nước, cũng làm tăng nguy cơ xảy ra sự cố. Các dịch vụ tàu ngầm ở châu Á có thể sẽ càng cần thiết hơn bao giờ hết khi hải quân khu vực cố gắng khai thác các vùng biển sâu”./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục