Số trẻ sơ sinh tại Nhật Bản xuống mức thấp nhất trong 22 năm

Trong giai đoạn từ tháng 1-6/2022, có 384.942 trẻ sơ sinh trong diện trên, giảm 20.087 trẻ so với cùng kỳ năm ngoái trong bối cảnh Nhật Bản chịu ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19.
Số trẻ sơ sinh tại Nhật Bản xuống mức thấp nhất trong 22 năm ảnh 1Chăm sóc em bé sơ sinh. (Ảnh minh họa. AFP/TTXVN)

Trong nửa đầu năm 2022, tổng số trẻ sơ sinh của Nhật Bản, bao gồm trẻ được sinh ra ở Nhật Bản và con mới sinh của những người Nhật Bản ở nước ngoài, đã giảm 5% so với cùng kỳ năm trước, lần đầu tiên ít hơn 400.000 trẻ kể từ năm 2000.

Mức sinh thấp kỷ lục trong bối cảnh Nhật Bản chịu ảnh hưởng kéo dài của đại dịch COVID-19.

Cụ thể, trong giai đoạn từ tháng 1-6/2022, có 384.942 trẻ sơ sinh trong diện trên, giảm 20.087 trẻ so với cùng kỳ năm ngoái.

Dựa trên số liệu trên, tổng số trẻ sơ sinh cả năm của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới được dự báo giảm xuống mức thấp hơn 811.604 trẻ ghi nhận năm 2021, đánh dấu lần đầu dưới mức 800.000 trẻ kể từ khi Chính phủ Nhật Bản bắt đầu thống kê dữ liệu năm 1899.

[Dân số Nhật Bản giảm với tốc độ kỷ lục trong 13 năm liên tiếp]

Trong Sách trắng 2022 về tỷ lệ sinh giảm do Văn phòng Nội các Nhật Bản công bố có đoạn nêu rõ đại dịch COVID-19 lây lan đã làm giảm số lượng các cặp kết hôn và mang thai so với trước đại dịch, những người ở độ tuổi 20 và 30 cũng lo lắng về hôn nhân, thu nhập, việc làm và gia đình hơn các nhóm tuổi khác.

Theo số liệu chính thức, số lượng các cặp kết hôn trong nửa đầu năm 2022 đã tăng 243 cặp so với cùng kỳ năm trước lên 265.593 cặp, nhưng con số này vẫn giảm hơn 50.000 cặp so với năm 2019 - thời điểm trước khi đại dịch bùng phát. Số trẻ sơ sinh hàng năm ở Nhật Bản có xu hướng giảm kể từ giữa những năm 1970 và tốc độ giảm hiện nay nhanh hơn dự đoán của chính phủ.

Năm 2017, Viện Nghiên cứu Dân số và an sinh xã hội quốc gia của Nhật Bản từng dự đoán số trẻ sơ sinh chào đời sẽ ở mức 850.000 trẻ vào năm 2022 và giảm xuống dưới 800.000 vào năm 2030.

Tỷ lệ sinh ngày càng thấp đang gây thêm áp lực cho Chính phủ Nhật Bản trong bối cảnh Tokyo vẫn đang nỗ lực tìm cách duy trì quỹ hưu trí quốc gia ngày một phình to, đảm bảo hệ thống y tế và chăm sóc người cao tuổi khi dân số ngày càng già hóa.

Giải quyết cuộc khủng hoảng nhân khẩu học là một trong những ưu tiên trong nhiệm kỳ của chính quyền Thủ tướng Fumio Kishida, bên cạnh những vấn đề khác như chống dịch và phục hồi kinh tế./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục